Máy đo chỉ số cơ thể 'Thánh phán' bịp bợm

24/07/2017 - 09:00

PNO - Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ rủ nhau đi kiểm tra cơ thể, kiểm tra sức khỏe bằng máy đo từ trường, máy đo sức đề kháng cơ thể tại một số cơ sở thẩm mỹ, công ty bán thực phẩm chức năng, phòng khám.

Người bệnh không phải chờ đợi lâu vì không cần thử máu, lấy nước tiểu… vẫn nhận đầy đủ kết quả “xét nghiệm”. Công năng của những chiếc máy này ra sao?

May do chi so co the 'Thanh phan'  bip bom
Chỉ sau chừng 5 phút, máy có thể báo kết quả hàng chục chỉ số cơ thể


Cỗ máy “thần kỳ”? 

14g ngày 12/7, hai mẹ con chị H. đến Công ty thực phẩm chức năng N. (Q.1, TP.HCM) “đo sức khỏe”. Vừa bước vào, bé gái vội vã chạy tới chiếc máy “đo ôxy hóa từ đường chỉ tay” đặt tại góc cuối căn phòng.

Áp lòng bàn tay vào “mắt thần”, tay còn lại, cô bé bấm, quẹt lên màn hình cảm ứng. Chừng hai phút sau, trong lúc chị H. đang trò chuyện với nhân viên tư vấn, bé gái vui vẻ thông báo “mẹ ơi chỉ số đề kháng cơ thể của con đã con đã lên được 3.000 rồi”.

Một thành viên của công ty tiết lộ, chiếc máy mà bé gái trên vừa sử dụng là máy đo chỉ số ôxy hóa hay máy đo sức đề kháng cơ thể. Khách hàng sử dụng miễn phí. Nếu cơ thể có chỉ số đo sức đề kháng thấp, khách hàng sẽ được nhân viên chăm sóc tư vấn cách bổ sung các chất dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng, sức đề kháng.

Cạnh đó có một chiếc máy khác được gọi là máy đo chỉ số cơ thể. Chỉ cần 1-2 phút đứng lên máy, khách hàng sẽ có những thông số về tỷ lệ mỡ của cơ thể, chỉ số mỡ nội tạng, mức tiêu tốn năng lượng, tỷ lệ cơ xương… 

Trong khi công ty N. sử dụng hai máy để đo các chỉ số cơ thể, sức đề kháng cơ thể thì tại phòng khám Eurovie (Q.5, TP.HCM) chỉ sử dụng một máy để đo… 39 chỉ số cơ thể, kiểm tra chức năng tim, gan, phổi, thận, ruột cho tới da, trí nhớ. Chiếc máy “thần kỳ” này có tên gọi là máy đo từ trường.

May do chi so co the 'Thanh phan'  bip bom
 

Chiều 11/7, theo chân L. đi đo sức khỏe, chúng tôi ghé phòng khám Eurovie. Sau khi khai tên tuổi, đóng năm trăm ngàn đồng cho nhân viên phòng khám, cô gái được dẫn lên lầu 3 nơi đặt máy đo. Khác với hình dung của chúng tôi, “bác sĩ biết tuốt” là một chiếc máy khá nhỏ, gọn.

Phần chính của máy được kết nối với màn hình máy tính và một bộ phận cảm ứng. Sau khi hướng dẫn L. tháo bỏ các vật dụng kim loại trên cơ thể, áp lòng bàn tay lên máy, cô nhân viên phòng khám quay màn hình về phía người bệnh rồi hướng dẫn: “lần lượt máy đang quét, đo tim, não, phổi…”.

Khoảng ba phút sau, cô nhân viên phòng khám cho biết, đã kiểm tra 39 bộ phận cơ thể, dẫn L. sang phòng đọc kết quả. Tại phòng đọc kết quả, bác sĩ Trương Hiếu Nghĩa cho biết, L. có một số vấn đề về sức khỏe như: mỡ máu, hay quên, thiếu nước, thiếu colagen. Sau đó, bác sĩ Nghĩa cho cô L. một toa “thực phẩm chức năng” với thành phần là Ginkgo Plus, Collagen Q và Zin C 50mg. 

Chị Ng., một bệnh nhân của phòng khám Eurovie cho biết, được một người bạn “mách nước”, chị đến đo sức khỏe bằng máy đo từ trường tại phòng khám này. Theo lời người bạn, đến Eurovie khám sức khỏe không mất nhiều thời gian, không phải lấy máu, nước tiểu…

Sau khi đo chừng năm phút, người đàn ông mặc áo blouse trắng quay màn hình về phía chị Ng. với nhiều ô ngang dọc, đủ thứ màu xanh đỏ tím vàng. Người đàn ông thao thao bất tuyệt: “Đây là máy đo lượng từ, một phát minh rực rỡ của ngành y khoa Hoa Kỳ. Trước đây, thay vì mọi người phải khám đủ mọi bộ phận cơ thể, lấy nước tiểu, xét nghiệm máu mới biết mình khỏe đâu, yếu đâu thì với phát minh này, người ta chỉ cần ngồi một chỗ cũng biết mọi cơ quan, bộ phận trên cơ thể mình ra sao, thiếu 
chất gì…”.

38 tuổi thành thanh niên 18 

Để kiểm tra sự “kỳ diệu” của “bác sĩ biết tuốt”, phóng viên báo Phụ Nữ đã nhờ một nhân viên tại công ty bán thực phẩm chức năng N. dùng máy đo chỉ số cơ thể. Điều bất ngờ là một máy thông báo bình thường, trong khi máy khác lại “chẩn đoán”: gầy, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, loãng xương và có độ tuổi là… 18 (giảm 20 tuổi so với tuổi thật của “bệnh nhân”).

Chiếc máy phòng khám Eurovie sử dụng có tên gọi là máy phân tích cơ thể lượng tử hoặc còn gọi là máy phân tích định lượng cộng hưởng từ,  là một thiết bị chưa có đầy đủ cơ sở khoa học để chứng minh có khả năng chẩn đoán bệnh lý và chưa được cấp phép sử dụng để khám chữa bệnh. 

May do chi so co the 'Thanh phan'  bip bom
 

Được biết, năm 2016, Sở Y tế TP.HCM kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Trang thiết bị y tế Kim Minh (95 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM) - đơn vị phân phối. Tại thời điểm kiểm tra, máy kiểm tra sức khỏe lượng tử KG-002, KG-002M không có chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Thông tư 30/2015/TT-BYT, sản phẩm này không thuộc danh mục trang thiết bị y tế phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, nhưng nếu là sản phẩm lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam, sử dụng phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh phải xin ý kiến Bộ Y tế.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, Phòng khám Đa khoa Eurovie (thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ y khoa Eurovie) được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 02439/SYT-GPHĐ ngày 6/5/2014 với phạm vi hoạt động gồm khoa nội, ngoại, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ Trương Hiếu Nghĩa có chứng chỉ hành nghề số 002875/HCM-CCHN, phạm vi hoạt động chuyên môn: chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh. Như vậy, bác sĩ Nghĩa không có chức năng khám, kê toa. Theo bác sĩ Huỳnh Mai, việc bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là không đúng quy định. 

Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI