Biết mình cần gì, là hạnh phúc

21/01/2017 - 11:15

PNO - Cà phê Nắng bao lâu nay vẫn dịu dàng bởi giàn ngọc nữ trước cổng tỏa hương dìu dịu.

Quán cà phê Nắng (thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh) sáng nay như có ánh bình minh dịu dàng dưới khung trời nhỏ dù ngoài kia hơi lạnh vẫn tràn không gian. Ánh bình minh ấm áp đó là nụ cười hạnh phúc của ông bà chủ không còn trẻ lắm.

Biet minh can gi, la hanh phuc
Nụ cười hạnh phúc của ông bà chủ cà phê Nắng

Màu khói lam bay lên từ nồi nước sôi trong quầy pha chế cứ chờn vờn mang thêm sự ấm áp cho buổi mai. Nhân viên pha chế phải luôn tay vừa pha cà phê sữa đá lại sang ca cao nóng, rồi Lipton đá, lại mấy ly cà phê đen… Rồi có phục vụ lại í ới mấy ly rau má sữa, trà cúc mật ong gừng…

Nhân viên pha chế cũng là ông chủ với độ tuổi 50, mái tóc đã nhuốm bạch kim tên Nguyễn Văn Bình. Anh nói: “Nghề của anh à? Ðếm hết ngón tay ngón chân vẫn chưa hết nghề đã trải qua, có khi còn làm sếp của chục người nữa đó. Có lúc cách một cánh cửa là hàng trăm người đang đợi. Nhưng thành công nhất có lẽ là nghề… Ôsin kiêm pha chế, đưa rước con cho bà chủ cà phê Nắng”.

Chị Võ Kim Hồng (40 tuổi) mỉm cười, nụ cười đầy hạnh phúc: “Ðúng rồi, anh ấy từng là “đại ca” trong ngành in đó. Nhưng từ khi mình cấn bầu thằng con là ảnh “rửa tay gác kiếm” luôn. Vợ chồng mở quán cà phê gia đình, không chân dài chân ngắn, không hát hò đàn sáo. Chỉ cà phê với cà phê và không gian tĩnh lặng. Lượng khách ổn định, việc làm vừa sức”.

Biet minh can gi, la hanh phuc
Anh Bình bên quầy pha chế

Anh Bình tâm sự: “Quê Sài Gòn, tôi làm việc lâu năm trong nghề in, lâu nhất là nhân viên nhà in báo Ðại đoàn kết. Rồi làm công ty in tư nhân… nhưng bôn ba không qua thời vận. Năm 2008, tôi giải thể công ty riêng với số vốn… âm. Kết thúc những tháng ngày đi đi về về của cung đường 100km Tây Ninh - Sài Gòn.

Tuổi ngoài bốn mươi, vợ mới cấn bầu, anh chợt nhận thấy cuộc đời này không gì quan trọng bằng vợ con và mái ấm gia đình. Gần hai mươi năm lăn lộn chốn thuơng trường và bao thị phi công việc. Cuối cùng là… nợ nần. Nên thôi, không đi nữa, không lăn lộn cho chuyện hơn thua - được mất cuộc đời nữa. Không hợp đồng, hợp điếc, không “hoa hồng hoa huệ” cùng những đêm thức trắng nữa… Về chăm sóc vợ và cái bụng bầu kia, niềm vui của đời mình ở đó”.

Thị trấn Hòa Thành có biết bao là quán cà phê. Lớn có, nhỏ có, đẹp có, xấu có, rộng có, hẹp có… Mỗi quán một phong cách riêng. Vậy thì làm sao để quán Nắng có lượng khách ổn định, không lâm vào cảnh ế ẩm, mất thu nhập?

“Vợ chồng mình tính nát nước mới ra cái quán cà phê sạch này đó. Hồi đó mình cũng đi làm, chuyên viên thiết kế - đồ họa nha, là “lính” của anh Bình đấy. Rồi yêu nhau, dù anh Bình hơn mình một giáp và đã có một đời vợ. Lương hai vợ chồng hồi ở Sài Gòn cũng chục triệu mỗi người, nhưng khi về với nhau rồi, tụi mình thấy có lẽ là không hợp với lối sống ồn ào của phố thị. Rồi tụi mình nhận ra, cuộc sống quá nhiều bon chen khiến các giá trị thật mất đi. Mà ganh đua quá thì cuối cùng mục đích vẫn là kiếm tiền thôi. Vậy thì kiếm tiền nhiều để làm gì mà mệt nhọc vậy? Chỉ cần vừa đủ là tốt rồi.

Biet minh can gi, la hanh phuc
Chị Hồng với công việc hàng ngày

Vậy là tụi mình bàn nhau về quê vợ sắm miếng đất, cất cái quán bán cà phê, sinh tố bằng… tiêu chuẩn là “sạch” từ nguyên liệu đến phong cách. Cà phê hạt thì mình có bạn nhà vườn ở Buôn Ma Thuột gửi về. Các loại trái cây làm nước ép, sinh tố mình tự tay đi chợ chọn mua. Quán không sử dụng ti vi hay nhạc trẻ, mà chỉ là dòng nhạc xưa dìu dặt, êm êm. Mở cửa từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều là nghỉ. Tiếp viên quán mình không ăn mặc hở hang, không tụ tập bè bạn trai gái…

Vợ phải gồng gánh một thời gian, thêm mẹ vợ đến phụ giúp, chờ quán “định hình” và cũng là chờ chồng giải quyết hết công việc ở Sài Gòn. Mãi năm 2010 tụi mình có con thì chồng mới thật sự về quê “cắm câu” với vợ. Bây giờ thì bạn thấy đó, quán mình không có tiếp viên, chỉ có hai vợ chồng đảm trách mọi việc. Nhưng quán là một góc lý tưởng của ai không thích sự ồn ào”, chị Hồng vui vẻ tâm tình.

Trong khi chị Hồng trò chuyện với khách thì bên bàn pha chế, lãng đãng mấy sợi khói bếp, anh Bình tất bật với cà phê, rau má, sinh tố… luôn tay luôn chân bởi lượng khách khá đông.

Khuôn viên không đầy 300m, đầy tiểu cảnh hoa cỏ treo tường, sỏi rắc dưới chân, hoa ngọc nữ hồng tươi trước ngõ… Cà phê Nắng của đôi vợ chồng không còn trẻ ấy ngày ngày vẫn là chốn bình yên của khách và là tổ chim câu ríu rít tiếng nói câu cười của gia đình nhỏ.

Anh Bình từ ngày chính thức làm “Ôsin” cho bà chủ quán cà phê này thì cất hết bạn bè, cất luôn số điện thoại cũ, giấu luôn những buổi chiều bia bọt cùng anh em thợ thầy cũ. Anh vui vẻ “ở ẩn” nơi mỗi ngày đều ấm nồng mùi khói bếp và róc rách tiếng hồ nước cùng tiếng quẫy đuôi của cá.

Anh bảo, nếu nói về hoài bão của con người thì thật mênh mông, có khi mỗi người đến mấy hoài bão trong cuộc đời. Nhưng quan trọng là ta biết mình cần gì, có ước mơ hoài bão đó, nhưng rồi có thực hiện được hay không. Với anh, anh chọn mong ước dễ thực hiện nhất, là ở gần để đỡ đần vợ, chăm sóc và chơi đùa với con. Ngày hai lượt đưa rước con đi học, đó cũng là ước mơ mà không phải ai cũng thực hiện được.

Cà phê Nắng bao lâu nay vẫn dịu dàng bởi giàn ngọc nữ trước cổng tỏa hương dìu dịu. Bao lâu nay quán vẫn là cõi riêng của dăm cô bạn thân của ông bà chủ quán, trưa trưa đi làm về “tiện bữa” dùng cơm miễn phí luôn.

Và bà chủ của quán thì trên môi không lúc nào ngớt nụ cười, bởi chị đang hạnh phúc vì nắm được trái tim người đàn ông mình yêu. Và ngày ngày được bên nhau, chỉ cần như vậy thôi, đó là điều mà hai vợ chồng đều biết là cần và đủ cho một gia đình hạnh phúc.

                                                                                                            Hoàng Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI