Nở rộ sản phẩm quảng cáo ngừa cúm A/H1N1

15/06/2018 - 09:15

PNO - Sau khi xuất hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong, nhiều sản phẩm lập tức được gắn mác… phòng ngừa cúm A/H1N1 tràn ngập trên mạng.

Điều đáng nói, người bán đã lợi dụng tâm lý lo lắng cộng đồng, phóng đại công dụng của sản phẩm một cách thái quá. 

Tinh dầu tràm, máy lọc không khí ngừa cúm?

Chị P.T.V.A., ngụ tại Q.3, TP.HCM vừa đặt mua trên mạng cả lố tinh dầu tràm. Bạn bè và người thân thắc mắc sao mua nhiều thế, chị trả lời dùng để ngừa cúm A/H1N1. Theo chỉ dẫn của chị V.A., chúng tôi liên hệ với một fanpage trên Facebook chuyên bán tinh dầu tràm. Giá một chai dầu tràm 200ml là 100.000 đồng, cách dùng: nhỏ vào nước được đun nóng dưới đèn cầy để xông hơi. Người bán cho biết, kể từ mùa cúm A/H1N1 vừa xuất hiện, rất nhiều người đặt mua dầu tràm, có người mua một lúc cả 10-20 chai, vừa dùng vừa tặng người thân.

Theo quảng cáo của chị này, đốt đèn xông hơi tinh dầu tràm mỗi ngày có thể ngừa được cúm A/H1N1, thậm chí cả cúm A/H5N1, bệnh tay chân miệng. Vì xuất xứ thiên nhiên nên tinh dầu tràm tuyệt đối an toàn cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh. Sau khi nghe tôi thắc mắc sao dầu tràm lại ngừa được lắm bệnh thế, chị bán hàng giải thích: “Dầu tràm có tính sát trùng nên phòng ngừa được nhiều bệnh”.

Chẳng cứ các loại tinh dầu tranh thủ “lên ngôi” nhân mùa cúm, ngay cả một số sản phẩm máy lọc không khí cũng nhân dịp này quảng cáo mạnh. “Mua máy lọc không khí để phòng tránh cúm A/H1N1 từ trong trứng nước”, dòng thông tin được bôi đậm trên một fanpage của doanh nghiệp chuyên bán đồ điện máy gia dụng. Hễ cứ thêm vào chữ cúm A/H1N1 là lập tức nhiều like, nhiều bình luận, tin nhắn hỏi mua máy.

Một chiếc máy lọc không khí rẻ nhất khoảng 5 triệu đồng, thậm chí có những chiếc máy trên 20 triệu đồng. Khi chúng tôi thử liên hệ để hỏi về công dụng phòng ngừa cúm A/H1N1, người bán hàng còn “khuyến mãi” thêm cả chức năng phòng ngừa bệnh lao, ho gà.

No ro san pham quang cao ngua cum A/H1N1
Chỉ với từ khóa “tinh dầu tràm ngừa cúm A/H1N1” đã hiện ra rất nhiều fanpage chào bán sản phẩm này

Theo ThS-BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, việc kinh doanh và quảng cáo cho sản phẩm chẳng có gì sai, nhưng lợi dụng thời điểm mà “tát nước theo mưa”, nói sai hiệu quả phòng ngừa bệnh sẽ khiến người dân chủ quan, vì họ chắc mẩm hễ mua dầu tràm, máy lọc không khí là khỏi sợ cúm nữa.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, cúm A/H1N1 là vi-rút chỉ chết dưới tác động của dung dịch sát khuẩn, xà bông rửa tay và ánh nắng mặt trời. Máy lọc không khí chỉ lọc được bụi, không ngăn ngừa được vi-rút. Đúng là tinh dầu tràm có chất sát khuẩn Terpineol nhưng không có hiệu quả phòng tránh cúm vì không đủ nồng độ. Nếu đủ nồng độ thì rất đậm đặc, xông hơi lên sẽ gây khó thở, ngột ngạt, người bình thường không thể chịu nổi huống hồ là trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. 

Ngừa cúm A/H1N1 chỉ có cách rửa tay thường xuyên bằng xà bông, đeo khẩu trang khi tới đám đông. Nếu thấy dấu hiệu nhức đầu, ho, sổ mũi, sốt thì phải cách ly. Khi ho cần che miệng. Đa số các ca cúm A/H1N1 có thể điều trị tại nhà như đối với các ca cảm cúm thông thường và tự khỏi sau 5-7 ngày. Những trường hợp có nguy cơ trở nặng là người có sẵn bệnh lý như: cao huyết áp, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh tim, phổi…

Ngừa cúm theo đông y

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bay, giảng viên bộ môn Đông y, Trường đại học Y Dược TP.HCM, thực ra có những cách hỗ trợ ngừa cúm A/H1N1 theo dân gian người dân cần biết chọn lọc. Mới đây, tiến sĩ Bay tiếp nhận trường hợp đến khám với chẩn đoán ho mạn tính và trào ngược dạ dày thực quản. Bà N.A.T., 54 tuổi, ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM miêu tả: cách đây hai tháng bà bị viêm họng, nghe hàng xóm chỉ dẫn nhỏ dầu gió xanh vào nước sôi uống mỗi ngày như uống trà, có thể sát khuẩn đường họng, điều trị bệnh hô hấp.

Không hiểu sao ngày nào bệnh nhân cũng uống nước sôi nhỏ dầu gió mà vẫn bị ho kéo dài, nay lại kèm thêm bị nghẹn tức ngay cổ họng. Sau khi loại trừ các nguyên nhân, tiến sĩ Bay xác định nguồn cơn ở chỗ bệnh nhân uống nước nhỏ dầu gió. “Tháng nào tôi cũng gặp những trường hợp tương tự. Thậm chí có bệnh nhân uống nước nhỏ dầu gió gây tăng nhịp tim”, tiến sĩ Bay kể.

No ro san pham quang cao ngua cum A/H1N1
Cúm A/H1N1 xảy ra tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Sau đây là hướng dẫn của tiến sĩ Bay giúp ngừa cúm A/H1N1 theo Đông y một cách đúng đắn:

- Tăng cường ăn những thực phẩm có chứa vitamin C như cam, chanh giúp nâng đề kháng.  

- Dùng những thảo dược như: gừng, hành, tỏi. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý mỗi ngày ăn một củ hành tây là đủ (chế biến thành món phù hợp). Tỏi tốt nhất nên giã ra, để 15 phút cho đủ thời gian chuyển hóa tạo ra enzim tốt (bỏ cả tép vào miệng nhai sống sẽ không có tác dụng). Dùng gừng nhiều quá cũng gây táo bón.

- Xoa dầu giúp giãn nở mạch máu, làm dịu dây thần kinh. Tuy nhiên, dùng nhiều quá lại gây khô niêm mạc mũi, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển. 

- Khi có dấu hiệu cảm cúm, nếu xông tinh dầu nên xông bằng lá tươi (các loại lá chanh, bưởi, sả), không nên xông các tinh chất nhỏ vào nước đun sôi. Tinh dầu đã qua chế biến liều lượng quá lớn, tạo sự kích thích niêm mạc.

Tất cả những chỉ dẫn ở trên chỉ hỗ trợ tăng cường đề kháng của cơ thể, nâng cao khả năng chống chọi bệnh tật, hoặc nếu mắc bệnh thì triệu chứng cũng nhẹ nhàng hơn bình thường. Trong các trường hợp xuất hiện dấu hiệu sốt cao khó hạ, ngủ li bì, thở khó, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được điều trị theo phác đồ của Tây y. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI