"Cởi trói" quy định sinh con

12/01/2017 - 06:30

PNO - Nhiều bạn đọc báo Phụ Nữ bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế về “cởi trói” quy định sinh con, cụ thể là quy định mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con.

Mong quyền tự quyết số con

Chị N.M.A., SN 1985, nhân viên một công ty điện lực tại TP.HCM tâm sự: “Vợ chồng tôi đều là con một. Thuở nhỏ, tôi không có chị em để chơi chung. Khi tôi lớn lên, ba, mẹ, rồi ông bà nội, ông bà ngoại (vốn chỉ sinh mỗi mình ba và mẹ tôi) bệnh, chỉ một mình tôi xoay xở. Tôi không muốn con mình rơi vào hoàn cảnh giống mình. Cả chồng tôi cũng vậy”.

Chị Bùi Thị Thu Hiền, y tá tại Bệnh viện Chỉnh hình, phục hồi chức năng TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Chồng tôi là cảnh sát biển, quanh năm lênh đênh sóng gió. Nếu có điều kiện, tôi sẽ sinh tiếp để nhà có cảm giác đông vui”. Anh Viết Cường, chồng chị, cũng đồng tình với quan điểm của vợ: “Nếu được phép sinh thêm, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ nắm ngay cơ hội. Chỉ thương vợ tôi vất vả thôi”.

Cũng đã có hai con, bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.12, đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết, bà đồng tình với chủ trương “cởi trói” về số con của mỗi cặp vợ chồng. Bà Nga cho biết: “Nếu thấy đủ khả năng về kinh tế, về điều kiện nuôi dạy con, tôi cũng sẽ sinh thêm con khi bãi bỏ quy định không cho phép cán bộ công chức, đảng viên sinh con thứ ba.

Bà Nguyễn Thị Nga đồng tình với chủ trương "cởi trói"về số con của mỗi cặp vợ chồng

Tuy nhiên, điều kiện và mong ước đó hãy còn xa xôi lắm. Như nhiều cặp vợ chồng cán bộ, công chức khác, chúng tôi cũng phải biết tự lên kế hoạch để xây dựng tổ ấm của mình, trong đó có việc dừng ở hai con để nuôi dạy, giúp con phát triển toàn diện, hài hòa”.

Bác sĩ Phan Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM chia sẻ: “Từ góc độ của người làm công tác dân số nhiều năm liền, tôi cho rằng, việc cởi trói quy định không sinh con thứ ba như một tất yếu. Giai đoạn chúng ta ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2003, và những quy định trước đó nữa, chính là thời điểm bùng phát tỷ lệ sinh con thứ ba, khi ấy đời sống kinh tế chúng ta còn nhiều khó khăn, quan niệm “có nếp, có tẻ”, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn hằn trong tâm thức người Việt khắp từ thành thị đến thôn quê. Sau ngần ấy năm truyền thông, nhận thức của người dân thay đổi, tỷ lệ tăng sinh dưới “mức sinh thay thế” nên việc “cởi trói” cho quy định cũ là cần thiết”.

Liệu sinh nhiều con, sinh muộn có ảnh hưởng đến chất lượng dân số? Bác sĩ Phan Hồng Anh khẳng định, chất lượng dân số trẻ sơ sinh về mặt thể lực và trí lực hiện nay tốt hơn nhiều so 10-15 năm trước. Các bà mẹ được chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi thai kỳ tốt hơn. Thậm chí nhiều bà mẹ trí thức sinh con muộn lại được can thiệp y tế với thiết bị, công nghệ tiên tiến, biết “thai giáo”.

Nuôi khó hơn sinh

Chiều 10/1, qua mạng xã hội facebook, chúng tôi làm cuộc khảo sát nhanh với 30 cặp vợ chồng từ 25-45 tuổi đã có từ một-hai con. Các đối tượng này cho biết không muốn sinh thêm vì nhận thấy việc nuôi dạy con không hề đơn giản.

Nữ tiếp viên hàng không Hằng Châu khẳng định, với chị, có hai con đã là quá đủ. Chị nói: “Mặc dù nhờ ông xã làm chủ một công ty địa ốc, kinh tế gia đình tôi khá ổn định nhưng “ước mơ được bay” luôn là đam mê cháy bỏng của tôi. Thời gian nghỉ sinh hai con, tôi như bị “chôn chân”, mà bỏ con để lo việc của mình thì tôi không nỡ”.

Anh Cương Huyền, chủ quán cà phê Music ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước nói không mong có thêm con vì không muốn nhìn thấy vợ vuột biết bao cơ hội thăng tiến, phát triển trong nghề nghiệp. Anh nói: “Mỗi lần sinh con, vợ tôi như phải tụt lại mấy năm so với đồng nghiệp”.

Chị Trần Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ, địa phương kéo giảm tỷ lệ sinh con đáng kể trong nhiều năm qua, cho biết: “Hiện nay, không chỉ trong cán bộ, công chức, mà nhiều người lao động nghèo ở huyện đã ý thức sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để chỉ sinh từ 1-2 con. Trước đây, với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, nhiều chị, nhiều dì sinh 4-5 con nhưng bây giờ ai cũng quan tâm đến tương lai, sự phát triển của con cái”.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trưởng bộ môn Công tác xã hội Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương tại TP.HCM chia sẻ: “Đứng ở góc độ quyền con người, mỗi người, đặc biệt là phụ nữ có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần mang thai. Song song đó, phải có chính sách bảo đảm an sinh, chất lượng sống, thậm chí phải biết ước tính nuôi mỗi đứa con thì cha mẹ cần bao nhiêu tiền. Mấy ngày nay, tôi nghe có người cho rằng nếu nới lỏng tỷ lệ sinh, cán bộ dân số “khỏe” hơn. Theo tôi, đây là quan niệm sai lầm, vì khi đó, cán bộ làm công tác này phải chất lượng hơn, trình độ cao hơn, nắm vững các chính sách, các biện pháp an sinh xã hội hơn”.

Bà Nguyễn Thị Nga trăn trở: “Ở TP.HCM, mức sinh bình quân của mỗi      phụ nữ thấp so với mặt bằng chung cả nước. Nhiều gia đình không muốn sinh con hoặc chỉ muốn có một con để nuôi dạy cho tốt. Khi khảo sát thực tế ở những khu vực nhà trọ của lao động nhập cư, tôi nhận thấy nhiều cặp đã kết hôn hai-ba năm mà không có con, và cho biết chưa có kế hoạch sinh con. Họ nói không dám sinh con vì thu nhập quá thấp, chưa kể khi sinh, người mẹ có nguy cơ mất việc làm sau thời gian ở nhà chăm con. Theo tôi, việc nới lỏng quy định về việc sinh con, số con, rất cần, nhưng cũng cần có lộ trình”.

Khi hỏi về lộ trình cụ thể, bà Nga đề xuất: “Theo tôi, có thể ban đầu sẽ bỏ quy định này với những gia đình sinh hai con một bề, hoặc có con bị bệnh hiểm nghèo, dị tật. Kế đến là ưu tiên cho các nhà khoa học, thành phần ưu tú trong xã hội để nâng cao chất lượng nòi giống. Đồng thời, các cặp vợ chồng, kể cả bà mẹ đơn thân muốn sinh con thứ ba phải chứng minh được thu nhập, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con”.

Nghi Anh

Không “nới sinh” mà điều chỉnh cho phù hợp với từng khu vực

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tân - Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) về đề xuất quy định mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con trong Dự thảo Luật Dân số đang gây xôn xao dư luận.

* Thưa ông, việc Bộ Y tế đề xuất phương án mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con trong Dự thảo Luật Dân số đã khiến nhiều người lo ngại, “nới” quy định sinh con sẽ dẫn đến hậu quả tăng sinh mất kiểm soát?

- Về pháp lý, tôi xin khẳng định lại, chúng ta chưa bao giờ siết việc sinh con. Trước đây, Việt Nam thực hiện giảm sinh bằng cách tuyên truyền, vận động. Đảng và Nhà nước không quy định và xử lý có tính pháp chế liên quan đến việc sinh con của người dân. Do đó, nói “nới sinh” chỉ là cách hiểu nôm na, chưa chính xác. Phương án này hướng tới điều chỉnh mục tiêu của cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình, duy trì những kết quả đã đạt được, phù hợp với điều kiện thực tế.

Chúng ta không “nới” mà xử lý sao cho phù hợp về sự khác biệt các mức sinh giữa các khu vực. Những khu vực có mức sinh cao như Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc… thì vẫn áp dụng mức sinh hai con để nuôi dạy cho tốt. Những khu vực đã có mức sinh ổn định thì tiếp tục duy trì. Còn với những khu vực có mức sinh thấp như Đông Nam bộ (1,69 con/bà mẹ), TP.HCM (1,45 con/bà mẹ) chúng ta có thể tạo điều kiện để nâng mức sinh lên. Kế hoạch trước mắt là sinh đủ hai con nhưng tương lai, có thể sẽ tính đến các biện pháp khuyến khích chứ không chỉ dừng ở khẩu hiệu.

* Như ông phân tích, mỗi một khu vực có mức sinh khác nhau nên sẽ có chính sách phù hợp. Như vậy phát sinh sự phức tạp?

- Đúng là khi thực hiện một chính sách chung thì dễ quản lý, nên đây cũng là một vấn đề phải xem xét thật kỹ, trong đó có việc nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương. Với từng khu vực, chúng tôi sẽ đưa ra những chỉ tiêu khác nhau. Ví dụ ở TP.HCM, mức sinh con thay thế đang thấp nên sẽ không đặt chỉ tiêu  giảm sinh nữa.

* Được biết, Bộ Y tế đã nhiều lần lấy ý kiến của người dân về vấn đề này, kết quả được ghi nhận đến thời điểm này ra sao?

- Bộ đã nhiều lần lấy ý kiến của người dân, hiện số không đồng tình với phương án các cặp vợ chồng có quyền tự quyết việc sinh con đang cao hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại ủng hộ phương án mới. Thực tế, nếu chúng ta không tính sớm đến mức tăng trưởng GDP, tốc độ đô thị hóa hàng năm cũng như điều kiện nuôi con tại các khu đô thị và sự thay đổi của chuẩn mực hưởng thụ cá nhân… thì việc nâng mức sinh trong tương lai rất khó khăn.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong việc giảm sinh nhưng lại gặp khó khăn trong việc nâng mức sinh. Ví dụ, năm 1982-1983, Hàn Quốc đã đạt mức sinh thay thế hai con nhưng không dừng kế hoạch giảm sinh. Đến năm 1996, Hàn Quốc mới thay đổi chính sách thì mức sinh chỉ còn dưới 1,6 con/bà mẹ. Năm 2005, con số này chỉ là 1,08 con/bà mẹ. Hàn Quốc buộc phải thành lập một ủy ban để chống già hóa dân số. Mỗi năm, quốc gia này đầu tư đến 10 tỷ USD nhưng cũng chỉ đưa được mức sinh lên khoảng 1,27-1,28 con/bà mẹ. Chúng ta đã đến thời điểm cần điều chỉnh mục tiêu của cuộc vận động. Từ nay đến khi trình Quốc hội vào năm 2018, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân về vấn đề này.

Tuấn Minh

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI