Đường đến... bệnh viện xanh

15/01/2018 - 11:30

PNO - Hiện nay, đa số bệnh viện vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc thiết kế những mảng xanh trong khuôn viên của mình vì còn quá nhiều mối lo về quá tải, thiếu kinh phí, quỹ đất hạn hẹp...

Tuy nhiên, một số bệnh viện có điều kiện vẫn cố gắng hướng đến việc xây dựng một bệnh viện xanh, bởi  thiên nhiên có thể giúp bệnh nhân có được tâm lý thoải mái hơn, phục hồi sức khỏe hiệu quả hơn. 

Đến bệnh viện như... đi chơi!

Sáng 9/1, con gái tôi bị sốt và ho, phải đến bệnh viện (BV), nhưng sợ cảnh chen chúc ở BV Nhi đồng 1 và 2, tôi bàn với vợ đưa con đến khám tại BV Nhi đồng thành phố ở huyện Bình Chánh. Ban đầu, vợ tôi không đồng ý vì lo BV mới thành lập, chỉ sợ gặp toàn bác sĩ (BS) trẻ, thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định đến thử một lần xem thế nào vì cũng gần nhà.

Duong den... benh vien xanh
 

Tôi cũng nghĩ cháu chỉ bệnh thông thường, BS ở đây thừa sức điều trị. Thật bất ngờ! Bước qua cổng BV chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước khu vực phòng khám rộng ngút mắt, sạch đẹp, khang trang, tràn ngập màu sắc và hình ảnh ngộ nghĩnh trên tường. Cô con gái gần 3 tuổi của tôi còn bật reo lên: “Wow, đẹp quá ba ơi! Mình đi chơi hả ba?”, vì phát hiện có chiếc cầu tuột giữa sân đang có nhiều bạn nhỏ chơi đùa như ở công viên.

Tôi mua phiếu khám bệnh 39.000 đồng trong tâm trạng dễ chịu vì cô nhân viên nói năng nhẹ nhàng, lại không phải xếp hàng, chen lấn. Chỉ đợi chưa đến 10 phút là tới lượt con tôi vào khám. Một BS nam trẻ tuổi cười tươi nhìn cháu: “Hôm nay bé đến chơi với BS phải không?”. 

Có lẽ nhờ nụ cười và cái nhìn thân thiện đó mà con bé tan biến mọi lo lắng, tự há miệng, vén áo cho BS khám. BS ân cần hỏi thăm bé bị ho bao lâu, sốt bao nhiêu độ, ăn uống thế nào, có bị nôn ói không… và BS tận tình giải thích mọi thắc mắc của chúng tôi. Khám bệnh xong, chúng tôi không tất tả về ngay như lệ thường ở các BV khác, mà nán lại cho con chơi cầu tuột, vợ chồng ngồi ghế chuyện trò.

Duong den... benh vien xanh
Những bệnh nhi thích thú chơi đùa như ở công viên

Chúng tôi còn đùa: nếu có thêm ly cà phê nữa là y như ở quán! Nhìn những gương mặt trẻ thơ ở khu phòng khám sáng nay, chắc chẳng ai nghĩ bọn trẻ là những bệnh nhân. Cái sân chơi như công viên này như có tác dụng xua tan hết biểu hiện của đứa trẻ đang bệnh và cả những lo âu, căng thẳng của phụ huynh. 

Rõ ràng, cái không gian rộng lớn, sạch sẽ, thoải mái và đặc biệt là thái độ thân thiện của các nhân viên đã có thể là một thứ “thần dược” giúp mọi người đến đây không còn thấy lo lắng, sợ hãi, khó chịu nữa. Phụ huynh cũng không còn phải chen lấn, chờ đợi và không bị ức chế với các “BS mặt lạnh tanh, hỏi không buồn trả lời, khám qua loa…”.

Nhìn bọn trẻ thích thú sờ, ngắm những bông hoa, con thú trang trí trên tường, tôi chợt ao ước giá như BV nào cũng được như nơi này. Tất nhiên, việc đó chẳng đơn giản chút nào bởi không gian, hạ tầng rất khó thay đổi; nhưng còn tinh thần, thái độ tiếp xúc với người nhà và bệnh nhân của nhân viên y tế thì chỉ là việc trong tầm tay, mà sao vẫn khó?

 Châu Vĩnh Lộc

Tận dụng mọi góc chết để trồng cây xanh

Diện tích xây dựng của Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM là 8.700m2 - một quỹ đất khiêm tốn với quy mô của một BV đa khoa hàng đầu khu vực phía Nam. Vì thế, BV đã khai thác triệt để 10% diện tích để tạo không gian xanh. Ngay vỉa hè trước cổng chính của BV là một mảng cây trải dài được cắt tỉa gọn gàng. Hàng rào quanh khuôn viên có cây cao tỏa tán lá che chắn giúp giảm tiếng ồn, khói bụi.

Trong sân có nhiều cây xanh để lấy bóng mát, quanh gốc cây có bục đá làm chỗ ngồi nghỉ chân. Trước đây, giữa sân BV là ba cột đèn nhưng đã được cải tạo thành chỗ trồng cây xanh và đặt ghế đá. Khu đăng ký lấy số và khu khám bệnh có những góc xanh nho nhỏ trải sỏi trắng sạch sẽ, bố trí tại những gầm cầu thang, góc tiếp nối giữa các hành lang. Phía sau BV, hành lang thường dành để xe đẩy rác thải cũng được trồng cây leo tạo mảng tường xanh mát rượi. 

Mục đích chính của BV vẫn là phục vụ điều trị nên khu vực khám bệnh không thể dành quá nhiều diện tích để trồng cây, nhưng trong khu vực nội trú, BV Đại học Y Dược đã thiết kế cả một “khu vườn thượng uyển” trên lầu 4. Khu vườn này tận dụng nóc của một giảng đường, có cả hồ cá và hệ thực vật đa dạng từ thảm cỏ, cây thân gỗ đến cây lá màu. BV còn xây bậc thang giật cấp làm thành cảnh đồi nhân tạo. Trên các cành cây còn có những chiếc lồng tre véo von chim hót. 

Theo kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản trị tòa nhà của BV Đại học Y Dược, tiền đầu tư và duy trì cho mảng xanh của BV thật ra không nhiều. Tổng chi phí năm 2017 chỉ 254 triệu đồng. Để chăm sóc các mảng xanh này, BV chỉ cần một nhân viên am hiểu về cây cối. Cây được tưới bằng dàn tưới tự động, cỏ cắt bằng máy nên mọi việc không quá phức tạp, nặng nhọc.

Khi được hỏi về quy chuẩn mét vuông cây xanh trên một giường bệnh của Việt Nam và thế giới, kỹ sư Tuấn cho rằng, chưa thể nói chuyện quy chuẩn cây xanh vì ngay cả quy chuẩn không nằm ghép chúng ta còn chưa làm được. Quan trọng là các BV tự ý thức và làm tốt nhất trong khả năng có thể của mình. Để có được kết quả hiện tại, BV Đại học Y Dược đã phải đầu tư mất 4 năm. Quỹ đất hạn hẹp, thiếu kinh phí, quá tải không phải là lý do, mà cái chính là ở nhận thức của ban lãnh đạo các BV.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI