Bé gái 2 tuổi bị mảnh chén cắm sâu vào cổ khi đang tập ăn

04/01/2018 - 18:56

PNO - Đang bưng chén cơm ăn tối, bé gái 2 tuổi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM vấp té. Chén cơm vỡ tan tành, mảnh vỡ cắm sâu vào cổ.

Bữa ăn tối ngày 3/1 của bé gái N.T.T. (2 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã trở thành bữa cơm hoảng loạn của gia đình. Khi đang bưng chén cơm và đi qua đi lại, bé T. bị vấp té.

Chén cơm vỡ toang, mảnh sành văng tung tóe. Bé T. ngã xuống, bị mảnh sành đâm sâu vào cổ. Trong cơn hốt hoảng, người nhà rút mảnh sành ra, lấy khăn quấn lại và đưa đi cấp cứu ngay trong tối 3/1.

Be gai 2 tuoi bi manh chen cam sau vao co khi dang tap an
Phẫu thuật cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết bệnh nhi N.T.T. nhập viện vào khoảng 20 giờ ngày 3/1 trong tình trạng ngừng tim ngừng thở.

Bé mất rất nhiều máu, chiếc khăn quấn cổ ướt đầm đìa. Mảnh chén vỡ đâm sâu ở chân cổ bên phải làm đứt nhiều mạch máu và dây thần kinh. Phần thương tổn kéo dài khoảng 3 cm.

Vừa vào viện, bệnh nhi lập tức được truyền dịch, truyền máu và 15 phút sau đó đưa thẳng vào phòng mổ. Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã được nhiều bệnh viện hỗ trợ. Ca mổ kéo dài 5 giờ đồng hồ diễn ra trong sự căng thẳng tột độ. Sau khi cầm máu, các bác sĩ nối lại các mạch máu và 3 dây thần kinh C5, C6, C7 bị đứt rời bén ngọt.

Cuối cùng, các bác sĩ đã giữ lại được sự sống cho cháu bé. Kim đồng hồ lúc này đã chỉ con số 2 giờ sáng của ngày 4/1. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Bệnh viện Nhi đồng thành phố chia sẻ: “Đây là ca cấp cứu kinh hoàng nhất trong hơn 15 năm làm nghề. May mắn em bé đã sống. Cảm thấy vô cùng may mắn được sát cánh với các bạn đồng nghiệp tài năng và tận tuỵ”.

Hiện tại cháu bé vẫn còn hôn mê, thở máy. Tuy giữ được mạng sống nhưng cháu bé phải đối diện với khả năng tổn thương não do ngưng tim, ngưng thở kéo dài.

Be gai 2 tuoi bi manh chen cam sau vao co khi dang tap an
Một trường hợp cấp cứu tại BV Nhi đồng thành phố

Chỉ mất khoảng 15 phút từ nhà đến bệnh viện nhưng bé đã rơi vào tình trạng ngưng tim ngưng thở, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nếu thấy mảnh chén đâm vào cổ thì không rút ra.

Điều này đã khiến máu tràn ra ngoài không gì cầm lại được. Cách xử lý đúng nhất là để nguyên mảnh chén ở cổ, tìm cách cố định cổ và đầu cháu bé và đưa đến bệnh viện gần nhất. Có thể hạn chế máu chảy ở vết thương bằng cách dùng gạc đắp xung quanh, băng quanh cổ. Lưu ý, dùng nẹp để bên trong lớp băng để tránh trường hợp em bé bị ngạt thở do bị băng bó quanh cổ.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI