Phá nốt ruồi sai cách: Từ xấu xí đến ung thư

18/10/2016 - 06:30

PNO - Nhiều người thích phá nốt ruồi vì nghĩ những đốm nhỏ này không chỉ làm xấu, mà còn ảnh hưởng đến tướng số. Có nên phá nốt ruồi hay không, phá bằng phương pháp gì để tránh biến chứng?

PV báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với ThS-BS Ngô Minh Vinh - khoa Khám bệnh BV Da Liễu TP.HCM, giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM về vấn đề này.

* Người ta hay truyền nhau “bí kíp” dùng tỏi, giấm, vôi để tự tẩy nốt ruồi; có những dung dịch dạng lỏng rẻ tiền hay gel nhập khẩu được rao “xóa nốt ruồi nhanh chóng, hiệu quả, tự làm ở nhà”. Những tiệm tóc, spa cũng xóa nốt ruồi cho khách bằng dung dịch lỏng không rõ thành phần. Theo BS, nốt ruồi có dễ phá như vậy hay không?

- Việc dùng các hóa chất như các axít trong tỏi, giấm hoặc các hóa chất trên thị trường chấm để xóa nốt ruồi, khi hóa chất này hủy được nốt ruồi thì các vùng da lân cận nốt ruồi cũng bị hủy theo nên tạo thành sẹo to rất mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân dở khóc dở cười. Đáng lưu ý, trường hợp tẩy nốt ruồi mà còn sót chân thì phần còn sót bị kích thích và tạo thành nốt ruồi có khi to hơn so với ban đầu. Nốt ruồi phá nhiều lần mà vẫn không hết có nguy cơ biến chứng ung thư.

Tại các spa, phá các nốt ruồi bằng hóa chất thì ngoài những nguy cơ kể trên, những nơi này thường không vô trùng hoặc khử trùng không đúng quy trình nên vết thương xóa nốt ruồi là cửa ngõ cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể, gây viêm nhiễm, trường hợp nặng biến chứng nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm. Chưa kể, các nốt ruồi ác tính nếu không biết mà tự xóa làm cho các tế bào ung thư phát tán khắp cơ thể, gây tử vong.

Xóa nốt ruồi là thủ thuật có xâm lấn, yêu cầu vô khuẩn rất cao nên cần thực hiện ở cơ sở y tế có đủ điều kiện vô khuẩn.

Pha not ruoi sai cach: Tu xau xi den ung thu

* Vì sao người ta sợ nốt ruồi “độc”, nốt ruồi “có chân” thưa BS?

- Nốt ruồi “độc” hay còn gọi là nốt ruồi “ác tính” hoặc “ung thư hắc tố bào”… nếu điều trị không đúng như phá nốt ruồi bằng hóa chất hoặc đốt điện, chấm hóa chất… sẽ làm tế bào ung thư di căn xâm lấn vào các vùng lân cận hoặc theo máu di căn đến các cơ quan khác, có thể gây tử vong. Nốt ruồi có chân là nốt ruồi nằm sâu dưới da. Nếu xóa không hết, nốt ruồi này còn to hơn và xấu hơn trước, nốt ruồi xóa không hết cũng có nguy cơ ung thư.

Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân xóa nốt ruồi bằng hóa chất ở các tiệm cắt tóc, spa. Có trường hợp bị bội nhiễm sưng phù cả mặt, có trường hợp bệnh nhân bị các sẹo to nhưng nốt ruồi vẫn còn… Đa phần hóa chất tẩy nốt ruồi sẽ làm tổn thương vùng da xung quanh gây nên sẹo mất thẩm mỹ, hoặc da tổn thương bị mất sắc tố vĩnh viễn.

* Nhiều người không hiểu vì sao bỗng dưng xuất hiện nốt ruồi (chứ không phải có sẵn từ nhỏ) và lo lắng không biết có nên phá nốt ruồi loại này hay không. Xin BS cho lời khuyên?

- Nốt ruồi hay còn gọi là u hắc tố bào (melanocyte), tế bào hắc tố này sản sinh ra hắc tố (melanin) hình thành nên màu sắc da. Nốt ruồi có thể xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc sau sinh, thường là trước 20 tuổi. Đây là loại u bướu của da thường gặp nhất, đa số là lành tính. Phá nốt ruồi tùy thuộc vào nhiều lý do: đa số là phá vì do thẩm mỹ, một số trường hợp do quan niệm về tướng số…

Còn nốt ruồi có biểu hiện ác tính thì bắt buộc xóa nhưng phải thực hiện bởi các BS da liễu hoặc ung bướu. Tóm lại, khi vì lý do nào đó muốn xóa nốt ruồi thì nên đến khám BS chuyên khoa da liễu hoặc ung bướu để đánh giá xem nốt ruồi lành tính hay nốt ruồi ác tính và chọn phương pháp điều trị phù hợp.

* Theo BS, những loại nốt ruồi nào nên phá, loại nào không nên và cách xóa nào an toàn?

- Có nhiều cách phân loại nốt ruồi. Tuy nhiên, người ta thường chia nốt ruồi thành hai loại: lành tính và ác tính. Nốt ruồi lành tính chiếm trên 90%. Một số nốt ruồi lành tính nhưng ở các vùng da dễ bị ma sát hoặc chấn thương dễ có nguy cơ biến thành ác tính (ung thư). Nốt ruồi ác tính (ung thư) ít gặp hơn. Những nốt ruồi có nguy cơ ung thư thường: dễ chảy máu, bề mặt sần sùi, màu sắc không đều, nốt ruồi lớn nhanh, tăng sinh các mao mạch quanh các nốt ruồi hoặc thâm nhiễm cứng vào các mô lân cận…

Hiện nay, có nhiều cách xóa tùy thuộc vào tính chất của nốt ruồi. Nốt ruồi nhỏ có thể xóa bằng laser CO2 cổ điển hoặc để lành sẹo đẹp hơn có thể sử dụng laser CO2 siêu xung và thực hiện bởi các BS da liễu hoặc BS thẩm mỹ. Nốt ruồi to thì khi xóa bằng laser để lại sẹo không đẹp, vì vậy sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt nốt ruồi thì khi lành sẽ đẹp hơn, được thực hiện bởi BS thẩm mỹ hoặc BS ngoại khoa. Nốt ruồi nghi ngờ ung thư nên được cắt trọn bởi các BS ung bướu và làm sinh thiết để xác định lành tính hay ung thư.

Muốn xóa nốt ruồi, trước tiên cần khám lâm sàng để xác định nốt ruồi lành tính hay không. Đặc biệt, cần chú ý những trường hợp sẹo lồi, vì khi xóa để lại sẹo lồi sẽ mất thẩm mỹ. Cần vệ sinh và vô trùng chỗ nốt ruồi dự định xóa. Tiến hành xóa nốt ruồi bằng laser hoặc phẫu thuật. Giữ ẩm vết thương và ngừa nhiễm trùng để mau lành vết thương, hạn chế tạo sẹo. Có thể sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ để ngừa nhiễm trùng hoặc dùng các loại kem bôi lành vết thương.

* Xin cảm ơn BS! 

Nguyễn Cẩm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI