Cách xử trí khi trẻ bị say nắng

19/04/2017 - 07:52

PNO - Con trai tôi học lớp 5. Hai ngày nay do nhà trường có những buổi sinh hoạt ngoại khóa, di chuyển bộ nhiều dưới trời nắng nên về nhà cháu rất mệt, người nóng phừng phừng và bỏ ăn.

Cháu chưa bị nặng tới mức phải nghỉ học nhưng nhìn khá uể oải. Kỳ thi học kỳ đang tới gần, tôi thấy ái ngại, lo lắng cho sức khỏe của bé, sợ nhỡ đổ bệnh con sẽ không tham gia được những kỳ thi quan trọng. Bác sĩ có thể chỉ dẫn cho tôi cách bảo vệ con khỏi thời tiết nắng nóng, xử trí khi bé có biểu hiện say nắng được không? Xin cám ơn! 

Nguyễn Thảo Mi (Q.Tân Bình, TP.HCM)


BS Trần Đắc Nguyên Anh, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM trả lời:
Khi thời tiết nắng nóng, có lúc lên tới 400C như hiện nay tại TP.HCM, phụ huynh cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho con mình. Người lớn cũng có thể bị cảm nắng nhưng độ thích nghi và sức chịu đựng cao hơn trẻ nhỏ.

Cach xu tri khi tre bi say nang
 
 
 

Trẻ em sức đề kháng yếu, đi ngoài trời nắng quá lâu, cơ thể sẽ bị mất nước do mồ hôi toát ra nhiều, thích nghi không kịp với nhiệt độ môi trường, trẻ dễ có các biểu hiện như: choáng váng, thân nhiệt tăng (mặt phừng phừng, sốt), nặng hơn nữa trẻ có thể bị ngất.

Tôi khuyến cáo phụ huynh không nên đưa trẻ ra ngoài nắng trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Lúc này là thời điểm nắng gắt nhất, khả năng điều nhiệt của cơ thể trẻ kém, nguy cơ bị cảm nắng cao.

Nếu nhỡ có việc phải ra đường trong thời điểm này, trẻ cần được che chắn, đội mũ nón đầy đủ. Phụ huynh luôn phải mang chai nước theo, nhớ nhắc bé uống đủ nước, tránh tình trạng bị khát quá mới uống.

Khi trẻ bị choáng, việc đầu tiên cần làm là đưa trẻ vào nơi có bóng mát, hạ nhiệt bằng cách lau mát, uống nước (thậm chí phải pha oresol cho trẻ uống thay nước lọc để bù nước). Nếu thấy tình trạng bé vẫn không thuyên giảm, hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI