Giá như có thể thương yêu nhiều hơn

27/09/2016 - 15:00

PNO - Chúng ta có quyền sống an toàn hơn thế này, có quyền an toàn từ chuyện ăn uống, chuyện đi lại, chuyện yêu đương và suy nghĩ. Điều gì đã khiến chúng ta lo buồn nhiều như thế?

Đêm qua, Hà Nội mưa lớn. Một trận mưa bình thường như bao trận mưa khác vào mùa này. Vậy mà trận mưa làm tôi thấy bất an kinh khủng. Có lẽ bởi suốt ngày hôm qua, tôi đã bị ám ảnh bởi bức hình chụp chiếc xe chở tôn kềnh càng trên phố, nơi có chiếc xe đạp bé nhỏ đổ nghiêng và vệt máu trên đường…

Người đàn ông điều khiển chiếc xe chở những tấm tôn cồng kềnh oan nghiệt đó đã bị cơ quan công an bắt giữ. Một làn sóng giận dữ nổ bùng trên mạng về hiện tượng xe thô sơ chở nguyên vật liệu cồng kềnh đi lại, không coi giao thông đô thị là gì.

Nỗi giận dữ ấy lan sang những người lao động nhập cư kiếm sống nhọc nhằn trên đất thủ đô, luôn bất chấp an nguy của người khác cũng như của chính mình. Nhưng tất nhiên, nỗi giận dữ lớn nhất vẫn là với sự quản lý đô thị quá yếu kém của các lực lượng chức năng ở thành phố này.

Cơn mưa làm tôi nhớ đến một trường hợp lẽ ra phải coi là sự tắc trách của chính quyền: Năm 2008, mưa lớn lắm, Hà Nội có lũ cuốn, một em bé đi học về bị cuốn vào một nắp cống mở. Sống ở thủ đô mà mất vì lũ cuốn. Người ta mãi không tìm ra thi thể em.

Nhưng nếu tôi gõ để tìm trên Google cụm từ “em bé bị lũ cuốn”, thì trong vòng 0,34 giây đã có tới 431.000 kết quả. Rất nhiều các em bé bị nước lũ cuốn trôi ở rất nhiều địa phương trong cả nước.

Cũng khó để trách cứ một thành phố, khi khắp nơi, người lớn thờ ơ với cuộc sống theo nhiều cách. Chỉ khi có những chuyện như thế này xảy ra, người ta mới giật mình vì sự thờ ơ của mình và tìm một cách nào đó để trút giận; nhưng sau cơn giận dữ, có thể sự thờ ơ lại về, như thói quen cố hữu của chúng ta.

Sự thờ ơ ấy thể hiện trên những con số thế này: mỗi năm, chúng ta có 11.500 trẻ em chết do đuối nước. Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích trong độ tuổi từ 0 đến 19 ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2013 cao gấp đôi tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở các nước có thu nhập cao.

Trong lĩnh vực giao thông, trong ba năm 2013, 2014, 2015, số trẻ em chết do tai nạn tăng gần 100% sau mỗi năm. Trong đó, có tới 70% trẻ em bị tử vong vì tai nạn giao thông là học sinh trung học phổ thông và 80% trong số đó là do tự điều khiển phương tiện chủ yếu gồm xe đạp điện, xe máy, xe phân khối lớn.

Em bé tử vong hôm qua do bị tôn cứa vào cổ, nếu theo con số thống kê, thì là một trong 30 em trung bình tử vong hàng ngày trong các tai nạn như trên. Thật đau xót! Nỗi đau không dễ gì diễn tả được. Trong ngày hôm qua, rất nhiều cha mẹ ôm lấy những đứa con bé bỏng của mình khi nó đi học về, trào nước mắt vì thấy con an toàn. Một sự an toàn lẽ ra là hiển nhiên.

Chúng ta có quyền sống an toàn hơn thế này, có quyền an toàn từ chuyện ăn uống, chuyện đi lại, chuyện yêu đương và suy nghĩ. Điều gì đã khiến chúng ta lo buồn nhiều như thế? Thay vì tìm câu trả lời, đa số chúng ta giận dữ và lên án tất cả. Sẽ chỉ là nói suông, nhưng lên án chẳng đem lại cho chúng ta niềm vui.

Gia nhu co the thuong yeu nhieu hon
Ảnh mang tinh chất minh họa. Internet

Người đàn ông điều khiển chiếc xe chở tôn hôm qua, cũng giống bao nhiêu người lao động khác trong thành phố, kiếm ăn nhọc nhằn vì chẳng có con đường nào khác. Ông ta đã bị tạm giữ, có thể bị kết án tù về tội vô ý gây chết người.

Ông ấy cũng có một gia đình và là một người cha. Ông ấy chỉ là một người khốn khổ. Ông ấy đi tù, không có nghĩa là sự quản lý đô thị tốt lên. Tốt lên hay không, chính là cách chúng ta sống hàng ngày.

Tôi vẫn nhìn thấy mỗi sáng ra đường, những ông bố, bà mẹ chở con trên xe tìm cách vượt đèn đỏ; thấy những vỏ lon sữa, giấy gói xôi vứt thẳng ra đường từ những đứa bé ngồi sau xe máy, thậm chí ngồi trong xe hơi. Sự thiếu ý thức văn minh hiện diện mọi nơi, ngay cả những cơn rủa xả cũng mang bóng dáng ấy.

Giá như chúng ta yêu con cái nhiều hơn, đúng cách hơn. Giá như chúng ta yêu thành phố và cuộc sống của mình hơn, yêu những người sống bên ta hơn. Ừ thì chỉ là lý thuyết thế thôi, tôi vẫn tin mọi việc tốt đẹp hơn, không có những chuyện buồn như hôm qua nữa!

Phạm Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI