Từ ngày con trai lấy vợ, thường xuyên trong chị là vừa thương vừa bực bội

27/09/2016 - 11:27

PNO - Chị chẳng nghe rõ được gì, chỉ cười và cười rồi cụng ly cụng ly… Vậy mà bỗng chị nghe thật rõ câu nói “Người ở quê mà được làm sui với phố thì họ hãnh diện lắm đó”.

Con trai về thành phố học đại học rồi đi làm ở đó, vài ba lần đưa bạn gái về chơi nhà. Chị không phải là người khắt khe nhưng thật lòng chị không thích cô bé ấy. Hiền thì có hiền, lễ phép thì có lễ phép, nhưng mà…

Lần thứ nhất, con trai nói “Ở thành phố áp lực ghê lắm. Đi làm cả ngày rồi buổi tối còn phải đi học thêm ngoại ngữ, học này học kia nên không có thời gian cho bếp núc. Má đừng có bày ra thử tài nấu nướng làm bạn con sợ nghe”.

Chị phì cười. Bày ra thử tài nấu nướng là chuyện từ thời bà nội bà ngoại, thời buổi này đàn bà con gái cũng cơm hộp, chị hiểu mà. Hàng xóm quanh chị mấy người có con dâu thành phố, vừa cười vừa kể nhau nghe kinh nghiệm là đám giỗ thì chỉ nên sai con dâu lột hành tỏi thôi.

Mà ngay cả việc lột hành tỏi, con trai chị cũng sợ lưỡi dao nhỏ làm đau làn da tay trắng trẻo của người yêu, nên giành làm luôn. Nhìn con trai kiếm cớ lăng xăng trong bếp là biết con mình yêu thật rồi. Tình yêu có sức trao truyền. Con trai yêu cô ấy, chị thì yêu con trai, cho nên chị nói: “Con đưa bạn ra vườn chơi đi, để đó má nấu cho”.

Tu ngay con trai lay vo, thuong xuyen trong chi la vua thuong vua buc boi

Cả hai đứa thở phào và dắt nhau đi ra vườn ngay. Chị nửa cười nửa bực mình. Rồi chị nhớ hồi mình mới làm dâu nấu cơm bằng bếp củi mà nhà chồng thì đông người, nồi cơm mười lon khiến chị không sợ sống thì sợ khê… Vậy mà rồi chị lo toan được cả đám giỗ. Khi người ta thật lòng yêu thương thì người ta làm được hết. Cô gái này có thật lòng không?

***

 Đám cưới nhà gái, vợ chồng chị ngồi chung bàn với mấy cặp dì dượng cô chú của cô dâu. Phía bên chị khá là trịnh trọng - tóc bới cao, mặc áo dài gấm, áo dài thêu, đeo dây chuyền ngọc trai, cổ tay cũng đeo vòng vàng. Không trịnh trọng sao được, chuyện cả đời của con cháu mình.

Gặp nhau chỗ tiệc tùng nhà hàng, lại khác tông quá đi, nên chỉ cười chào xã giao, chẳng biết nói gì, ngoài lời chúc tụng cho đôi trẻ, mà lời chúc cũng bị chìm trong ồn ào náo nhiệt. Là chị chẳng nghe rõ được gì, chỉ cười và cười rồi cụng ly cụng ly… Vậy mà bỗng chị nghe thật rõ câu nói “Người ở quê mà được làm sui với phố thì họ hãnh diện lắm đó”.

Chị giận đến đỏ bừng mặt mũi. Hãnh diện cái gì. Con trai đặt đâu thì chị đành ngồi đó. Không thèm cụng ly với ai nữa, chị nín lặng suốt cho tới khi tiệc tan. Bà dì tóc ngang vai cười giả lả “Ở đây chuyện gì người ta cũng đem ra đùa giỡn, xin chị bỏ qua cho”.

Không bỏ qua thì chị biết làm gì? Con trai mời rượu các bàn xong thì lẩn quẩn gần chị, cứ như là nó đã đoán trước thế nào cũng có chuyện. Cứ như là nó sợ bà mẹ quê này sẽ lỡ miệng lỡ mồm. Cứ như là người thành phố thì lúc nào cũng có quyền hơn.

***

Sau đám cưới, con trai và con dâu xin nghỉ phép về ở với chị hai tuần, nói cho có lễ nghĩa là về làm dâu.

Nhìn con trai cứ quanh quẩn theo vợ trong bếp, chị vừa bực vừa thương, rồi chị nói thẳng: “Má không bắt nó làm gì đâu mà lo”. Con trai được lời như cởi tấm lòng, nhoẻn cười: “Cảm ơn má”.

Thường xuyên trong chị là vừa thương vừa bực bội. Muốn bày ra nấu món này món kia cho vui nhưng lại sợ con dâu lóng nga lóng ngóng trong bếp không vui nổi nên thôi, mà cơm nước cá kho rau luộc bình thường thì sợ người ta cười chê nhà mình có dâu mới mà sao hà tiện quá. Nhức cái đầu. Con người ta vụng về mà mình nhức cái đầu.

Thôi kệ đi. Con người ta mà. Khó khăn làm chi mình bị mang tiếng thêm mệt.

***

Cuối tuần con trai hay chở vợ về thăm nhà. Chị chẳng thèm để ý chuyện con dâu vụng về mà ỷ lại hay con trai chiều vợ quá nữa.

Những chuyến về thăm nhà thưa dần vì con dâu có thai. Nào là mệt, nào là nghén không ăn được nên yếu lắm, nào là… Chị hình dung con trai mình bị con người ta hành hạ bắt chiều chuộng gấp trăm lần. Nhưng mà cũng có niềm vui rộn ràng là chị sắp được làm bà nội.

***

Chị bất ngờ khi con trai gọi điện thoại: “Vợ con đẻ xong về nhà mình nghe má?”.

Chị mừng tíu tít. Cứ sợ bị chê nhà quê lạc hậu nên chị không dám mở lời trước. Nhưng mà chị không khỏi ngạc nhiên và nghĩ ngợi. Con gái sinh nở ai cũng muốn về nhà mẹ ruột. Tại sao? Chị tự hỏi rồi tự trả lời, ờ đúng rồi, phòng trọ của đôi vợ chồng trẻ chỉ mười hai mét vuông, có thêm cái gác lửng mà sinh đẻ thì sao leo lên leo xuống được.

Con trai thì giải thích chợ búa bây giờ khó tin, hai đứa muốn em bé được nuôi nấng bằng thực phẩm sạch. Còn ở đâu sạch hơn? Rau vườn trồng, cá nuôi ao nhà, gà thả vườn nhà…

Thôi lý do gì cũng được, miễn chị được chăm bẵm cháu nội của mình. Trước tiên là nhờ người trải chiếu giường bà đẻ, ông bà dạy là người mát tay mà trải chiếu thì hai mẹ con được ngủ ngon. Rồi chị chuẩn bị lá lẩu xông hơ, và những loại rễ củ nấu nước uống cho ấm bụng bà đẻ, rồi thì nước súc miệng chứ bà đẻ thì không nên đánh răng nhiều sợ sau này răng dễ lung lay. Rồi thì chà rửa cái giần cho thật sạch để ra tháng gội đầu hong tóc...

Hàng xóm cười, cưng con dâu quá hả?

Chị đỏ mặt nhận ra từ khi đón cháu nội về nhà chị đã quên mất con dâu là con người ta!

***

 Mấy hôm nay chị dạy con dâu cách thay băng rốn, cách thay tã khi em bé ị sao cho đừng có dây ra lung tung, nửa đêm thức giấc cho bú mà buồn ngủ quá thì cho bú trong tư thế nằm sao cho bầu vú không đụng mũi em bé, khi ngồi chơi thì nắn cẳng chân cho thẳng, khi em bé ngủ say thì mẹ nằm nhích ra xa xa, đừng có thương quá rồi cứ ôm ấp khiến em bé quen hơi mai mốt đòi bồng cả ngày thì cực lắm...

Con dâu làm theo chị dạy, lại còn đợi chị nhìn tới và gật đầu để yên tâm là mình làm đúng. Nhìn hai bàn tay con dâu cố tỏ ra khéo léo, chị chợt nhận ra mình cũng tệ. Từ đó tới nay chị chỉ bực bội và mặc kệ, trong khi ai cũng cần có khởi đầu, mà con dâu thì còn quá trẻ.

Ừ, đợi kiêng cữ đủ ba tháng mười ngày, rồi chị sẽ dạy nấu món đầu tiên là cá bống kho gừng. Hôm qua có cá bống kho gừng, con dâu ăn hết cả tô cơm.

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI