Bác ngư dân làm thợ lặn cứu người và nghiệp biển cả

19/07/2017 - 06:30

PNO - Họ là những ngư dân sống chết với biển cả, sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình chỉ để làm công việc thầm lặng cứu hộ hoặc vớt bằng xác người chết đuối mà chẳng cần được vinh danh.

Pulau Ubin vốn được biết đến là hòn đảo thanh bình ở Singapore. Thế nhưng, nơi này không ít lần chứng kiến thảm họa trong cơn giông tố có thể cướp đi sinh mạng của người dân.

Những trận bão lớn, cuồng phong là nỗi ám ảnh kinh hoàng của bất cứ ai trên đảo Pulau Ubin, nằm tại vùng biển phía Đông Bắc của Singapore, thuộc eo biển Johore.

Bac ngu dan lam tho lan cuu nguoi va nghiep bien ca
Ngư dân Phillip Lim và bộ đồ nghề thợ lặn dùng để cứu người.

Bốn năm trước, chiếc thuyền của một ngư dân ở vùng lân cận mất thăng bằng, hất văng người ngư dân xuống biển. Người đàn ông này bất tỉnh khi chân vịt tạt mạnh vào người. Cả khuôn mặt ông chảy máu đầm đìa. Ông bị chìm dần xuống biển.

Chính bác ngư dân tốt bụng Phillip Lim (55 tuổi) vốn nổi tiếng với tinh thần tình nguyện hỗ trợ nạn nhân gặp nạn trên biển đã vớt xác người đàn ông trên. 10 năm qua, ngư dân Phillip Lim chọn đây là cái nghiệp cuộc đời mà ông quyết chí theo đuổi.

Phillip Lim từng là thợ lặn thuê cho một công ty dầu khí. Ông có kiến thức sơ cấp cứu và có khả năng ứng biến nhanh. Cùng với ông còn có ba ngư dân khác tự trang bị thiết bị cứu hộ, mắt kính và dụng cụ lặn để có thể ra tay hỗ trợ, cứu người, vớt xác bất cứ lúc nào.

Phillip Lim nhớ lại biến cố năm 2007 đã khiến ông thay đổi rất nhiều. Lần ấy, thuyền của ông gặp bão ngoài khơi. Động cơ bất ngờ chết máy, chân ông mắc kẹt, nửa thân người chìm dưới biển.

May mắn thay, một ngư dân đi ngang qua không ngại nguy hiểm đã dốc sức cứu Phillip. Ông biết ơn ân nhân vì nếu không có người ấy, ông nghĩ mình đã mất mạng từ lâu.

Bac ngu dan lam tho lan cuu nguoi va nghiep bien ca
Biết có người gặp nạn, Phillip Lim tức tốc lao ra biển ngay.

Vài tháng sau khi trở về từ cõi chết, Phillip chọn cách sống cho đi, ông tập hợp một số người bạn, lập nên nhóm cứu hộ ở khu vực đảo Pulau Ubin.

Đến nay, nhóm của ông có ít nhất 15 thành viên với nhân lực cốt lõi là ông và nhóm bạn thân. Tất cả chọn đây là sứ mệnh cuộc đời và bản thân họ chưa từng nghĩ về những lời khen tụng, kỷ lục.

Nhiều năm làm công việc thầm lặng này, điều khiến Phillip Lim trăn trở nhất là có những lúc ông không thể gánh thay nỗi đau của người ngộ nạn.

Năm 2007, Phillip tiếp cận được một người đàn ông gặp nạn trên biển trong tình trạng bị thương rất nặng. Anh ta được đưa đến bệnh viện sau đó nhưng không qua khỏi. Anh chết ở tuổi 35. Phillip nặng trĩu lòng.

Một trong những kỷ niệm Phillip Lim nhớ nhất là câu chuyện của một gia đình người Mỹ đến du lịch ở Singapore năm 2009.

Họ gồm bố mẹ và hai con nhỏ sáu và bảy tuổi đang chèo xuồng quanh khu vực đảo Pulau Ubin thì gặp bão to, cuốn họ trôi ra xa.

Khi Phillip Lim tiếp cận được họ, người bố và người mẹ hoảng loạn xin hãy cứu con họ trước. Lần đó, Phillipn Lim cứu sống cả gia đình, đưa hộ vào nơi an toàn, chăm sóc họ chu đáo. Gia đình ấy đã đặt tên nhóm cứu hộ của Phillip Lim là “Thiên thần biển”.

Bac ngu dan lam tho lan cuu nguoi va nghiep bien ca
Phillip Lim thường xuyên hỏi han, chăm lo cơm ngày ba bữa và thuốc than cho một người hàng xóm mất trí.

Có lần, Phillip Lim phải loay hoay một mình suốt hai ngày liền để lặn xuống đáy biển trục vớt chiếc thuyền cho một ngư dân 80 tuổi.

Chiếc thuyền là mạng sống, là kế sinh nhai của ông già đáng thương nên bằng mọi giá, Phillip phải vớt nó lên.

Ở thời điểm hiện tại, Phillip Lim đang sống cùng hai lá phổi rất yếu cùng chứng hen suyễn nhưng bác ngư dân tốt bụng vẫn luôn nhất quyết cứu người đến hơi thở cuối cùng.

Phillip Lim đau đáu: “Chúng tôi chỉ có 5-10 phút để cứu người đuối nước. Thời gian chẳng chờ đợi ai cả. Nếu lặn xuống cứu người mà phải chết tôi cũng cam tâm tình nguyện”.

Triết lý sống của người đàn ông này khiến mọi người phải suy nghẫm: “Hôm nay tôi có thể làm gì đó có ích, thì tôi cứ làm thôi”.

Di Lâm (Theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI