Bé trai bị thang cuốn kẹp đối diện với nhiều khó khăn

07/04/2017 - 15:23

PNO - Chỉ vì người lớn bất cẩn, bé trai 17 tháng bị thang cuốn kẹp dập nát bàn tay ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đối diện với nhiều khó khăn phía trước, khi cổ tay bị cắt đứt gần hết 75%.

Theo dõi bàn tay dập nát trong 10 ngày tiếp

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận nhiều ca bị dập nát, đứt chi do thang cuốn nhưng hầu hết là người lớn. Riêng trẻ nhỏ thì bé 17 tháng tuổi bị cứa gần đứt cổ tay phải vào chiều ngày 6/4 là ca đầu tiên.

Tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết bé V. N. T. P (17 tháng tuổi, sống tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị thang cuốn ở sân bay Tân Sơn Nhất làm dập nát bàn tay trong lúc chờ người thân làm thủ tục là trường hợp đầu tiên bị thương nặng.

Bé bị dập nát cổ tay và bàn tay phải. Cổ tay bị cắt đứt gần đến 75%, dập cả mặt trước lẫn mặt sau bàn tay. “Bàn tay có bao nhiêu cấu trúc thì dập hết bấy nhiêu. Đây là tổn thương dập nặng, có khả năng hư tay rất cao. Nếu như nối lại đã khó thì việc làm sao cho hồi sinh lại càng khó hơn. Vì bị đứt đoạn thì phần cơ ít bị hư còn đây là bị dập nặng”.

Be trai bi thang cuon kep doi dien voi nhieu kho khan
Cháu bé 17 tháng tuổi bị thang cuốn kẹp gần đứt cổ tay

Chính vì thế, tuy các bác sĩ đã thực hiện vi phẫu nối lại bàn tay cho cháu P. nhưng cháu sẽ vẫn được theo dõi hết sức chặt chẽ trong vòng 10 ngày. Sau khi bàn tay có dấu hiệu hồi sinh thì mới có thể khẳng định ca vi phẫu thành công.

Khi bàn tay có sự sống thì cháu bé phải tiếp tục theo dõi sự hồi phục của gân và xương. Nếu ổn thì sẽ phải tập vật lý trị liệu.

Người nhà cháu bé cho biết trong khi chờ lên máy bay thì cháu bé chạy loanh quanh đến thang cuốn và bị té. Thang cuốn vẫn tiếp tục hoạt động và cuốn tay cháu bé vào bên trong.

Đến bệnh viện sớm trong 6 giờ

Các chuyên gia vi phẫu cho biết hoại tử cơ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các ca vi phẫu trở nên thất bại. Sau khi phẫu thuật, nếu sờ thấy tay chân lạnh hoặc sưng tấy kèm theo sốt thì phải thực hiện xét nghiệm máu.

Nếu xảy ra tình trạng hoại tử cơ. Khi đó phải nhanh chóng thực hiện cắt lọc các cơ hoại tử, cho dùng kháng sinh liều mạnh. Đồng thời nếu khống chế được tình trạng nhiễm trùng máu thì bệnh nhân sẽ ổn định. Trong trường hợp xấu hơn thì buộc phải đoạn chi.

Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình khuyến cáo đối với những trường hợp đứt chi thì phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện tuyến trên nhanh nhất có thể. Vì thời gian vàng để nối lại mạch máu là 6 giờ đồng hồ.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết với các trường hợp đứt chi thì thời gian vàng để có thể nối lại mạch máu cho phần bị đứt lìa là trong vòng 6 giờ đồng hồ.

Đây là thời gian vàng tốt nhất cho sự hồi phục của bệnh nhân. Nếu bị đứt lìa ở phần có nhiều cơ như ở cánh tay thì khả năng hoại tử cơ rất cao và nhanh chóng. Còn ở phần ít cơ hơn như các đầu ngón tay, ngón chân thì thời gian hoại tử cơ chậm hơn.

Be trai bi thang cuon kep doi dien voi nhieu kho khan
 

Đối với trường hợp chi bị đứt lìa ra hẳn khỏi cơ thể thì ai cũng biết là phải bảo quản phần đứt lìa bằng nước đá. Nhưng “tuyệt đối không để trực tiếp phần đứt lìa vào đá lạnh”. Đối với trường hợp bị gãy xương tay, xương chân thì khuyến cáo cần nhớ là “Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong”.

Khi đó việc xử lý theo 2 bước: vừa phải bảo quản phần đứt lìa trong đá lạnh vừa thực hiện cố định xương.

Ngoài ra, sau khi được bó bột thì bệnh nhân phải cực kỳ chú ý các dấu hiệu bị chèn ép bột có thể dẫn đến nguy cơ hoại tử có thể phải đoạn chi. Các dấu hiệu bị chèn ép bột bệnh nhân phải đến bệnh viện để được cấp cứu ngay:

  • Rất đau sau khi bó bột
  • Bàn tay, bàn chân, ngón chân hoặc ngón tay sưng nề
  • Các ngón tay, ngón chân nhợt nhạt so với các ngón tay ngón chân còn lại; các ngón tay, ngón chân tím, sờ lạnh, không cử động được
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI