Chuyển mùa, gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ em

09/06/2017 - 16:40

PNO - Theo TS-BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1, thời tiết đang chuyển từ nắng gắt sang mưa nên lượng trẻ em mắc bệnh đang gia tăng, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp.

Hiện trung bình, mỗi ngày BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 12.000-13.000 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó có nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp. 

Trước phòng khám khu D, BV Nhi Đồng 1, chị Phạm Kim Yến (P.2, Q.5), ôm cậu con trai 16 tháng vừa đi vừa nhún để bé bớt khóc, bà ngoại bé theo sát vỗ lưng cho cháu đỡ ho. Chị Yến kể: “Sáng hôm qua bé còn đi học bình thường, nhưng chiều là nghe cô giáo gọi đón về sớm vì bé sốt.

Tối qua đưa bé đi khám ở BS gần nhà, BS nghi sốt siêu vi nên chỉ cho thuốc hạ sốt, vitamin C và dặn theo dõi. Nhưng, về bé tiếp tục sốt đến 39 độ C, uống thuốc vào chỉ hạ một lúc rồi sốt lại. Sáng nay, lại nghe bé ho nặng tiếng nên tôi đưa ngay vào đây cho yên tâm”. BS chẩn đoán con chị Yến bị viêm tiểu phế quản cấp.

Chuyen mua, gia tang benh ho hap o tre em
Mẹ đưa con khám bệnh ngày mưa (Ảnh chụp tại BV Nhi Đồng 1).


Bé Nguyễn Ngọc L., 13 tháng, ở Q.4, chỉ sau hai ngày ho, sốt, thì khi đến BV khám là BS xác định bị viêm phổi, phải nhập viện. Mẹ bé L. cho biết, do trời nóng nên chị cho bé đi bơi để giải nhiệt, không ngờ sau đó bé bị ho, sổ mũi, hâm hấp. 

Đưa con đến phòng khám tư, BS nói bé bị viêm mũi họng. Hai ngày sau, thấy con không đỡ, ho nhiều hơn, thở lõm ngực nên chị cho vào BV khám và “mới đó mà chuyển qua viêm phổi, may mà tôi đi sớm” - chị than.

TS-BS Trần Anh Tuấn giải thích, khi thời tiết chuyển mùa, nhất là từ mùa nóng sang mưa thì không khí ẩm ướt, lại có gió lạnh, là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát tán và các mầm bệnh phát triển.

Lúc này, hai đối tượng dễ mắc bệnh là người già và trẻ em vì sức đề kháng kém, nhất là với những trẻ mắc sẵn bệnh nền như tim bẩm sinh, vàng da, dị tật bẩm sinh hay bị suy dinh dưỡng.

Chuyen mua, gia tang benh ho hap o tre em
 

Khi đó, trẻ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: sức đề kháng yếu - dễ mắc bệnh - ăn uống kém - đề kháng giảm - mắc bệnh. Ngoài ra, vào mùa hè trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp do thiếu nước/mất nước làm giảm khả năng bảo vệ tại chỗ của niêm mạc đường hô hấp. 

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc phụ huynh cho trẻ giải nhiệt quá đà, không đúng cách như uống nước lạnh, đá lạnh; tắm lâu và nhiều lần trong ngày, sử dụng quạt - máy lạnh không đúng cách…

Theo BS Tuấn, những bệnh hô hấp thường gặp khi chuyển mùa thường ở hai dạng: 1. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính với viêm hô hấp trên như: viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa cấp và viêm hô hấp dưới như: viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản (ở trẻ dưới 24 tháng), viêm phổi.

2. Bệnh dị ứng đường hô hấp: hen suyễn, viêm mũi xoang dị ứng. Lúc này, nếu trẻ viêm tiểu phế quản và viêm phổi thì phải nhập viện điều trị. Viêm phổi là bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Với hen suyễn, nếu không cắt cơn hay cấp cứu kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì đường thở bị co thắt dẫn đến tình trạng suy hô hấp. 

Chuyen mua, gia tang benh ho hap o tre em
 

Phụ huynh phải chú ý giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa. Cụ thể là cần giữ ấm đúng mức, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ có sẵn bệnh nền: mặc quần áo thoáng mát khi trời nóng; trời mưa phải mặc đủ ấm nhưng không giữ ấm quá mức khiến trẻ nóng bức đổ mồ hôi sẽ dễ mắc bệnh; tránh gió lùa, tránh ra đường khi trời đang mưa; sử dụng quạt máy, máy lạnh hợp lý; trẻ và người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên; cung cấp dinh dưỡng và uống nước đầy đủ cho trẻ.

Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người đang mắc bệnh hô hấp, vì chỉ một cái hắt hơi, một cơn ho của người bệnh là đã có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ gây bệnh. 

Chuyen mua, gia tang benh ho hap o tre em
 

Khi chăm sóc trẻ bị ho, cảm lạnh tại nhà phải chú ý làm thông thoáng mũi cho trẻ; cho trẻ ăn hoặc bú nhiều lần hơn; uống đủ nước; giảm ho, đau họng bằng các bài thuốc dân gian an toàn; dùng hạ sốt theo chỉ dẫn và đặc biệt chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của BS.

Nếu trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm sau (chỉ cần một dấu hiệu), phải đưa ngay đến cơ sở y tế: tím tái; bỏ bú hoặc bú kém - nhất là trẻ dưới hai tháng, vì trẻ càng nhỏ thì diễn tiến bệnh càng nhanh và nặng; trẻ nôn ói liên tục, không ăn uống được; co giật; ngủ li bì, khó đánh thức; thở có tiếng rít; suy dinh dưỡng nặng. Lưu ý, trẻ dưới hai tháng tuổi bị sốt hoặc hạ nhiệt độ, thở khò khè cũng là dấu hiệu nguy hiểm.  

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI