Cô gái trẻ ở Đồng Nai mắc căn bệnh khiến tay chân xụi lơ vào cuối ngày

08/02/2018 - 16:30

PNO - Cứ vào mỗi chiều, cô gái trẻ ở Đồng Nai lại cảm thấy không còn chút sức nào, tay chân xụi lơ, thở gấp và có khi bất chợt không nói được.

Cách đây khoảng 1 năm, sau khi ăn tết Nguyên đán, D.K.T. (24 tuổi, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) phát hiện cơ thể có những bất thường không thể lý giải được.

Tự nhiên nói đớt vào mỗi chiều

Khi đó, T. đang làm lễ tân cho một khách sạn tại TP.HCM. Công việc khá trôi chảy vì em vốn học chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn của một trường đại học lớn tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau tết, khi nói chuyện với khách, T. bỗng nhiên nói đớt, không thể tròn vành rõ chữ… rồi bỗng không nói được nữa. Cô gái trẻ hoang mang cùng cực vì chưa từng gặp tình trạng này.

T. để ý mình bị nói đớt nhiều nhất vào buổi chiều. Đặc biệt, tầm sau 17g, T. cảm giác không thể nhấc nổi tay chân: “Em vô cùng lo lắng vì chỉ cần đi từ tầng trệt lên lầu 1, em đã thở hổn hển. Có khi cúi xuống xong, em không thể ngẩng đầu lên được, phải chờ một lúc mới đủ sức đứng lên”.

Co gai tre o Dong Nai mac can benh khien tay chan xui lo vao cuoi ngay
Bệnh nhân D.K.T. khám và điều trị tại Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM)

Những dấu hiệu bất thường ngày càng tăng lên. D.K.T. cảm thấy mệt mỏi, khó thở nhiều hơn, hoa mắt, chóng mặt. Mỗi hơi thở, T. đều cảm thấy mệt nhọc dù không vận động gì. Mỗi bữa cơm, T. lựa những thức ăn dễ nhai, dễ nuốt và ăn rất ít vì việc ăn cơm cũng khiến em khá mệt.

Sợ hãi vì những dấu hiệu bất thường, em đến khám tại một bệnh viện. Chẩn đoán ban đầu của bác sĩ là u não. Sau khi chụp CT não cho kết quả bình thường, em được kết luận bị thiếu máu não.

Đang khám, bỗng nhiên mí mắt sụp xuống

Uống thuốc không bớt, T. quyết định khám ở bệnh viện tuyến trung ương tại TP.HCM. Nghi ngờ não bị tổn thương, em được cho chụp MRI 2 lần nhưng đều không phát hiện bệnh. T. được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tuần hoàn não rồi hội chứng tiểu não nhưng điều trị vẫn không hiệu quả.

Bất ngờ khi bác sĩ đang tái khám, mí mắt em bỗng nhiên sụp xuống. Bác sĩ nhìn thấy dấu hiệu này nên đột ngột dừng khám và chỉ định test điện cơ. Kết luận cuối cùng của bác sĩ là D.K.T. bị bệnh nhược cơ, phải uống thuốc suốt đời. Đó là vào tháng 8/2017. Với chẩn đoán này, việc điều trị có tác dụng khi những triệu chứng nhược cơ của em T. bắt đầu giảm dần.

Co gai tre o Dong Nai mac can benh khien tay chan xui lo vao cuoi ngay
Sụp mí mắt là dấu hiệu rất dễ nhận biết của căn bệnh nhược cơ

Đầu năm 2018, trong lần khám bệnh tại Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, D.K.T được bác sĩ Ngô Bảo Khoa đề nghị mổ cắt bỏ tuyến ức nhằm điều trị dứt điểm căn bệnh này.

Theo bác sĩ Ngô Bảo Khoa, nhược cơ là bệnh lý khá hiếm gặp với tỷ lệ mới mắc hàng năm khoảng 2-6/100.000 dân, còn tỷ lệ hiện mắc là 20-50/100.000 dân. Bệnh khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp độ tuổi 20-30 đối với phụ nữ và trên 50 đối với nam và có 10% ở trẻ dưới 10 tuổi.

Nhược cơ tiến triển theo từng giai đoạn khác nhau, gây yếu từng cơ một rồi "xâm chiếm” toàn bộ các cơ. Nếu yếu cơ mặt, bệnh nhân không thể biểu hiện cảm xúc. Yếu cơ ở mắt gây sụp mi khiến mắt khép nhỏ, mắt nhìn mờ, nhìn thành ảnh đôi. Yếu cơ vùng hầu họng sẽ gây khó nuốt, khó nói, nhiều đàm nhớt, thở khò khè.

Cơ ở tứ chi yếu khiến bệnh nhân đi đứng không vững, thay đổi tư thế từ ngồi thành đứng khó khăn, tay chân khó nhúc nhích. Đặc biệt, nếu liên quan đến cơ hô hấp, bệnh nhân bị khó thở, suy hô hấp, có thể dẫn tới tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Co gai tre o Dong Nai mac can benh khien tay chan xui lo vao cuoi ngay
Tuyến ức bệnh nhân sau khi được cắt bỏ

Ca mổ cho bệnh nhân D.K.T diễn ra vào ngày 1/2/2018. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng là nội soi lồng ngực qua 3 đường mổ nhỏ khoảng 1cm để cắt bỏ tuyến ức. Phương pháp này giúp bệnh nhân tránh được ca mổ nặng nề nếu phải mở xương ức theo phương pháp cổ điển.

Các bác sĩ gây mê ở Bệnh viện Quận 2 cũng đã áp dụng các phương thức gây mê đặc biệt áp dụng trên bệnh nhân nhược cơ, gây mê ở mức vừa đủ cho phẫu thuật viên thao tác, hạn chế gây ảnh hưởng đến các cơ hô hấp. Sau 1 giờ, bệnh nhân đã được lấy trọn vẹn tuyến ức và chuyển sang phòng hồi sức.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm là hô hấp của bệnh nhân (vì có thể yếu liệt cơ hô hấp do nhược cơ). Tại phòng hồi sức, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức theo dõi, đánh giá tình trạng hô hấp và đã mạnh dạn rút nội khí quản (ống thở) vào giờ thứ hai sau mổ. Sau một ngày nằm hồi sức, tình trạng bệnh nhân ổn định.

Co gai tre o Dong Nai mac can benh khien tay chan xui lo vao cuoi ngay
Hình ảnh ca mổ nội soi cắt tuyến ức cho bệnh nhân D.K.T. vào ngày 1/2/2018 tại Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM)

Sau ca mổ nội soi, những dấu hiệu bất thường của bệnh nhân đã giảm dần. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, em T. có thể nói bình thường và lưu loát. Tuy vậy, căn bệnh nhược cơ xuất hiện khi em đang làm công việc lễ tân, với nhiều lần đột ngột “im tiếng” khi nói chuyện với khách hàng đã khiến T. trở nên rất lo sợ khi tiếp xúc với người khác.

Phát hiện bệnh, T. đã nghỉ việc, rời TP.HCM về sống với cha mẹ ở Đồng Nai. Sau khi mổ cắt bỏ tuyến ức, cô gái trẻ cho biết vẫn còn rất đam mê với nghề nhà hàng khách sạn. Có thể sau tết Mậu Tuất 2018, T. sẽ tìm cách vượt qua nỗi sợ hãi để bắt đầu xây dựng lại mơ ước của mình trong dịp đầu năm mới.

Nhược cơ là một bệnh thần kinh - cơ tự miễn. Trong bệnh nhược cơ, thiếu sót cơ bản là giảm số lượng các thụ thể acetylcholine (cần thiết cho quá trình co cơ) ở chỗ nối thần kinh cơ do kháng thể kháng thụ thể acetylcholine sinh ra trong cơ thể, từ đó dẫn tới rối loạn quá trình dẫn truyền thần kinh - cơ. Sự sản xuất tự kháng thể kháng acetylcholine có vai trò của các tế bào lympho T của tuyến ức (tuyến này nằm trong lồng ngực, dưới vùng cổ, ngay sau xương ức).

Thông thường, tuyến ức sẽ thoái hóa dần khi lớn lên, tuy nhiên, người ta thấy tuyến ức bất thường ở 75% trường hợp nhược cơ, trong số này 65% quá sản còn 10% có u tuyến ức. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức là biện pháp tích cực khi có u hay loạn sản ở các bệnh nhân nhược cơ. Cắt bỏ tuyến ức toàn bộ mang lại hiệu quả lâu dài. Nhiều trường hợp sau phẫu thuật không cần dùng thuốc hoặc dùng liều thấp, giúp tránh được các cơn nhược cơ nặng về sau”.

 Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI