Can thiệp sớm để tránh răng mọc lệch, mọc ngầm

17/05/2017 - 21:30

PNO - Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TP.HCM khám, điều trị cho khoảng 40-50 trẻ bị sâu răng, chấn thương răng.

Theo thạc sĩ, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng khoa Răng Trẻ em của BV này, có nhiều trẻ chỉ mới 2-3 tuổi nhưng răng sâu không còn cái nào, hoặc trẻ bị ngã, tổn thương răng mà cha mẹ chủ quan, dẫn đến việc răng mọc lệch, mọc ngầm  hoặc có nguy cơ tiêu xương, ảnh hưởng tới thẩm mỹ vùng hàm mặt sau này. 

Mất răng sữa sớm, có thể gây hô

Sáng 9/5, khoa Răng Trẻ em có gần 20 trẻ đang chờ đến lượt khám. Có bé cứ đưa tay bưng cái mặt đang sưng, có bé rên rỉ “đau quá mẹ ơi”, nhiều bé có gương mặt xinh xắn nhưng khi nở nụ cười thì hai hàm răng trụi lủi, chỉ còn trơ chân răng đen kịt, hoặc răng mọc lệch làm nụ cười méo mó. Bên trong, các ghế nha khoa đều đã “có chủ” với tiếng khóc la của các bé khi BS khám răng, nhổ răng. 

Vừa dỗ dành cậu bé Minh Q., 3 tuổi rưỡi, BS Mai Phương vừa nói với mẹ cậu bé: “Bé bị sâu răng nặng quá, bể gần hết răng và bị nhiễm trùng, áp xe tạo mủ chân răng nên phải nhổ, không bảo tồn răng được”. Mẹ bé bình thản: “Dạ, BS nhổ đi ạ, sau này cháu còn thay răng mà”.

BS Phương giải thích: “Bé mất răng sữa sớm, nên sẽ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn (là răng mọc sau đợt thay răng sữa) sau này, có thể khiến răng mọc lệch, mọc chen chúc làm trẻ bị hô; khuôn miệng, nụ cười không đẹp, dễ làm trẻ mất tự tin, mặc cảm, hoặc răng mọc ngầm, có thể phải phẫu thuật”.

Nghe  đến đó, người mẹ giật mình: “Lâu nay, em tưởng răng sữa hư là bình thường, vì cháu còn thay răng, đâu ngờ bị ảnh hưởng nhiều vậy, có cách nào giữ răng cho cháu không BS?”. 

Thực tế, có rất nhiều người quan niệm, răng sữa hư, sâu cũng không sao, vì khi răng sữa rụng, sẽ có răng mới mọc thế vào. Vì vậy, ngay cả khi con bị sâu răng, hàm răng chỉ còn trơ chân răng, phụ huynh vẫn cho con bú sữa đêm, ăn kẹo vô tư và không vệ sinh răng sạch sẽ.

Theo BS Phương, hầu hết trẻ bị sâu răng là do bú đêm. Có nhiều bà mẹ cho con bú đêm ba-bốn lần dù bé đã hơn một tuổi, đã có khả năng no bụng trong bữa ăn ngày và ngủ xuyên đêm, không cần phải bú thêm. Bên cạnh đó, trẻ bú bình nhiều còn khiến hàm ếch bị kéo vào trong nên sau này có nguy cơ bị móm.

Can thiep som de  tranh rang moc lech, moc ngam
Bé Nguyễn Minh K. bị mất răng vĩnh viễn khi mới 7 tuổi

Tiêu xương hàm, lệch khớp cắn do mất răng sớm

Trước khi nhổ răng cho cậu bé Nguyễn Minh K. (7 tuổi, ở Q.8, TP.HCM), BS Mai Phương cứ tặc lưỡi: “Tiếc quá, bé bị sâu răng nhiều quá, lại thêm bị nhiễm trùng và hoại tử tủy, không thể  giữ răng được”.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị mất răng vĩnh viễn sớm sau khi vừa thay răng. Khi mất một chiếc răng vĩnh viễn, trẻ phải chấp nhận bị tiêu xương hàm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ vùng mặt và rất khó làm răng giả sau này.

Ngoài sâu răng, chấn thương do té ngã là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị tổn thương răng. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, thích chạy nhảy, đùa giỡn nên thường bị té ngã.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh khi thấy con bị té, răng lung lay hoặc mẻ, gãy một phần thân răng, vẫn nghĩ răng trẻ con sẽ mau lành hoặc không sao nên không cho con đi khám, điều trị sớm.

Trong khi đó, tuy ổ răng của trẻ em mềm, hệ thống dây chằng quanh răng lỏng lẻo hơn người lớn nên răng khó gãy khi va chạm, nhưng không gãy không có nghĩa là trẻ không bị tổn thương. 

BS Mai Phương cho biết, khoa Răng trẻ em tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ trong độ tuổi từ 6-9 bị chấn thương răng vĩnh viễn khi mới mọc, nhất là răng cửa giữa hàm trên.

Những dấu hiệu cho thấy răng trẻ bị chấn thương là: răng lung lay, di lệch sang bên, lún vào bên trong xương ổ răng hoặc rời ra, mẻ răng, gãy thân răng, gãy chân răng hoặc cả thân và chân răng.

Dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn thì những chấn thương này cũng dễ gây xung huyết tủy răng, chảy máu tủy răng, vôi hóa tủy, hoại tử tủy răng, tiêu chân răng hoặc ảnh hưởng trên mầm răng như: tách đôi chân răng, ngừng hình thành chân răng, rối loạn mọc răng…  

Với trẻ từ 6-9 tuổi, việc mất răng vĩnh viễn sớm có thể ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ suốt đời, vì răng vĩnh viễn chưa đóng chóp (chưa hình thành chân răng hoàn chỉnh), nên nếu nhổ răng sớm sẽ làm tiêu xương hàm, sau này dù có chỉnh răng hay trồng răng giả cũng sẽ rất khó khăn.

Chưa kể, khi mất răng vĩnh viễn sớm, nhất là răng số 6 (răng hàm bên trong), nó sẽ làm xô lệch các răng còn lại, làm lệch khớp cắn nên ngoài chức năng thẩm mỹ, còn ảnh hưởng đến chức năng nhai.

Do đó,  phụ huynh cần hướng dẫn, nhắc nhở con trẻ chải răng thường xuyên (sau bữa ăn, hoặc ít nhất là vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ); hạn chế cho trẻ uống sữa đêm và phải súc miệng, chải răng ngay sau khi ăn đồ ngọt. Đặc biệt, cần giám sát, nhắc nhở trẻ không được xô đẩy nhau khi đi trên cầu thang, không chạy nhảy từ trên bàn ghế xuống vì có thể bị va đập, té ngã làm tổn thương răng.

Xử trí khi trẻ bị chấn thương răng
- Cầm máu cho trẻ bằng một miếng gạc sạch, ép sát vào vùng răng bị chấn thương hoặc cho trẻ tự tay cầm miếng gạc; vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch. 
- Đưa trẻ đến BV hay phòng khám răng-hàm-mặt gần nhất.
- Nếu răng vĩnh viễn bị gãy, phải tìm chiếc răng, ngâm vào sữa tươi không đường hoặc cho răng vào túi ni lông cột lại rồi ngâm vào nước đá, đến các BV chuyên khoa về răng-hàm-mặt trong thời gian sớm nhất (6-24 giờ) để gắn lại răng.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI