Người đái tháo đường: Ăn sao để kiểm soát tim mạch?

22/07/2017 - 18:30

PNO - Theo các nhà khoa học, việc kiểm soát đường huyết phải kết hợp với kiểm soát lipid và huyết áp mới thật sự là chìa khóa bảo vệ sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cả ngắn và dài hạn.

Một chế độ ăn hợp lý do các chuyên gia hướng dẫn, có thể giúp người bệnh đạt được mục tiêu trên. 

Nguoi dai thao duong:  An sao de kiem soat tim mach?
 

Những loại thực phẩm nên bổ sung

1. Trái cây: Bệnh nhân ĐTĐ thường cho rằng trái cây chỉ toàn đường nên hạn chế sử dụng, dù bác sĩ (BS) vẫn khuyến cáo cần ăn trái cây và cả nhóm thực phẩm giàu tinh bột. Thực tế, nếu không dùng các loại thức ăn có đường và tinh bột sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng.

Chuyên gia dinh dưỡng Jennifer Hyman, New York, cho biết: “Tôi luôn khuyến khích bệnh nhân của mình nhìn rộng hơn về căn bệnh và chế độ ăn. Nếu biết rõ lượng tinh bột cần hấp thu, họ sẽ linh hoạt trong việc lựa chọn các món ăn phù hợp”. Theo phác đồ dinh dưỡng của Hoa Kỳ năm 2010, tiêu thụ ít nhất 2,5 khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trái cây là một nguồn kali dồi dào (khoáng chất quan trọng đối với huyết áp vì làm giảm tác dụng xấu của natri). Lượng kali được khuyến cáo là 4.700mg/ngày. Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Những bệnh nhân ĐTĐ không ăn các loại giàu tinh bột (hay trái cây), sẽ phải ăn một lượng lớn các loại chất đạm, chất béo khác mới đủ năng lượng.

Nguoi dai thao duong:  An sao de kiem soat tim mach?

Ví dụ, để có được 200kcal năng lượng, một người cần ăn khoảng một chén nhỏ cơm hay một ít các loại trái cây; nhưng nếu ăn các loại thịt, chất béo thì lượng ăn vào phải lớn hơn rất nhiều. 

2. Đậu: Đậu có nhiều chất sợi, kali, magiê, folat và phytochemical (còn gọi là dưỡng chất thiên nhiên), nên giúp giảm huyết áp và nguy cơ bệnh tim. Đậu còn có thành phần kháng tinh bột, khi được vi khuẩn thường trú ở đường ruột phân rã, các thành phần này thúc đẩy sản xuất các acid béo chuỗi ngắn, các acid béo này sẽ hỗ trợ hoạt động của insulin.

Các thành phần kháng tinh bột giúp hạ đường huyết sau ăn nhờ giảm lượng tinh bột và tăng nhạy cảm insulin. Ăn ít nhất bốn khẩu phần đậu mỗi tuần sẽ giảm 22% nguy cơ bệnh mạch vành.

3. Gạo nguyên cám: Phác đồ dinh dưỡng Hoa Kỳ 2010 đã chỉ ra, ăn gạo nguyên cám giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành và giảm cân. Gạo nguyên cám có magiê, sắt, các vitamin nhóm B và chất sợi, đặc biệt có nhiều trong lúa mì và yến mạch. Chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, cùng với 3g beta-glucan (trong lúa mì và yến mạch) sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Beta-glucan hoạt động trong đường tiêu hóa sẽ ức chế hấp thu cholesterol và cải thiện hoạt động của insulin. 

Nguoi dai thao duong:  An sao de kiem soat tim mach?

4. Các loại hạt ngũ cốc (hạnh nhân, hạt điều, hạt hồ đào, óc chó…): Giúp giảm LDL cholesterol (một loại chất béo có hại) và tổng lượng cholesterol nói chung. Mức độ giảm tùy theo lượng ăn vào. Trung bình, ăn hạt ngũ cốc giúp giảm 5,1% tổng lượng cholesterol và giảm 7,4% LDL cholesterol.

Tương tự, hạt ngũ cốc cũng giúp giảm được 10,2% triglycerid. Bệnh nhân ĐTĐ có thể ăn phối hợp nhiều loại hạt để không ngán. Giáo sư Katz, Giám đốc TT phòng bệnh Yale-Griffin, Hoa Kỳ và cộng sự xác định, nếu các bệnh nhân ĐTĐ ăn quả óc chó thường xuyên sẽ cải thiện được cả sự kiểm soát đường huyết và chức năng của lớp nội mô (là lớp tế bào lót bên trong mạch máu, liên quan đến nhiều bệnh lý, đặc biệt là bệnh mạch vành). 

5. Dầu thực vật: Thay thế khoảng 5-7% chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa sẽ giảm được nguy cơ bệnh tim mạch, nên các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến cáo bệnh nhân ĐTĐ thay thế bơ, mỡ heo bằng các loại dầu thực vật khác. Theo một nghiên cứu, dầu ô-liu được cho là có nhiều lợi ích nhất.

Các nhà khoa học đã yêu cầu một số người đang có bất thường chức năng nội mô sử dụng 30ml dầu ô-liu/ngày. Kết quả, nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã cải thiện đáng kể chức năng nội mô. Các loại dầu khác có thể sử dụng là dầu cải, dầu dừa, dầu đậu nành và dầu bắp.

Do các loại dầu thực vật không ảnh hưởng đến đường huyết nên một số bệnh nhân đã sử dụng quá mức các loại này, mà không hiểu việc sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm có thể gây hại, dù đó là thực phẩm có lợi.

Nguoi dai thao duong:  An sao de kiem soat tim mach?

6. Trà: Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, uống trà có thể giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và giảm huyết áp. BS Smart Bytes giải thích: “Các chất flavonoid trong trà, đặc biệt là flavan-3-ol, theaflavin và thearubigin giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Tuy nhiên, trà đóng gói lại rất ít flavonoid. Tốt nhất là nên tự pha trà tại nhà để có được lợi ích tối đa.

Những thực phẩm người đái tháo đường cần thận trọng

1. Đồ uống có cồn: Nhiều người nghĩ đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu vang, có lợi cho tim mạch, nhưng thực tế, nếu uống với lượng nhiều sẽ gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội ĐTĐ Hoa Kỳ đều khuyến cáo không uống rượu hay thức uống có cồn. Nếu không thể ngưng uống rượu, bệnh nhân chỉ được uống sau khi đã ăn đủ lượng thức ăn giàu tinh bột và theo dõi đường huyết thường xuyên, nhất là trước khi đi ngủ. Lượng rượu an toàn có thể uống tùy vào loại thuốc đang sử dụng và khả năng theo dõi đường huyết tại nhà. Người bệnh phải tham khảo ý kiến BS về vấn đề này.

2. Thịt đỏ: Phần lớn bệnh nhân ĐTĐ ăn rất nhiều thực phẩm giàu đạm như thịt đỏ, vì cho là loại thực phẩm này tốt cho bệnh trạng của mình. Thật ra, thịt đỏ (thịt bò, heo, cừu) sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, dù là thịt nạc. Một nghiên cứu đã chỉ ra, vi khuẩn thường trú đường ruột sẽ chuyển hóa carnitin (có trong thịt đỏ) để tạo thành trimethylamin, sau đó chuyển thành trimethylamin-N-oxid, là một hợp chất gây xơ vữa động mạch. Hội ĐTĐ Hoa Kỳ khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng thịt nạc nhưng chỉ với lượng vừa đủ, theo đúng hướng dẫn của BS điều trị.

3. Lòng đỏ trứng: Trứng là nguồn cholesterol hàng đầu trong các loại thực phẩm. Những nghiên cứu dịch tễ cho thấy, ăn một quả trứng/ngày không có hại cho sức khỏe người bệnh, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở người đang bị ĐTĐ type 2. GS Katz nói: “Trứng có vẻ có lợi hơn so với những loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng khác, nhưng phải thận trọng khi ăn quá nhiều”. Một nghiên cứu đã cho những người tham gia ăn hai quả trứng/người/ngày trong sáu tuần. Kết quả, không có hậu quả xấu đối với lượng nồng độ chất béo và chức năng mạch máu. Giáo sư Katz hướng dẫn thêm, nếu bệnh nhân muốn ăn trứng, có thể ăn lòng trắng thay vì lòng đỏ, vì lòng đỏ chứa nhiều cholesterol hơn.

Tuyến Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI