Liên tiếp nhiều trẻ tử vong, cha mẹ nào cũng giật mình

06/03/2017 - 12:08

PNO - Nhiều vụ trẻ tử vong vì ăn thạch rau câu, trà sữa trân châu hay té ngã vào xô, thau nước,… là hồi chuông cảnh báo cho nhiều bậc cha mẹ.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM liên tiếp cấp cứu cho nhiều trẻ bị tai nạn rất nặng do bố mẹ chủ quan. Đáng báo động, người nhà bệnh nhi lại thiếu kiến thức về cấp cứu, hồi sức.

Chết não do ngã vào lu nước

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, một em bé 17 tháng tuổi, ở vùng ven thành phố được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bé đã giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu và tử vong.

Gia đình bé kể trong lúc nghịch nước, bé bị ngã vào úp mặt vào lu chứa nước. Khi người nhà phát hiện, bé đã ngưng tim, ngưng thở. Người thân của bé lập tức sơ cứu và chuyển ngay đến bệnh viện nhưng do thời gian ngưng tim quá lâu, bé đã chết não. Mặc dù các bác sĩ tích cực cấp cứu, cho bé thở máy nhưng mọi chuyện đã muộn.

Bác sĩ Phương cho biết: “Thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ bị ngạt thở chỉ có 4 phút. Trong thời gian này, gia đình phải tích cực nhồi tim, hà hơi thổi ngạt để tăng lượng oxy lên não. Sau 4 phút bé sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Sau 10 phút thì bé chết não. Cho dù cứu được bé thì rất nhiều khả năng bé phải sống thực vật.”

Lien tiep nhieu tre tu vong, cha me nao cung giat minh
 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương (bên phải) hướng dẫn các kỹ năng cấp cứu.

Theo bác sĩ Phương, tai nạn do bé té ngã vào lu nước, xô, chậu, thau,… là tai nạn xảy ra thường xuyên. Nhất là đối với trẻ trong gian đoạn mới biết bò hoặc đang tập đi trở lên, vì trẻ em thường hiếu động và rất thích nước. Đặc biệt, ở lu, xô, thau nước đầy thì ít xảy ra, nhưng khi nước sắp cạn thì nhiều trường hợp bé với tay để chơi và ngã luôn vào các dụng cụ chứa nước này. Về phần cha me, khi không thấy con, đi tìm thì chứng kiến luôn cảnh đau lòng.

Rau câu món ăn mà trẻ nào cũng ưa thích

Gần đây, bé trai 5 tuổi (ngụ Q.10, TP.HCM) cũng đã tử vong vì bị hóc rau câu. Loại rau câu mà bé trai bị hóc là rau câu thuộc dạng viên nhỏ, chứa trong hộp nhựa và được bọc bằng lớp nhựa phía trên. Thay vì lấy thìa để múc rau câu ra để ăn thì cũng như các bé khác, bé trai tháo nắp đậy và hút mạnh vào miệng để ăn. Đang hút viên rau câu ra để ăn thì bất ngờ viên rau câu này rơi vào đường thở khiến trẻ bị hóc, tái tím người. 

Thấy vậy, người nhà của bé chạy đến tìm cách tống dị vật ra ngoài nhưng bé lịm dần. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì đã trễ, toàn thân bé tái tím, ngưng tim và tử vong.

Lien tiep nhieu tre tu vong, cha me nao cung giat minh
 

Loại thạch rau câu mà trẻ em thích ăn cũng là "tử thần" đối với trẻ.

“Trong trường hợp khi không kịp tống dị vật mà trẻ đã tái tím, người nhà nên ấn tim, hô hấp nhân tạo liên tục để cứu não trẻ. Trên đường đi đến bệnh viện cũng phải liên tục hồi sức tránh để trẻ ngưng tim, ngưng thở, vì lúc này nếu các bác sĩ cứu được thì trẻ cũng có thể bị chết não, sống thực vật.”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Nhiều cha mẹ rất lúng túng khi con gặp tai nạn.

“Tai nạn ở trẻ là không ai mong muốn, nhưng xử lý, cấp cứu cho trẻ sau tai nạn cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết. Tuy ngạt nước, hóc dị vật diễn biến rất nhanh, nhưng  chỉ một vài động tác cấp cứu mà nếu bạn trang bị được, bạn có thể cứu được con mình và nhiều đứa trẻ khác.”, bác sĩ Phương cho biết.

Hiện tại Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai rất nhiều vệ tinh trong thành phố, nên gọi ngay số 115 để nhân viên cấp cứu có thể đến hỗ trợ kịp thời. Trong lúc đợi bác sĩ, y tá, hoặc trên đường đưa trẻ đến bệnh viện, người cấp cứu cũng phải liên tục nhồi tim và hô hấp nhân tạo cho trẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI