Thể thao quá độ có thể gây suy thận

04/06/2018 - 09:00

PNO - Ít ai ngờ rằng, luyện tập thể thao lại có thể dẫn đến suy thận. Các vận động viên chuyên nghiệp, bán chuyên và người chơi các môn thể thao có cường độ va đập nhiều được coi là đối tượng có nguy cơ cao.

Vốn đam mê môn chạy marathon, P.Đ.D. (20 tuổi, ngụ tại TP.HCM) thường luyện tập hăng say. Có lần D. tham gia chạy bộ với quãng đường xa, kéo dài nhiều giờ liền. Bỗng nhiên một ngày, D. xuất hiện triệu chứng đi tiểu màu nâu sậm. Quá hoảng sợ, D. đi khám.

Kết quả xét nghiệm cho thấy D. bị tán huyết hồng cầu. Nguyên nhân xác định do vận động với cường độ cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp tiểu máu thoáng qua, chưa đến mức nghiêm trọng. Bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi, uống nhiều nước, sau 72 giờ theo dõi thì hồi phục.

Cách đây không lâu, P.H.P. (18 tuổi, ngụ tại TP.Cần Thơ) bị sốt, mệt mỏi, nước tiểu màu nâu. Khi tới cơ sở y tế gần nhà khám, làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết, trong nước tiểu của bệnh nhân có sắc tố máu. Sau đó, P. phải nằm viện điều trị và theo dõi cả tuần.

Sau khi nghe chia sẻ về cường độ luyện tập của bệnh nhân, bác sĩ cho rằng, nguyên nhân có thể do P. tập luyện thể thao quá đà. Do có vóc dáng nhỏ bé nên P. mua gói tập theo năm, ngày nào cũng tới trung tâm thể hình để tập, sau đó còn đi bơi, mục tiêu để có cơ bụng 6 múi, cơ bắp săn chắc. 

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - giảng viên bộ môn y học thể thao - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp viêm thận do luyện tập thể thao quá sức. Theo bác sĩ Đổng, suy thận trong luyện tập thể thao chia thành ba dạng: cấp tính, mạn tính và cấp tính trên nền mạn tính. 

The thao qua do co the gay suy than
Tập luyện thể thao quá độ có thể gây suy thận

Cấp tính thường xảy ra do bệnh nhân tập luyện các môn thể thao với cường độ quá cao hoặc các môn vận động trong thời gian kéo dài (marathon, boxing, bơi lội, bóng đá, đạp xe…). Cơ chế gây bệnh có thể hiểu do bệnh nhân bị thiếu máu, thiếu ô-xy trong mô gây ảnh hưởng tới sự thẩm thấu của thận dẫn tới tổn thương thận, hoặc vận động mạnh khiến hồng cầu bị vỡ gây ra triệu chứng tiểu màu nâu đỏ, tiểu máu.

Ngoài ra, tình trạng suy thận cấp còn có thể xảy ra do bệnh nhân bị dập cơ trong lúc luyện tập. Khi cơ bị dập sẽ giải phóng vào máu chất myoglobin, kali, phosphor và creatine kinase. Các chất nói trên, đặc biệt là myoglobin sẽ gây tắc ở thận. Nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời bệnh nhân có thể suy và hỏng thận, thậm chí phải chạy thận nhân tạo.

Tiếp đến là các trường hợp tập luyện thể thao bị suy thận mạn, thường do yếu tố ăn uống, dinh dưỡng không phù hợp gây ra. Nhất là những trường hợp tập thể hình tự ý dùng thêm thuốc kích cơ. 

Cuối cùng là những bệnh nhân chơi thể thao bị suy thận cấp trên nền mạn tính. Có thể hiểu rằng, nhóm bệnh nhân này thận đã yếu sẵn nhưng không để ý, khi gặp các yếu tố nguy cơ thì dễ dàng bùng phát hơn người bình thường. 

Qua đó, bác sĩ Đổng lưu ý, khi mọi người tập các môn thể thao theo hướng chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nhất định phải có bác sĩ và huấn luyện viên theo dõi cường độ luyện tập cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe để điều chỉnh kịp thời. Những ai tập các môn về thể hình không được dùng thực phẩm chức năng, thuốc kích cơ bừa bãi, nhất là a-xít amin trong thời gian dài. Đối với những môn va đập như võ thuật cần có đồ bảo hộ đường tiết niệu để hạn chế chấn thương.

Khi mọi người đang tham gia luyện tập thể thao bỗng nhiên thấy xuất hiện triệu chứng tăng cân, phù nề, mệt, huyết áp cao, tiểu màu sậm thì cần ngưng luyện tập và đi khám ngay để điều trị kịp thời. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI