Hành trình đầy nước mắt của cậu bé ‘lạc’ sang Mỹ và ẩn ức bị bỏ rơi 11 năm

27/07/2017 - 06:00

PNO - Năm 2009, Chrisian Norris đã tìm thấy gia đình sau 9 năm thành người Mỹ. Câu chuyện được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ như NBC, CNN đặc biệt chú ý.

Sau thành công từ trường hợp đầu tiên năm 2009, mạng tìm kiếm người thân thất lạc “Con ơi hãy về” đã có mạng lưới tình nguyện viên ở nhiều quốc gia, vượt khỏi biên giới Trung Quốc. 

Đứa con đi lạc

Tết Thanh minh năm 1998, bác sĩ Tạ Cao Khoa (Huyện Long Đức, tỉnh Ninh Hạ) đưa cậu con trai 7 tuổi Tạ Gia Thành về quê thắp hương tổ tiên. Trên đường trở về, ông bị lạc mất con trai. Lúc đó, cả gia đình họ Tạ đều hoảng loạn.

Em trai ông Tạ, người theo dõi cháu mình lớn lên từng ngày còn phẫn nộ tới mức đánh nhau với anh vì cho rằng anh có lỗi khi để con mất tích. Nhiều năm sau đó, hai anh em họ còn không gặp mặt  nhau vì chuyện này. 

Hanh trinh day nuoc mat cua cau be ‘lac’ sang My va an uc bi bo roi 11 nam
Cậu bé Gia Thành được Julia Norris nhận nuôi, và đưa về Mỹ vào năm 2000.

Còn cậu bé Tạ Gia Thành năm đó đi lạc tới Lạc Dương, rồi được đưa vào một cô nhi viện. Năm 2000, bà Julia Norris tới cô nhi viện làm từ thiện, lần đầu gặp Gia Thành đã cảm thấy rất thân thiết. Bà Julia liền làm thủ tục nhận nuôi cậu bé và đưa Gia Thành sang Mỹ, đổi tên thành Christian.

Christian lớn lên trở thành một vận động viên khúc côn cầu rất thành công trên đất Mỹ. Tuy nhiên, quá khứ ở Trung Quốc và nỗi day dứt về nguồn gốc luôn khiến cậu bất an.

Ở Mỹ, Christian phải đối mặt với sự kỳ thị người châu Á rõ rệt. Hơn nữa, năm đó bị lạc rồi đưa tới cô nhi viện, ký ức của Christian (Tạ Gia Thành) là nỗi ám ảnh bị gia đình bỏ rơi.

Có lúc, cậu tìm cách chối bỏ nguồn gốc đó. Julia vô cùng thương con trai. Bà bố trí một căn phòng kiểu Trung Quốc cho Chris nhưng cậu không ở, bà cũng đăng ký cho con học ở một trường Trung Quốc nhưng Chris cũng không đồng ý. Nhiều năm liền, Christian sống trong câu hỏi: mình là người Trung Quốc hay người Mỹ. 

Năm 2006, một lần Christian bày tỏ nguyện vọng: liệu cậu có thể tìm lại gia đình ở Trung Quốc không. Cậu rất muốn hỏi tại sao năm đó bố cậu lại bỏ rơi cậu. 

Hanh trinh day nuoc mat cua cau be ‘lac’ sang My va an uc bi bo roi 11 nam
Christian (Gia Thành) sống tại Mỹ bên mẹ nuôi Julia Norris.

Tuy nhiên, khi ấy việc tìm kiếm của hai mẹ con vô cùng khó khăn vì hầu như không biết bắt đầu từ đâu. Cho đến khi Julia tìm ra trang web “Con ơi hãy về” vào năm 2009.

Nhận được email của Julia, các tình nguyện viên được huy động để dò tìm manh mối từ những câu chuyện mà Christian còn nhớ được.

Dựa vào các chi tiết về hình dáng, giọng nói, gương mặt, các tình nguyện viên tìm được cặp vợ chồng bác sĩ Tạ Cao Khoa và vợ Siêu Cúc Liên.

Ở Đại lục, cả hai đều là hai nhà tri thức có tiếng. Năm đó, khi con mất tích, họ có cùng đứng tên đưa ra một thông cáo về việc này. Nhờ bản thông cáo này mà mạng “Con ơi hãy về” xác định được thân nhân của Christian.

Tìm lại nguồn cội

Hanh trinh day nuoc mat cua cau be ‘lac’ sang My va an uc bi bo roi 11 nam
Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của Gia Thành và gia đình sau 11 năm lưu lạc.

Cuối tháng 8, Christian gặp lại cha mẹ ruột ở Bắc Kinh. Mẹ nuôi của Christian, bà Julia Norris nói rằng vào khoảnh khắc đó, bà cảm thấy con mình đã như thay đổi: “Christian đã tìm thấy gốc gác của nó, nó cũng không phải xấu hố tự trách về nguồn gốc châu Á với những người ở đây nữa”.

Cuộc gặp gỡ giữa Christian và gia đình phải thông qua phiên dịch vì Chris đã quên hết tiếng Trung, nhưng hiểu lầm đã được gỡ bỏ. Cậu cũng về lại quê cũ ở Ninh Hạ, thăm lại nơi khi xưa cậu đi lạc.  Cả quãng đường đi ngập tràn nước mắt hạnh phúc.

Cuộc đoàn tụ này đã gây được sự chú ý của truyền thông nước Mỹ. Đây cũng là trường hợp đầu tiên “Con ơi hãy về” thành công vượt biên giới. Nhờ vậy mà các trường hợp tìm lại người thân từ các nước phương Tây gửi đến mạng lưới này tăng lên.

Hanh trinh day nuoc mat cua cau be ‘lac’ sang My va an uc bi bo roi 11 nam
Gia Thành trong vòng tay của gia đình ruột thịt.

Chỉ trong ngày đài NBC của Mỹ phát đi tin về Christian Norris, có 14 email đã gửi đến mạng “Con ơi hãy về” từ Mỹ, Canada, Thuỵ Sỹ nhờ tìm lại cha mẹ. Gần đây nhất, theo Trương Chí Vỹ - luật sư của “Con ơi hãy về”, mạng lưới đã thành công tìm lại gia đình cho một cô gái Thuỵ Sỹ gốc Trung Quốc Vương Tĩnh (tên cũ là Cao Cầm).

Vương Tĩnh bị thất lạc gia đình ở Vũ Hán (Hồ Bắc) từ khi mới 6 tuổi. Họ đã sắp xếp hai bên gia đình gặp nhau vào tháng 11/2009. Vương Tĩnh cuối cùng đã gặp lại cậu và người bà 84 tuổi của mình sau 15 năm xa cách.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 30 trường hợp đoàn tụ vượt biên giới thành công. Thực tế, hậu đoàn tụ cũng là một câu chuyện phức tạp. Trương Chí Vỹ phải đóng vai trò cố vấn luật, tư vấn các biện pháp để dung hoà sự khác biệt giữa gia đình Trung Quốc và gia đình ngoại quốc.

Hiện nay, “Con ơi hãy về” là địa chỉ tin cậy hàng đầu trong hành trình tìm lại người thân ở Trung Quốc. Không chỉ tham gia vào tìm kiếm, mạng lưới còn hỗ trợ đắc lực cho phía cảnh sát khi cung cấp dữ liệu phá các vụ án buôn bán trẻ em lớn, đồng thời bổ sung dữ liệu cho ngân hàng ADN ngày một phong phú.

Trong nhiều năm áp dụng chính sách 1 con hà khắc, không ít gia đình có con mất tích mà không thể báo cảnh sát vì đó là con thứ 2. Những trường hợp bị bắt cóc phần nhiều ở nông thôn, nạn nhân không có điều kiện tiếp xúc thông tin. “Con ơi hãy về” đã tìm đến khá nhiều trường hợp vốn không tồn tại vì chính sách 1 con và dữ liệu, hồ sơ hoá đứa trẻ.

Trương Bảo Diễm cũng lập Hiệp hội công ích tình nguyện viên Tìm con lấy tư cách pháp nhân của trang mạng. Đây cũng là là tổ chức cá nhân đầu tiên được nhà nước công nhận tại Trung Quốc.           

Ngoài dữ liệu do tình nguyện viên thu thập được, “Con ơi hãy về” cũng nhận được sự hỗ trợ của đông đảo cộng đồng. Nhiều người chụp ảnh, gửi thông tin về những trường hợp trong các cô nhi viện, trung tâm bảo trợ, trẻ em lang thang cơ nhỡ ngoài đường cho mạng lưới. Nhiều người nhiệt tình giúp đỡ cung cấp thông tin. Có người đóng góp tiền của để mạng hoạt động. Cho đến nay, tất cả hoạt động của mạng vẫn miễn phí.

Thời điểm hiện tại đã có 2012 trường hợp đoàn tụ thành công nhờ “Con ơi hãy về”. Thế nhưng theo dữ liệu của mạng, vẫn còn 37.000 gia đình tìm con, 31.465 người tìm bố mẹ. 

Mai Nguyên (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI