Một ngày ở nơi trẻ 'dậy sớm'

14/06/2017 - 16:35

PNO - Cười nói liên hồi, líu lo hỏi thăm nhau, rồi nhanh chóng bắt nhóm chơi cờ tỷ phú, tô màu, kể chuyện, chơi đồ hàng…

Những trẻ bị dậy thì sớm (DTS), mỗi tháng một lần đến bệnh viện tiêm thuốc ức chế nội tiết tố ngăn tiến trình sớm làm người lớn.  

Sáng thứ Ba hằng tuần, khoa Thận - nội tiết, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 lại vui nhộn hẳn. Bảo vệ, hộ lý trong khoa quen gọi những đứa trẻ này là nhóm “dậy sớm”. Có lẽ chưa có nơi nào bệnh nhân nhập viện lại hồ hởi đến thế. Gặp bạn, chúng liền tách khỏi mẹ, chia nhau chơi trò chơi, tiếng cười nói vang một góc BV. 

Mot ngay o noi tre 'day som'
Bé Phú D., Hồng V. và cậu bé N.L. học lớp Chồi nhưng cao lớn như học sinh lớp 3-4.

Chỉ vào cô con gái Quách Hồng V. (7 tuổi), đang hồn nhiên chơi đồ hàng với các bạn, chị Hồng D. (ngụ Bạc Liêu) chép miệng: “Cha mẹ tháng nào cũng phải xuôi ngược từ quê lên BV, héo ruột gan khi con bị bệnh này, nhưng con nào biết. Cũng may là nó hồn nhiên lắm”. Nếu chị D. không nói, chúng tôi không thể biết đó là cô bé mới vừa tròn bảy tuổi. Bé V. cao hơn 1,3m, ra dáng thiếu nữ và khuôn ngực đã nhấp nhô “đồi núi”.

 “Hơn một năm trước, tôi thấy con nhổ giò, cao lớn hơn hẳn các bạn cùng lớp và bé nói những câu mình không thể ngờ. Tôi cứ nghĩ do mình chăm chút dinh dưỡng đầy đủ và hay trò chuyện cùng con nên bé thông minh hơn các bạn. Hôm nọ, tôi vô tình chạm tay vào ngực con, bé kêu đau, và bất ngờ hơn khi sờ vào thấy con có “trái tràm” như trẻ dậy thì.

Mot ngay o noi tre 'day som'

Khoảng ba tháng sau, khi tắm cho con thì thấy bé có lông mu. Tôi hoang mang, gọi điện cho người bạn làm trong ngành y và được bạn hướng dẫn lên BV Nhi Đồng 1. Qua hôm sau tôi cho con đi khám, BS kết luận bé bị DTS”, chị Hồng D. kể.

Ngồi gần đó là cậu bé Ngọc L. (ngụ tại Quảng Ngãi) lún phún ria mép, giọng nói ồm ồm như người lớn. Khó có thể tin bé L. đang học lớp chồi. Bà ngoại của L. kể, bé điều trị được một năm, “đã đỡ bể tiếng và chiều cao cũng chựng lại”.

Ba mẹ đi làm ăn xa, L. ở nhà với bà ngoại. Dù L. có những dấu hiệu bể tiếng, cao lớn bất thường so với trẻ cùng lứa và hay nóng nảy, cáu gắt, nhưng bà ngoại không để ý. Chỉ đến khi phát hiện “hàng” của cháu trai hay cương cứng và “khủng” như trẻ lớn thì bà mới phát hoảng báo cho cha mẹ L., đưa bé vào BV khám.

Mot ngay o noi tre 'day som'

Không như hầu hết những đứa trẻ “dậy sớm”, L. khá rụt rè và rất ngại nói chuyện, vì “giọng nó còn già hơn ba nó”, như lời bà ngoại L. nói. Cậu bé ngồi thu lu trên manh chiếu trải dọc ở hành lang BV, các bạn đi qua ngoéo tay, khều chân rủ chơi, L. lắc đầu. 

Đang chơi đùa, một nhóm phải tan vì đến lượt một bé vào phòng khám, tiêm thuốc. Khi quay lại, mặt bé nào cũng nhăn nhó. Các bé liến thoắng hỏi thăm: “Mày chích thuốc đau không, cô A chích cho tao không đau” hoặc “cô B chích nhức quá” và có những câu hỏi hồn nhiên của bọn trẻ nhưng làm người lớn thắt lòng: “Vú mày nhỏ lại chưa, hết mọc lông chưa…”.

Cùng với câu hỏi là những ánh mắt trẻ thơ hướng về vùng nhạy cảm của “đương sự” rồi nhìn lại mình. Cô bé Kim D. (nhà ở Q.8, TP.HCM), mới hơn 7 tuổi, nhưng tuổi xương đến 11,5 và đã có kinh nguyệt vài tháng. “Tao mong vú nhỏ lại để chơi nhảy dây với mấy đứa trong lớp, chứ chạy nhảy “nó” tưng lên tụi nó cười, chọc quê tao mắc cỡ lắm”, Kim D. hồn nhiên.

Mot ngay o noi tre 'day som'

Câu chuyện của bọn trẻ khiến những phụ huynh ngồi ở manh chiếu kế bên dừng bặt chuyện phiếm và cùng hướng mắt về các con với tiếng thở dài và những cái lắc đầu xót xa. Mẹ Kim D. tâm sự: “Ngoài giờ đi học, suốt ngày tôi giữ rịt con trong nhà, vì nó phổng phao mà người khờ câm, sợ ra đường bị làm bậy.

Lúc thấy con có kinh lần đầu, tôi cứ tưởng nó bị xâm hại, hoang mang, đau đớn tột cùng. Cả nhà tôi ai cũng phải trông chừng con bé”. Mẹ của cậu bé Minh T. (2,5 tuổi, ngụ tại Bình Phước) than: “Con em còn bị chính nhà nội ghẻ lạnh và trách em lúc mang bầu làm gì ô uế, bị “bề trên” quở phạt nên sinh ra con mới 18 tháng đã mọc lông chỗ kín, nói chuyện giọng như ông già. Khi có giấy của BS chẩn đoán con bị DTS, mọi người mới hiểu”. 

Mẹ bé Thúy B. (6 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì ngao ngán nhớ lại, tới ngày “đèn đỏ” của con chị phải vào trường hay gọi điện nhờ cô giáo thay băng vệ sinh giúp và thắt lòng với câu hỏi: “Tại sao con bị chảy máu hoài, bị ra máu con có chết không mẹ?”.

Mot ngay o noi tre 'day som'

“May mà điều trị bé đã hết có kinh rồi”, chị nói như trút được một phần gánh nặng. Nỗi lo lớn nhất của hầu hết ông bố bà mẹ có con DTS: chích thuốc này con có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay sinh sản sau này? Dù BS đã giải thích không ảnh hưởng, nhưng có lẽ nhìn hình hài con có sự khác thường với trẻ đồng trang lứa, các bà mẹ đau đáu âu lo.

Trước đây, DTS là khái niệm xa lạ với phụ huynh, vì vậy, phát hiện trẻ có kinh nguyệt lúc 3-4 tuổi, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con bị xâm hại.

Mặc người lớn vui vẻ hay lo lắng, u sầu, bọn trẻ “dậy sớm” sau những câu hỏi, nhỏ to về cơ thể lại quay về với những trò chơi vui nhộn. Bệnh tật, bữa ăn đạm bạc trên manh chiếu không lành lặn ở dãy hành lang, nỗi âu lo của cha mẹ không ngăn được tiếng cười trong vắt, lời hẹn tháng sau gặp lại của bọn trẻ lúc xuất viện. Nhìn những hình ảnh ấy, tôi cảm nhận phần nào lời chị Hồng D. cũng như nhiều phụ huynh khác “may mà tụi nhỏ còn hồn nhiên”. 

Mot ngay o noi tre 'day som'

Dậy thì được xem là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Bé gái DTS có ngực lớn, xuất hiện lông mu, lông nách, có kinh. Bé trai, dương vật và tinh hoàn phát triển, xuất hiện lông mu, thân hình trở nên vạm vỡ, bể tiếng.

Đến nay, nguyên nhân gây dậy thì ở bé gái chưa được xác định, còn bé trai có khoảng 40% là do có khối u ở vùng hạ đồi (não).

Dậy thì sớm ở trẻ có thể dẫn đến những hệ lụy:

- Trẻ không thể xoay xở với đặc tính sinh dục thứ phát: kinh nguyệt sớm, dương vật to…
- Bị lùn (vì xương bộc phát sớm và đóng đầu xương sớm).
- Hệ lụy xã hội: các bé tuổi nhỏ, nhưng có hình thể của một người đã dậy thì, phổng phao nên có thể gây chú ý và không biết cách tự bảo vệ mình.
- Nếu để DTS càng kéo dài thì ảnh hưởng tâm lý lên trẻ càng lớn: ngực to không dám chạy nhảy, bể tiếng không dám nói chuyện.

Phòng ngừa:
- Nên giữ cho con tình trạng dinh dưỡng ở mức chuẩn, nhiều bà mẹ thấy con càng mập càng thích, đó là sai lầm. 
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc hình ảnh gợi ý, thông tin quan hệ giới tính.

Dậy thì sớm khám ở đâu? Khi con bị DTS, cha mẹ cần bình tĩnh, đưa bé đến BV khám, điều trị. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả, mỗi tháng bé sẽ được tiêm thuốc ức chế nội tiết tố DTS và quá trình điều trị sẽ dừng lại đến khi bé vào tuổi dậy thì thật sự. 

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận-nội tiết BV Nhi Đồng 1 cho biết, năm 2010, BV Nhi Đồng 1 chỉ tiếp nhận khoảng 5-6 trẻ DTS, nhưng nay lên đến 200 ca và hiện có 120 trẻ DTS đang theo dõi, điều trị tại khoa.

BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận-nội tiết BV Nhi Đồng 2 cho biết, đang điều trị khoảng 100 trẻ DTS. Khoa tiếp nhận khám DTS mỗi ngày, vào giờ hành chính; tái khám vào thứ Ba và Tư hàng tuần.  

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI