Chị sai, chị mài mình mòn đi để anh hài lòng, nhưng anh ấy yêu con người cũ của chị...

26/06/2016 - 14:04

PNO - Khi ai đó bảo, hôn nhân là mồ chôn của tình yêu, chắc họ đang nghĩ về một tình yêu khác, một tình yêu phải lãng mạn, đầy hoa hồng kể cả khi sóng gió.

Họ cũng nghĩ về một hôn nhân khác, một hôn nhân nhàm chán và chứa đầy rắc rối đời thường. Đó là thứ tình yêu đầy trong phim Hàn và thứ hôn nhân đầy trong các chuyện bi hài về gia đình.

Nhưng hôn nhân hoàn toàn có thể thành mồ chôn của tình yêu nếu những người trong cuộc thiếu một chút “dũng khí” và sự tin tưởng. Tất nhiên, khác với khi yêu, hôn nhân đặt lên vai những người cùng tạo dựng một trách nhiệm khác, những mối lo toan khác. Những bức bách về sinh kế, những lo lắng cho con cái, vòng quay của công việc đảm trách hàng ngày để duy trì một gia đình rất dễ khiến người ta tin rằng với hôn nhân mỗi người phải mài bản thân cho trở nên tròn trĩnh như viên bi.

Với hình dáng ấy, người ta có thể lăn theo mọi hướng mà cuộc sống gia đình cần, tức là vứt bỏ bản thân, vứt bỏ mọi cá tính và ước mơ để phục vụ một mục đích chung: duy trì một gia đình. Nhưng đó mới chính là cách nhanh nhất để giết chết một sinh thể cần sự tươi mới, sáng tạo, niềm vui như gia đình. Có ai muốn sống chung với viên bi xoay mòng mòng mọi hướng theo những cú búng tay đâu!

Chi sai, chi mai minh mon di de anh hai long, nhung anh ay yeu con nguoi cu cua chi...
Ảnh mang tính minh họa

Gia đình đích thực, để không thành mồ chôn mà là mảnh đất màu mỡ cho cây tình yêu xanh um và cho quả ngọt trên ấy, có lẽ cần nhiều hơn những viên bi không góc cạnh cá tính, mà ngược lại gia đình cần những bánh răng để móc vào nhau, chuyển động cùng nhau, xoay theo hướng của mình nhưng cũng là kích động bánh răng khác, cùng cho một mục đích chung. Những bánh răng ấy, khác với cách lăn của viên bi tự mài mòn mình, chúng mang cá tính riêng và cần những bánh răng khác trong gia đình làm nguồn khởi phát. Những vòng xoay khích lệ ấy sẽ khiến cuộc hôn nhân thêm gắn bó, nhất là vòng xoay được chạy bằng sự tin tưởng, tôn trọng và yêu thương.

Chị là giám đốc bán hàng của một thương hiệu công nghệ lớn, gặp anh, một trưởng phòng sáng tạo điển trai và hiểu biết. Chị yêu anh nhiều lắm, “hơn cả sự nghiệp”, chị nói. Để có thể làm vợ anh hoàn hảo, chị chỉ còn đi làm bán thời gian, làm những dự án ngoài mà chị thích, để dành thời gian vun vén cho gia đình nhỏ.

Anh hài lòng với bữa cơm tinh tươm, với chén chè khuya khi anh “đi gặp đối tác về”, nụ cười anh khiến chị tin mình làm đúng. Rồi họ có con, công việc anh đòi hỏi giao tế và thời gian yên tĩnh nhiều, chị bỏ luôn cả các công việc thời vụ, tập trung làm mẹ, làm vợ tốt. Rồi anh và chị ngày càng ít trò chuyện, chị vùi đầu vào việc gia đình và anh thì vẫn giao tế và sáng tạo. Chuyện gì đến cũng đến, anh có người mới, họ chia tay nhau.

Chị ra riêng, về lại với công việc kinh doanh sở trường một thời. Sau thời gian ngắn, chị đã có lại thu nhập cao và công việc tiến triển. Hỏi khi chị đang ngồi cà phê cùng con, chị bảo “chị không trách gì anh ấy đâu, chị sai, chị mài mình mòn đi để anh ấy hài lòng, nhưng anh ấy yêu con người cũ của chị mà. Sự hy sinh ấy đã hại cuộc hôn nhân của chị”. Vậy đó, khi chị lại trở thành một bánh răng mạnh mẽ, chị xoay tiếp và thúc đẩy cuộc đời này chuyển động.

Cô đã mất tám năm học trong các trường mỹ thuật, khi lấy nhau, anh nghĩ cô sẽ không thể nào rời xa cọ, màu và toan. Anh đã dành sẵn một không gian trong nhà cho riêng cô, để cô có thể thỏa sức tung tẩy với hội họa. Nhưng khi lấy nhau rồi sinh con, bức bách trong việc duy trì nguồn tài chính ổn định cho gia đình, cô đã đi làm rất nhiều thứ, từ thiết kế sách đến vẽ các mẫu quảng cáo, cô làm tất cả, ngoại trừ việc sáng tác theo ý mình.

Màu, toan, cọ, bay xếp lại mốc meo trong góc phòng, anh thương cô quá nhưng không nói, anh cũng phải kiếm tiền, chỉ lâu lâu hai vợ chồng đi xem triển lãm, anh siết tay cô thật chặt. Cô hiểu ý cười cười. Rồi một hôm, cô bỗng nhỏ nhẹ: “Em nghỉ làm rồi”. Đó là chỗ làm tốt, thu nhập cũng ổn. Anh cười toe: “Nếu tiết kiệm, chúng ta cũng sẽ ổn, em cứ bắt đầu với việc em muốn”.

Cô vẽ lại, bằng chất liệu da. Cô vẽ ngay trên những chiếc giỏ xách da do chính cô thiết kế, cô vẽ bằng những mảnh da ghép lại, tạo nên các bức họa lập thể lạ trên chiếc túi. Cô bảo: “Đây là điều em muốn làm”. Những chiếc túi xách ấy, chưa đem lại nguồn tiền nào cả, nhưng thấy sự ủng hộ và ngạc nhiên của nhiều người khi nhìn các “tác phẩm” ấy, anh vui giùm cho cô.

Anh nói: “Hãy vẽ bằng bất cứ chất liệu nào em thích, anh tin em thích vẽ, thích sáng tạo”. Cô cười. Anh yêu nụ cười ấy, anh yêu vì cô đang trở lại là cô. Và như thế, gia đình nhỏ của anh là những bánh răng gắn vào nhau, xoay cho chiếc xe hạnh phúc lăn bánh. Điều đó lớn hơn cả một gia đình thừa mứa vật chất, anh nghĩ thế.

Phan Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI