'Bao Công nước Mỹ' thành ngôi sao Internet vì cách xử không giống ai

03/08/2017 - 07:07

PNO - Những câu chuyện tan chảy lòng người về cách ứng xử của thẩm phán Frank Caprio với các bị cáo đã khiến ông trở thành một ngôi sao trên mạng Internet.

Suốt 32 năm qua, thẩm phán Frank Caprio làm việc tại tòa sơ thẩm tại Providence, Rhode Island, chuyên thụ lý những tội danh nhẹ như đỗ xe trái phép, chạy quá tốc độ…

'Bao Cong nuoc My' thanh ngoi sao Internet vi cach xu khong giong ai
Thẩm phán Frank Caprio

Tuy nhiên, cách “lập lại công lý” có một không hai của vị thẩm phán 80 tuổi này đã khiến cộng đồng mạng vô cùng hâm mộ, sau khi họ được xem những đoạn video do chương trình Caught in Providence của kênh truyền hình địa phương ghi lại. Tính đến nay, các đoạn băng có hình thẩm phán Frank Caprio đã thu hút hơn 150 triệu lượt view từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Một trong những vụ việc gây xúc động nhất chính là khi ông thụ lý hồ sơ của Andrea Rogers, người đã bị phạt tới 400 USD cho tội đỗ xe trái quy định.

Tuy nhiên tại tòa, bà Rogers bật khóc khi giải trình rằng bà vẫn chưa thể lấy lại cân bằng sau khi người con trai 19 tuổi của mình bị sát hại.

“Tôi sẽ lưu tâm đến câu chuyện đau lòng mà bị cáo vừa kể. Tôi không nghĩ rằng ai trong chúng ta lại muốn phải trải qua những khoảnh khắc như vậy trong đời”, Thẩm phán Frank chia sẻ trước khi quyết định xóa hết án phạt cho bà Rogers. “Hy vọng rằng mọi thứ sẽ sớm trở nên tốt hơn với bà và chúc bà may mắn”.

Đoạn video nói trên đã được xem và chia sẻ hàng triệu lần trên mạng xã hội, bao gồm 13 triệu view chỉ từ trang Facebook của DailyMail.com.

Kể lại câu chuyện với DailyMail sau này, Rogers cho biết thẩm phán Frank đã cho mình “một cơ hội thứ hai” để làm lại cuộc đời.

Tại thời điểm ra tòa, Rogers đã mất nhà và tài khoản Bảo hiểm xã hội của bà cũng bị cắt. Bên công tố thậm chí còn đưa ra nhiều phiếu phạt từ năm 2004 và 2005. Tổng số tiền phạt mà bà nợ lên tới 400 USD.

“Tôi suy sụp thực sự. Đến 1 đồng tôi cũng không còn. Ông ấy thực sự là một người tốt. Khi người ta tuyệt vọng, ông ấy đã cho họ một đường sống”, Rogers cảm kích.

Phiên tòa xử vụ việc của Andrea Rogers

Một tháng sau phiên xử, hình ảnh Rogers tràn ngập trên TV nhờ đoạn video clip của Caught In Providence. Sự ủng hộ từ khắp mọi nơi đổ về. “Tôi từng có cảm giác mọi người đã quên lãng đứa con trai bất hạnh của tôi. Nhưng sau khi đoạn phim phát sóng, họ đã tìm đến tôi, từ Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, khắp mọi nơi…

Tôi đã nhận được hơn 1700 email và tin nhắn. Tình hình tài chính của tôi cũng được cải thiện nhờ mọi người quyên góp cho quỹ GoFundMe”.

Một phương pháp xử lý cũng được Frank nhiều lần sử dụng là “nhờ đến trẻ em”, con cái của chính những người phạm tội.

Lý giải cho quyết định này, ông nói muốn tranh thủ đây là một “bài giảng” cho bọn trẻ. Điều hài hước là đôi khi các cô cậu bé không hề muốn “nhẹ tay” cho cha mẹ của mình.

Lấy thí dụ, trong một phiên xử, Darrell Kroll, 58 tuổi, cùng cậu con trai Jacob, 8 tuổi, đến tòa vì tội trốn vé phạt đỗ xe từ năm 2014. Khi ấy, Darrell đang là quản lý tại nhà hàng Pizza Gourmet. Anh này khăng khăng cho rằng mình đỗ xe ở chỗ không có biển cấm và chỉ đi ra trong đúng 1 phút, nhưng đã nhìn thấy phiếu phạt.

'Bao Cong nuoc My' thanh ngoi sao Internet vi cach xu khong giong ai
Thẩm phán Frank Caprio trong một phiên xét xử.

Darrell kháng nghị và vụ việc của anh đến tay thẩm phán Frank.

Tuy nhiên, diễn biến của vụ việc khiến Darrell hoàn toàn bất ngờ. Thẩm phán Frank đã gọi Jacob lên ngồi cùng mình và chỉ trò chuyện cùng cậu bé, thay vì lắng nghe ông bố trần tình. Cuối cùng, cụ Frank để cho Jacob quyết định mức phạt.

Rất nghiêm túc, Jacob nói rằng mức phạt 90 USD là khá nặng và quyết định giảm phạt cho bố xuống còn 30 USD. Tuy nhiên, cụ Frank đã có một gợi ý còn bất ngờ hơn: Darrell nên dùng số tiền 30 USD đó để dẫn Jacob đi ăn sáng.

Darrell cho biết anh thực sự tâm phục khẩu phục với quyết định này. “Ông ấy đã dạy cho bọn trẻ một bài học quý giá. Tôi nghĩ ông ấy còn hơn cả hành xử công bằng. Ông ấy chịu lắng nghe mọi người”.

“Chính sự cảm thông của ông với những người phạm tội, cũng như cách tiếp cận độc đáo như nhờ chính những đứa trẻ ngây thơ quyết định án phạt của các bị can… đã khiến vị Thẩm phán này trở thành một hiện tượng toàn cầu”, nhà sản xuất Caught In Providence lý giải.

Tâm sự với DailyMail về lý do những video nói trên thu hút được nhiều chú ý như vậy, Thẩm phán Frank cho rằng, “ở khắp nơi trên thế giới, có vẻ như người dân đang cảm thấy các cơ quan chính phủ không đáp ứng tốt nhu cầu của họ, và rằng đây là một xã hội rất vô tình”.

“Tôi luôn để ý về sự chênh lệch quá lớn giữa quyền của các tổ chức công quyền với quyền cá nhân của người dân. Sẽ là sự hổ thẹn lớn với tôi nếu tôi, một người đại diện cho công quyền, lại kết án một người nào đó những tội danh họ không đáng phải gánh”, vị thẩm phán 80 tuổi này nhấn mạnh quan điểm.

'Bao Cong nuoc My' thanh ngoi sao Internet vi cach xu khong giong ai
 

“Nếu tôi thấy có những hoàn cảnh và điều kiện nhất định trong đời của bị cáo, hoặc lằn ranh giữa có tội với vô tội là sít sao, tôi sẽ nghiêng về phía hoài nghi các cáo buộc. Tôi không bao giờ đi theo lối mòn rằng: không có lửa làm sao có khói”.

Ông cũng tiết lộ quan điểm và cách tiếp cận với các vụ án của mình chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha đã khuất, một người Italy nhập cư vào Mỹ từ trước thời Đại suy thoái.

“Cha tôi sinh ra trong 1 gia đình có tới 10 người con, mẹ tôi thì có tới 7 anh chị em. Cả hai đều là dân nhập cư. Chúng tôi sống trong một cộng đồng thân thiết với họ hàng, người thân xung quanh. Không bao giờ bị đói rét, không tranh chấp của cải và mọi người luôn cưu mang nhau”, ông kể lại.

Thẩm phán Frank Caprio tốt nghiệp đại học Providence với bằng khoa học chính trị. “Tôi rửa bát và làm kế toán tại một nhà hàng địa phương để có tiền đóng học phí. Mỗi ngày đều làm việc đến 11h đêm. Tôi không có đời sinh viên như những bạn học khác”.

Sau đó, Caprio học thêm ngành luật tại trường Luật Suffolk ở Boston. Để có thể trang trải học phí, ông dạy học môn Giáo dục công dân tại trường Phổ thông Hope tại quê nhà.

“Tôi thường về nhà vào nửa đêm, sau đó tỉnh dậy lúc 6h30, lái xe 2 tiếng đến trường giảng dạy, sau đó quay về Đại học để dự giảng. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ hay thôi không làm nữa. Đó chính là nhờ ảnh hưởng từ bố. Bố tôi là người hùng, dù ốm đau, dù mệt đến đâu, ông vẫn luôn gắng gượng đi làm. Tất cả là vì chúng tôi, vì gia đình”.

Ông tin rằng, tất cả những gì mình làm đều sẽ khiến gia đình tự hào. “Tôi có hai con trai đều là luật sư. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn duy trì một nguyên tắc: không bao giờ lấy tiền từ những người quá nghèo”.

Sự nổi tiếng bất ngờ cũng đem lại khá nhiều xáo trộn cho cuộc sống bình dị và yên tĩnh của ông. Người dân thường nhận ra ông trên phố hoặc bị xin chụp ảnh selfie cùng. Những người đến dự các phiên xử của ông cũng ngày một đông vì muốn xuất hiện trên truyền hình.

Frank cũng nhận được hàng ngàn lá thư từ các fan hâm mộ. “Tôi trả lời khoảng 3 bức mỗi ngày nhưng không xuể. Mọi người nói là còn rất nhiều thư gửi về tòa nữa. Gần như tất cả các lá thư đều nhắc đến từ “tử tế” và “thấu cảm”. Điều đó khiến tôi thực sự xúc động”.

Phương Lâm - Kiến Văn (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI