Thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia

25/04/2018 - 08:06

PNO - Ngày 24/4, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã công bố thông tin: từ tháng 6/2018, sẽ dùng vắc-xin ComBe Five được sản xuất tại Ấn Độ thay cho vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Ngoài loại vắc xin “5 trong 1” này, còn một loại vắc xin mới nữa sẽ có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là vắc xin sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất, đã được sử dụng từ tháng 4/2018. 

Tại sao phải thay thế vắc xin? Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - giải thích, việc phải ngừng sử dụng Quinvaxem là do nhà máy của Hàn Quốc không sản xuất nữa.

Các nước đang dùng loại vắc-xin này sẽ phải dùng vắc-xin chuyển đổi. Vắc xin chuyển đổi là ComBe Five, là vắc xin “5 trong 1” tương tự Quinvaxem về thành phần, hiệu quả, hiệu lực và tính an toàn. Vắc xin mới có tác dụng phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Thay the vac xin Quinvaxem trong chuong trinh tiem chung mo rong quoc gia
Chích ngừa vắc xin Quinvaxem cho trẻ em tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trước khi đưa vào sử dụng trên toàn quốc, vắc xin mới đã được triển khai trước tại bốn tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - nhấn mạnh, sẽ không có sự thay đổi trong lịch tiêm chủng vắc xin mới; trẻ em dưới một tuổi cần được tiêm đủ ba mũi vào lúc hai, ba, bốn tháng tuổi. Những trẻ được tiêm một hoặc hai mũi vắc xin Quinvaxem sẽ tiếp tục sử dụng vắc xin ComBe Five cho các mũi tiêm tiếp theo. 

Ngoài ra, trong năm 2018, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng sẽ đưa vào sử dụng vắc xin ngừa bại liệt IPV bằng đường tiêm (trước đây là uống) dành cho trẻ từ năm tháng tuổi, vắc-xin do Pháp sản xuất. Chương trình sẽ được triển khai trước tại bốn tỉnh, thành gồm Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long. Trong khi đó, trẻ hai đến bốn tháng tuổi vẫn tiếp tục uống ba liều vắc xin ngừa bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 tuýp).

Về tai biến sau khi tiêm vắc xin, bác sĩ Trương Hữu Khanh với tư cách là người trực tiếp tham gia điều tra tìm nguyên nhân, cho biết: hầu hết trường hợp bị tai biến và tử vong sau chích ngừa là do bệnh nền có sẵn. Trong đó, có ba bệnh chính: tim bẩm sinh, xuất huyết não và sặc sữa.

Bác sĩ Khanh chia sẻ: khi đi chích ngừa, các bà mẹ thường hỏi “con tôi bị sốt, nóng, ho, sổ mũi… có chích ngừa được không”, nhưng bệnh nền nguy hiểm thì không khai, hoặc không biết, điều này đã góp phần dẫn đến những ca tai biến sau chích ngừa một cách đáng tiếc và đau lòng. Để con được phòng ngừa bệnh, phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI