Cuộc sống yên bình lạ kỳ ở ‘làng Thống nhất’ gần giới tuyến Hàn-Triều

10/01/2018 - 06:00

PNO - Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 9/1 đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao lần đầu tiên sau hai năm gián đoạn tại Khu phi quân sự (DMZ), vùng giới tuyến được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Hai bên giới tuyến ken đặc pháo binh, tên lửa và các loại vũ khí khác, cùng với hàng trăm ngàn binh sĩ của cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

Nhưng chỉ cách DMZ hơn một dặm, là một cuộc sống yên bình của cư dân làng Tongil Chon, Hàn Quốc. Tongil Chon theo tiếng Triều Tiên có nghĩa là làng Thống nhất.

Cuoc song yen binh la ky o ‘lang Thong nhat’ gan gioi tuyen Han-Trieu
Một hầm tránh bom ở giữa làng Tongil Chon - Ảnh: Stanislav Varivoda

Nếu chiến tranh nổ ra, "bom sẽ không rơi ở đây, nó sẽ bay qua đầu chúng tôi”, một nông dân trồng lúa, cười khà khà khi ông sưởi ấm bên cạnh một lò sưởi điện trong cửa hàng tạp hóa duy nhất của làng.

Nhiều người dân địa phương cho biết họ sẽ không bao giờ rời đi chỗ khác.

DMZ là một dải đất hẹp đầy bom mìn từ thời chiến tranh Triều Tiên, đến nay cuộc chiến về danh nghĩa vẫn chưa kết thúc do hai bên ký một hiệp định đình chiến – chứ không phải một hiệp định hòa bình – vào năm 1953.

Tongil Chon cách làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), nơi diễn ra đàm phán liên Triều hôm 9/1, chưa đến 5km. Tại cuộc gặp này, hai miền thảo luận về việc Triều Tiên gửi một đoàn thể thao tham dự Thế vận hội Mùa đông ở PyeongChang, Hàn Quốc, vào tháng tới.

Các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên những tháng gần đây đã gây căng thẳng trong khu vực, thách thức các lệnh trừng phạt của LHQ và Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa hủy diệt Hàn Quốc và Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump dọa đáp lại Triều Tiên bằng “lửa đỏ và phẫn nộ”.

Tuy nhiên, hôm 7/1 ông Trump đã thay đổi thái độ và cho biết ông sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Nhà nghiên cứu Duyeon Kim của Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên nói rằng, Seoul nhận thấy sự tham gia tiềm năng của Triều Tiên vào Thế vận hội như là một "bước ngoặt" dẫn tới những cuộc đàm phán tiếp theo về các vấn đề khác.

Làng Tongil Chon là một nơi vô cùng yên tĩnh. Nó nằm trong vùng đệm ngay bên ngoài DMZ. Cư dân, binh sĩ và những người khác được quân đội phê chuẩn phải đi qua các trạm kiểm soát mới vào được làng.

Từ Tongil Chon dễ dàng thấy đất Triều Tiên. Trong nhiều thập niên qua, Triều Tiên và Hàn Quốc sử dụng các ngôi làng gần giới tuyến để phô trương sự phồn vinh của đất nước mình. Nói một cách đơn giản: ngôi làng càng thịnh vượng, đất nước càng ưu việt.

Đã có thời công cụ tuyên truyền này tỏ ra có hiệu quả. Nhưng ngày nay, sự khác biệt về giàu nghèo giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã quá rõ ràng.

Bà Bang Nae Ok đang theo con đường chính về nhà trong một buổi chiều có nắng nhưng giá lạnh.

Cuoc song yen binh la ky o ‘lang Thong nhat’ gan gioi tuyen Han-Trieu
Cụ bà Bang Nae Ok - Ảnh: Stanislav Varivoda

Cụ bà 92 tuổi này sinh ở Triều Tiên và tìm thấy nơi ẩn náu ở miền Nam trong những năm chiến tranh. Bà quyết định định cư ở Tongil Chon vì đây là nơi gần nhất với quê hương của bà.

Một nông dân địa phương, ông Lee Won Bae cho biết thời thế đã thay đổi. Khi làng được thành lập năm 1973, cả nam và nữ đều được huấn luyện dùng vũ khí.

Cư dân cũng phải được kiểm tra, và chỉ có những ai có niềm tin vào quốc phòng mới được phép sống ở đây.

Ngôi làng ban đầu có 40 thường dân và 40 người lính, nay ngôi làng có khoảng 480 người, hầu hết là người cao tuổi.

Cô Kim Hee-seok, phó hiệu trưởng trường tiểu học địa phương, mô tả làng Tongil Chon là một nơi an toàn. Cô cho biết, học sinh vui vẻ học hành, vì vậy giáo viên cũng rất vui.

Cuoc song yen binh la ky o ‘lang Thong nhat’ gan gioi tuyen Han-Trieu
Cô giáo hiệu phó Kim Hee-seok - Ảnh: Stanislav Varivoda

Chỉ có 15 trong số 45 trẻ em của trường sống trong làng. Số còn lại ở bên ngoài được nhận vào học.

Ông Lee - cũng là trưởng làng - nói rằng có một danh sách chờ được nhận vào trường, vì trường này dạy cho các em chương trình tiếng Anh rất tốt.

Đối với ông Lee, người đã sống cả cuộc đời gần DMZ, nói rằng ông ta tự hào về nhiệm vụ ban đầu của làng Tongil Chon.

"Khi chúng tôi làm ruộng ngay sát mặt trận, nếu Triều Tiên thấy chúng tôi sống thoải mái, thì thật đáng tự hào”, ông Lee nói.

Thanh Vân (Theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI