Diệt trừ thông tin giả

12/01/2017 - 08:00

PNO - Một nhóm sinh viên đã trình diễn cách vận hành ứng dụng FIB cho phép xác minh nguồn gốc tin tức, hình ảnh và các liên kết khác.

Chính phủ Indonesia vừa tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan chuyên xử lý tin tức giả đang tràn lan trên mạng xã hội, để chấm dứt những rắc rối sau khi hàng loạt thông tin giả liên tục gây hoang mang dư luận.

Mới đây nhất, tin giả gây nhiễu cộng đồng mạng Indonesia là lời đồn Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc chiến sinh học nhằm vào Indonesia. Trước đó, vùa xảy ra chuyện bốn công dân Trung Quốc bị bắt vì sử dụng ớt nhiễm khuẩn tại một trang trại ở Jakarta.

Sự việc bỗng dưng bị thổi phồng thành “đại sự quốc gia” khiến Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta phải ra tuyên bố bác bỏ thông tin sai sự thật, tránh ảnh hưởng quan hệ ngoại giao hai nước.

Diet tru thong tin gia

Thực tế, việc sàng lọc những thông tin giả trên mạng xã hội là vô cùng phức tạp. Nhiệm vụ của cơ quan xử lý tin tức giả sắp ra đời là giám sát các vệt tin tức lan truyền trên mạng, kiểm chứng  sự thật, chỉ ra đâu là tin giả mạo. Cơ quan này còn đảm nhận cả việc bảo vệ các tổ chức nhà nước khỏi nguy cơ bị tấn công mạng thông qua sự hợp tác với Bộ An ninh và một số cơ quan chức năng khác.

Hành động của Chính phủ Indonesia là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thông tin không được kiểm chứng tràn ngập trên mạng.

Công ty Domo chuyên phân tích dữ liệu của Mỹ từng thống kê, cứ mỗi phút có hơn bốn triệu nội dung được người dùng facebook bấm like. Con số trên phản ánh sự tương tác vô cùng nhanh nhạy của người dùng trước dòng thông tin cập nhật liên tục trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Trang YouTube cho biết, với 1,3 tỷ người dùng, mỗi phút tổng các video đăng lên trang này cần đến khoảng 300 giờ mới xem hết. Mỗi ngày, khoảng 5 tỷ video trên YouTube được nhấp vào xem.

Rõ ràng là ngày nay người dùng có thể tiếp cận thông tin một cách cực nhanh và rất dễ dàng. Đó là chưa tính đến những nền tảng chia sẻ thông tin trực tuyến và nhiều trang tin kém uy tín khác.

Cuối tháng 12/2016, báo chí quốc tế sôi sục trước phản ứng căng thẳng giữa người dân Israel và Pakistan chỉ vì một thông tin giả. Ngày 20/12, AWD News (trang tin vốn nổi tiếng với chiêu dựng chuyện gây sốc nhằm tăng lượt xem) đã đăng một nội dung có ý nói Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon dọa tấn công hạt nhân Pakistan nếu Pakistan gửi bộ binh đến Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif lập tức phản pháo trên mạng xã hội Twitter, nhấn mạnh Pakistan cũng là một cường quốc hạt nhân. Sự thật là ông Moshe Yaalon không hề phát biểu như AWD News đưa tin và cũng đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Israel từ tháng 5/2016.

Cùng thời điểm trên, ngày 24/12, Chính phủ Đức cũng tuyên bố đang gấp rút lên kế hoạch thành lập trung tâm chống tin tức giả, nhằm đảm bảo tính khách quan của kỳ bầu cử vào tháng 9/2017.

Chính phủ Đức nhận thức rõ, thông tin giả luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa không lường hết được, có thể khiến tình hình của Đức (vốn đang chia rẽ vì người tị nạn) và châu Âu thêm căng thẳng; đặc biệt là trong giai đoạn châu Âu đang đứng trước sự chia rẽ liên quan đến nhiều vấn đề chính trị-kinh tế-xã hội.

Chính quyền Berlin cho biết, với 500 chuyên viên, họ sẽ vừa “gác cổng” ngăn chặn thông tin giả, vừa định hướng cho các đối tượng độc giả dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin giả, giúp họ tỉnh táo hơn khi lướt web.

Không ai lường trước được hậu quả thông tin giả có thể gây ra. Đa phần các thông tin giả thiên về góc độ tiêu cực, mang động cơ thâm hiểm, kích thích sự phẫn nộ nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Trường hợp đáng tiếc của Edgar Maddison Welch (28 tuổi), ở Salisbury, North Carolina (Mỹ) xách súng tấn công một tiệm pizza ở thủ đô Washington DC là một điển hình.

Ông bố hai con Edgar bị “chọc điên” vì có tin giả vu cho bà Hillary Clinton và Chủ tịch ban vận động tranh cử của bà là ông John Podesta điều hành một đường dây lạm dục tình dục trẻ em tại đây.

Tin càng giật gân càng thu hút người đọc. Theo ông Michael Lewittes, người sáng lập trang tin Gossip Cop chuyên thông tin về những người nổi tiếng, chính bản thân ông cũng thường xuyên bị quay cuồng trước những thông tin thật giả bất phân.

Chỉ vài tuần qua, ông cùng các nhân viên phải liên tục xác minh lại những thông tin vô trách nhiệm từ các trang tin khác, như thông tin cho rằng Nữ hoàng Anh Elizabeth, nữ ca sĩ Miley Cyrus, nam diễn viên Tony Hawk, doanh nhân trong ngành xuất bản Hugh Hefner… đã qua đời.

Tháng 11/2015, một nhóm sinh viên đã trình diễn cách vận hành ứng dụng FIB cho phép xác minh nguồn gốc tin tức, hình ảnh và các liên kết khác. Từ đó, các bài viết sẽ được gắn thẻ xác nhận thông tin có đáng tin cậy không, đã được xác minh chưa. “Màng lọc” ban đầu đó sẽ giúp người dùng biết liệu thông tin đó có đáng đọc hay không.

FIB hoạt động dựa trên quá trình thu thập thông tin tự động, truy tìm các bài liên kết và đối chiếu trực tiếp. Hiện đã có 50.000 lượt tải ứng dụng FIB, hứa hẹn mang lại sự tỉnh táo cho người dùng trước những thông tin gây nhiễu làm bất ổn xã hội.

Trước nỗi lo thông tin giả, tháng 11 năm ngoái ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã công bố sẽ đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn việc chia sẻ các tin tức giả mạo trên mạng xã hội.

Đại diện Google cũng cho biết, sẽ sớm triển khai việc chặn các quảng cáo gây nhầm lẫn, các thông tin giả trong kết quả tìm kiếm.

Không thể đo lường hết hậu quả và rắc rối mà thông tin giả có thể gây ra. Từ các vấn đề đời sống đến an ninh xã hội, chính trị và cả quan hệ đối ngoại đều có thể bị những kẻ tung tin giả khai thác.

Chưa bao giờ công chúng có cơ hội tiếp cận nhiều kênh thông tin như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ mê lộ thông tin lại rối ren như
lúc này.

ANH THÔNG (Theo Washington Post, NY Times, NBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI