Kỳ lạ bệnh nhân thích nằm viện cấp cứu suốt 10 năm

22/04/2017 - 09:56

PNO - Suốt 10 năm nay, bà T. sống trong lo âu, luôn nghĩ mình đang bị bệnh gì đó khủng khiếp lắm. Nếu bác sĩ cho nhập viện cấp cứu thì bà lại khỏe ra.

Bác sĩ không tìm ra bệnh là thất vọng

Khoảng 10 năm trước, bà N.T.T. (75 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) thường bị tim đập nhanh, mệt mỏi, đổ mồ hôi tay khi lo lắng, mệt mỏi, đau vai gáy.... nên được con cháu dẫn đi khám rất nhiều bệnh viện.

Bà T. được khám gần như tất cả các chuyên khoa nhưng vẫn không tìm ra được bệnh, hoặc tìm ra bệnh nhưng… chữa mãi không hết.

Mỗi lần bác sĩ kết luận bà T. không bị bệnh, bà buồn bã, lo âu, nhất là vào những buổi tối, bà T. thấy rất khó thở, cao huyết áp. Khoảng 2 tháng bà lại thở không nổi phải vào bệnh viện cấp cứu, nằm viện 10-20 ngày thì bà mới yên tâm.

Có lần, cơ thể “chiều” theo ý bà, bệnh đến thật, bà bị thoái hóa cột sống thắt lưng, lão suy, một lần mổ ruột thừa và cắt túi mật. Từ đó, bà T. càng tin mình có bệnh gì đó khủng khiếp lắm.

Thế nên  tần suất lo âu, hay suy nghĩ kéo dài khiến bà thường xuyên bị ngất xỉu tăng lên, 1 tháng bà bị xỉu khoảng 2-3 lần.

Ky la benh nhan thich nam vien cap cuu suot 10 nam
Bệnh tâm lý lâu năm khiến người bệnh mắc chứng rối loạn cơ thể, họ cứ nghĩ mình mắc bệnh đáng sợ, ảnh minh họa

Gần đây, bà T. lại đau nặng, mệt mỏi, căng thẳng nên các con đưa bà đến Bệnh viện Quận 2, TP.HCM để tìm bệnh. Kết quả khám tổng quát một lần nữa làm bà thất vọng vì… bà không có bệnh. Tuy nhiên, một bác sĩ khuyên bà T. đến khoa Tâm lý của bệnh viện ở đó có thể tốt cho bà hơn.

Sau khi Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Ngọc Diệp tiếp xúc với bà T., thì chị phát hiện bà T. bị rối loạn lo âu. Thời gian bệnh quá lâu, bà T. đã bị rối loạn tâm lý mạn tính, thêm phần rối loạn nhận dạng cơ thể nên bà luôn cảm thấy bản thân có bệnh.

Bệnh tâm lý của bà T. khởi nguồn từ việc bà chứng kiến các thành viên trong gia đình không hòa thuận. Mặc dù con cháu yêu thương và quan tâm đến bà, nhưng nhà đông thành viên và không ít lần bà T. nhìn thấy những cuộc cãi vả, mâu thuẫn giữa họ.

Đối với các thành viên khác, khi họ tranh cãi xong, họ cảm thấy bình thường, nhưng bà T. lại luôn cảm giác có sự bất ổn trong mối quan hệ giữa các con của mình, bà suy nghĩ nhiều rồi lo lắng, phiền muộn. Bà T. mắc bệnh tâm lý lúc nào không hay.

Ky la benh nhan thich nam vien cap cuu suot 10 nam
Bệnh khởi nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng đa số là do những bất hòa trong gia đình, ảnh minh họa

Điều trị cho cả nhà 

Vì bệnh kéo dài hơn 10 năm nên ngoài việc tiếp xúc tâm lý, gỡ rối về tâm sự, nỗi âu lo, bà T. buộc phải khám chuyên khoa tâm thần và điều trị bằng thuốc. Để chữa bệnh cho bà, các chuyên gia tâm lý cũng phải tiếp xúc từng thành viên khác trong gia đình bà T. yêu cầu họ cùng phối hợp điều trị.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Diệp cho biết: “Ban đầu các thành viên trong gia đình đều cho rằng bà lớn tuổi nên khó chịu, họ không thể tiếp xúc hay chiều ý bà được. Họ không biết nguyên nhân là do bà T. chứng kiến việc trò chuyện, tiếp xúc lẫn nhau của họ rồi sinh buồn phiền. Phải mất thời gian khá dài để tiếp xúc, thuyết phục mọi người hợp tác giúp đỡ bà.

May mắn rằng những thành viên trong gia đình đều quan tâm đến bà cụ và từng người đến để cùng nhau gỡ rối. Sau hơn 1 tháng tiếp xúc và điều trị, tinh thần bà đã ổn định hơn”.

Ky la benh nhan thich nam vien cap cuu suot 10 nam
Theo ThS tâm lý lâm sàn Nguyễn Ngọc Diệp, bệnh này cần sự hỗ trợ của người thân trong quá trình điều trị

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Diệp, điều trị tâm lý là giúp cho bệnh nhân nhìn ra bản thân của mình đã đánh mất trước đó bằng những câu hỏi gợi mở để người bệnh và những người thân trong gia đình nhìn ra vấn đề. Từ đó sẽ cùng đồng hành cùng nhận ra đâu là vấn đề họ đang mắc phải và gỡ rối.

Điều trị không tập trung vào một bệnh nhân mà cả mối quan hệ từ những người xung quanh và biết được nguồn cơn khởi phát thì mới có thể giúp đỡ họ được.

Nếu một người có những dấu hiệu như áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, đầu óc gần như trống rỗng, chán nản không thiết tha với những hoạt động xảy ra xung quanh,… trong một thời gian dài thì có thể đã mắc các vấn đề về tâm lý. 

Ky la benh nhan thich nam vien cap cuu suot 10 nam
Mất ngủ, mất ngủ, biếng ăn, rụng tóc, đau vai, gáy, thở khó, mệt mỏi… có thể là triệu chứng khởi nguồn bệnh, ảnh minh họa

Ngoài ra, người mắc bệnh tâm lý cũng có thể gặp các triệu chứng mệt, khó thở như bị bệnh tim, thường ra nhiều mồ hôi khi lo lắng, đau vai, gáy, căng cơ, đau khớp, đau đầu, căng thẳng, buồn phiền, mất ngủ, biếng ăn, rụng tóc,… nhưng đi khám không tìm ra được nguyên nhân thì đều có thể mắc bệnh rối loạn tâm lý, nên đến các chuyên gia tâm lý để tìm hiểu thêm.

“Khi một người có những dấu hiệu của bệnh tâm lý, hoặc cảm nhận mình luôn có một vấn đề cần giải quyết nhưng không biết đó là điều gì, thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa về tâm lý càng sớm càng tốt.

Bệnh tâm lý, nếu điều trị sớm thì có thể khắc phục bệnh, nếu để quá lâu, phải điều trị thuốc thì bệnh sẽ có thể tái phát lại bất kỳ lúc nào. Nhất là khi những vấn đề phát bệnh lại xảy ra. Ví dụ như trường hợp bà cụ, nếu con cháu trong gia đình bà lại bất hòa, thì bà rất dễ tái phát bệnh”, chị Diệp cho biết.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI