Cảnh báo đột quỵ ở người trẻ

27/10/2017 - 06:30

PNO - Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng đơn vị đột quỵ, Phó khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trung bình mỗi tháng nơi đây tiếp nhận từ 100-120 trường hợp bị đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Đặc biệt, trong đó, tỷ lệ người trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm khoảng 20 - 30%. Điều đáng buồn là chỉ có khoảng  8% người bệnh được đưa đến bệnh viện kịp thời trong “thời gian vàng”.

Trẻ chưa chắc khỏe

Nhiều người nghĩ “trẻ - khỏe” luôn đồng hành nên thường chủ quan, lơ là với sức khỏe bản thân, dù nhiều trường hợp đã có dấu hiệu cảnh báo. Anh Đặng Quang V. - 29 tuổi, (Q.5, TP.HCM) đang khỏe mạnh, bỗng dưng sau khi tắm xong, anh V. thấy nặng đầu, mệt mỏi.

Nghĩ bị cảm nên anh tự mua thuốc uống. Hôm sau, đến cơ quan, anh không thể nhớ cách mở chiếc máy tính quen thuộc, không đọc được chữ. Anh ngồi bần thần, ôm đầu, khi đứng lên loạng choạng suýt ngã. Thấy anh nói chuyện đớt đát, tay chân bên phải yếu đi nên đồng nghiệp đưa anh vào Bệnh viện Đại học Y dược cấp cứu. 

Tại đây, bác sĩ (BS) chẩn đoán anh V. bị đột quỵ cấp và khởi động quy trình báo động cấp cứu. Anh V. được tiêm ngay thuốc thông mạch, can thiệp rút huyết khối thông mạch vì kết quả chụp cắt lớp cho thấy anh bị tắc một mạch máu lớn lên não. Sau thủ thuật, anh V. đã tiếp xúc tốt, cử động chân tay tốt hơn. Hôm sau, anh V. hồi phục hoàn toàn và được xuất viện. 

Canh bao dot quy o nguoi tre
Một người bệnh đột quỵ được cứu sống trong thời gian vàng

Không may mắn như anh V., chị Trần Thu G., 40 tuổi (Q.8, TP.HCM) bị đột quỵ trong lúc ngủ và phải chịu cảnh tàn phế liệt nửa người. 

Sau khi dùng bữa tối và uống bia với vài người bạn, chị G. đi ngủ. Sáng hôm sau, người thân gọi nhưng thấy chị G. nằm bất động nên  đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược cấp cứu.

BS Nguyễn Bá Thắng cho biết: “Chị G. đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng với lời nói. Kết quả xét nghiệm, chụp cắt lớp cho thấy chị bị đột quỵ do tắc một động mạch lớn trong lúc ngủ, một nửa bộ não đã bị hư hại, khiến BS không thể can thiệp tái thông mạch máu, chỉ có thể giữ được mạng sống cho chị.

Do chị đến bệnh viện quá muộn: hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, đã qua giờ vàng trong điều trị đột quỵ. Hiện chị bị liệt nửa người, nhận thức, giao tiếp kém, nói chuyện khó khăn”.

Mất thời gian là mất não

Theo Hội Đột quỵ thế giới, cứ sáu người khỏe mạnh sẽ có một người bị đột quỵ trong tương lai. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Mỗi năm nước ta có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong ở nam là 18%, ở nữ là 23%. BS Nguyễn Bá Thắng cảnh báo: “Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, kể cả người trẻ tuổi, đang khỏe mạnh cũng có thể bị đột quỵ mà không có dấu hiệu báo trước”.

Canh bao dot quy o nguoi tre

Tuy là căn bệnh nguy hiểm, nhưng đột quỵ có thể phòng ngừa, đặc biệt, nếu được cấp cứu trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi rất cao. “Thời gian vàng” để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là “thời gian kim cương” - với khả năng hồi phục hoàn toàn. Thời gian chính là não, mất thời gian là mất não. Mỗi giây đều rất quý giá, bởi dù cùng được chữa trong thời gian vàng nhưng người sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn. 

Đột quỵ có nhiều nguyên nhân. Trong đó, phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hóa tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não; bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não; rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não. Ngoài ra, người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Khi thấy người thân có dấu hiệu: méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên… cần đưa đi cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không được cạo gió, cắt lễ, chích máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng người bệnh… vì vừa không có hiệu quả, vừa làm mất thời gian vàng.

BS Nguyễn Bá Thắng nhấn mạnh: “Nếu không được cấp cứu trong “thời gian vàng”, đột quỵ để lại hậu quả rất nặng nề: liệt nửa người, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, hôn mê sâu, thậm chí tử vong. Để phòng ngừa đột quỵ, cần có lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây.

Bên cạnh đó, nên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời, qua đó phòng tránh đột quỵ hiệu quả”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI