Mùa nóng: Bổ sung nước không đúng cách, coi chừng rước bệnh

24/03/2018 - 10:00

PNO - Hàng ngày, mỗi người đều bị mất nước thông qua việc bài tiết mồ hôi, đi vệ sinh… trong mùa nắng nóng, tình trạng mất nước của cơ thể càng trầm trọng hơn.

Nếu không được bổ sung nước đầy đủ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể hôn mê và tử vong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bổ sung nước vô tư, thiếu khoa học thì coi chừng rước họa.

Mua nong: Bo sung nuoc khong dung cach, coi chung ruoc benh
Bù nước trong mùa nóng rất cần thiết, nhưng phải đúng cách mới có lợi cho sức khỏe

Thức uống có nguồn gốc tự nhiên: chưa hẳn đã an toàn

Mùa nóng, những thức uống có nguồn gốc tự nhiên như nước dừa, nước mía, các loại nước ép trái cây rất được ưa chuộng. Những thực phẩm này có lợi cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng dùng được. 

Điển hình là nước mía. Đây là loại nước giải khát quen thuộc, rẻ tiền và rất được ưa chuộng ở xứ ta. Ngày nắng nóng, những xe nước mía vỉa hè đều tấp nập khách già trẻ, gái trai và có không ít bà bầu.

Nghe truyền miệng “uống nước mía nhiều khi sinh con ra sạch sẽ và trắng hồng” nên sẵn dịp mùa nóng, nhiều bà bầu uống 2-3 ly nước mía mỗi ngày. Nhưng phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng mà các bác sĩ sản khoa và dinh dưỡng luôn căn dặn “hạn chế uống nước mía”. 

Theo đông y, nước mía có tính mát, thanh nhiệt, nhuận tràng, lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, đường chiếm 70% trong mía, vì vậy, những bà bầu uống quá nhiều nước mía sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ.

Mua nong: Bo sung nuoc khong dung cach, coi chung ruoc benh
 

Bên cạnh đó, những người đang ở giai đoạn tiền hay đang bị đái tháo đường cũng được khuyến cáo “nói không” với  nước mía vì dễ làm đường huyết tăng cao, khiến bệnh tình trầm trọng hơn. Chưa kể, vấn đề vệ sinh ở các xe nước mía vỉa hè hầu hết không đảm bảo an toàn. Những người chọn bù nước bằng nước ép trái cây pha đường cũng chưa hẳn là lựa chọn đúng, vì đường càng khiến cơ thể bạn mất nước nhiều hơn. 

Ngoài nước mía, nước dừa được xem là loại giải khát thần thánh của mùa hè vì mát, nhiều khoáng chất, bù nước rất tốt cho cơ thể. Nhưng nước dừa “chống chỉ định” không chỉ với nhiều người mà còn với thời điểm uống.

Theo bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y học Dân tộc TP.HCM - nước dừa có tính hàn nên những ai đang ở ngoài trời nắng nóng, uống nước dừa vào dễ làm cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, có thể dẫn đến phản ứng phụ như ớn lạnh, chóng mặt, cảm giác như trúng gió, tiêu chảy…

Do vậy, khi uống nước dừa, nên uống từng ngụm nhỏ cho cơ thể thích nghi dần. Ngoài ra, nên hạn chế uống nước dừa vào buổi tối, vì tính hàn sẽ làm lạnh bụng, đi tiểu đêm, dẫn đến mất ngủ, mất nước, mệt mỏi.

Bà bầu cũng cần thận trọng với nước dừa, nhất là ở ba tháng đầu thai kỳ. Với trẻ em, nếu sức khỏe bé bình thường, mỗi ngày uống một trái dừa sẽ mang đến nhiều lợi ích, vì dừa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều vì sẽ gây hại.

Mua nong: Bo sung nuoc khong dung cach, coi chung ruoc benh
 

Một loại thức uống phổ biến thứ ba trong mùa nóng này là nước mát được nấu từ râu bắp, mía lau, nha đam… mà các bà mẹ thường cho trẻ dùng. Nhưng nhiều trẻ vì được giải nhiệt quá tay nên bị lợi tiểu, tiêu chảy… khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn. 

Bù nước đúng cách 

Thói quen của người Việt là chỉ uống nước khi có cảm giác khát. Theo chuyên gia dinh dưỡng, khi có cảm giác khát thì cơ thể bạn đang bị thiếu nước. Do đó, không chỉ trong mùa nóng, ngay cả trong trạng thái bình thường, nhiều người vẫn luôn trong tình trạng bị thiếu nước.

Khi bị thiếu nước, hàng loạt chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng, làn da trở nên thô ráp, sần sùi, bạn dễ bị mệt mỏi, thậm chí phát bệnh. Thế nhưng, việc uống nước lại không được xem trọng. Nhiều người chỉ khi “khát cháy cổ” mới uống nước và hay chọn đá lạnh, nước ngọt… để uống cho đã khát.

Cách bù nước này không có lợi, ngược lại càng khiến bạn dễ rước bệnh. Khi uống đá, nước lạnh rất dễ gây viêm họng, làm co thắt dạ dày. Chưa kể, uống nhanh, uống nhiều nước một lúc, ngoài việc dễ bị sặc, còn cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa, làm tim đập loạn, đổ mồ hôi nhiều… 

Mua nong: Bo sung nuoc khong dung cach, coi chung ruoc benh
 

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, cách uống nước đúng là uống từ từ, từng ngụm nhỏ, tốt nhất là uống nước nguội hoặc nước ở nhiệt độ mát vừa phải. Có thể uống nước vào bất kỳ thời điểm nào và không nên đợi đến lúc khát mới uống. Nhiều người cho rằng, uống nước ngay khi vừa thức dậy buổi sáng là tốt nhất, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: chưa có nghiên cứu nào khẳng định luận điểm này.

Uống nước đều đặn trong ngày để cơ thể không bị thiếu hay mất nước là hợp lý nhất. Một người lớn cần trung bình 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả lượng nước uống và nước trong thức ăn. 

Những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu nước như: khô môi, khô miệng, nước tiểu vàng, da khô và rõ nhất là cảm giác khát nước. Bị thiếu nước hoặc mất nước trầm trọng có thể khiến bạn bị choáng và ngất xỉu, nhất là khi di chuyển ngoài trời nắng. Trẻ em vốn hiếu động nên tình trạng mất nước còn nghiêm trọng hơn, phụ huynh cần chú ý bổ sung nước đầy đủ cho bé, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI