Bé gái 11 tuổi bị kính cắt nát mặt do mệt mỏi 'ngày đèn đỏ'

14/09/2017 - 11:32

PNO - “Vừa mở băng gạc trên mặt bé ra, tôi phát hoảng. Khuôn mặt bé be bét máu, phải mất vài phút mới định thần lại được”, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM kể lại.

Bác sĩ cũng phát hoảng

Đang ngồi trực tại khoa, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, rùng mình khi tiếp nhận bé gái tên T. (11 tuổi, nhà ở huyện Củ Chi, TP.HCM) được chuyển đến trong tình trạng hơi choáng, băng gạc băng kín mặt, chỉ chừa đôi mắt.

Nhìn lớp băng gạc thấm đầy máu khô lẫn máu ướt, với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Hằng linh cảm ca bệnh mình tiếp nhận không nhẹ. Đã dự định được tình hình nhưng bác sĩ Hằng cũng giật mình khi tháo băng gạc để kiểm tra cho bé.

Be gai 11 tuoi bi kinh cat nat mat do met moi 'ngay den do'
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng tiếp nhận và xử lý vết thương cho bé T.


“Bao nhiêu năm làm nghề, gặp rất nhiều trẻ bị tai nạn liên quan đến kính, thủy tinh, nhưng chưa bao giờ tôi thấy vết thương chằng chịt và sâu đến như vậy. Tổn thương nặng đến nỗi, chạm vào là máu bắn ra”, bác sĩ Hằng nhớ lại.

Sau khi làm vệ sinh vết thương, cầm máu, bác sĩ Hằng kiểm tra cho bé T., má phải bé bị cắt chằng chịt, thủng sâu lộ hàm nhai, cằm, môi trên bị cắt gần như đứt lìa, bên trong miệng rách toạc, nhiều vết thương trầm trọng. Nặng nhất ở phần môi trên, kính cắt sâu đến xương trục trụ mũi.

Bé T. không thể ăn uống, không nói chuyện được, thử cố gắng cử động miệng, máu lại bắn ra xối xả. Bắt buộc các bác sĩ phải phẫu thuật để xử lý vết thương.

Bác sĩ Hằng cho biết: “Sau gần 3 giờ phẫu thuật, ngoài việc cắt bỏ phần da, cơ bị cắt nát, chúng tôi lấy ra khoảng 10 mảnh vụn kính cắm sâu vào phần bên trong miệng bệnh nhân.

Kính nhiều gốc cạch, sắt nhọn đến nỗi mỗi lần lấy ra, máu bắn cả vào người nhân viên phẫu thuật. Ngoài ra, ekip phải mất đến 5 mét chỉ mới đủ để khâu các vết rách.

May mắn sau phẫu thuật, bé phục hồi tốt, hôm nay sẽ quay trở lại cắt chỉ và nghe hướng dẫn cách ăn uống tránh gây tổn thương hậu phẫu”.

Be gai 11 tuoi bi kinh cat nat mat do met moi 'ngay den do'
Mất 3 giờ, tốn đến hơn 5 mét chỉ mới có thể khâu hết được vết thương của bệnh nhi


Tuy ca phẫu thuật thành công nhưng bác sĩ Hằng lo ngại vết thương do thủy tinh sắt nhọn gây ra thường có nhiều biến chứng. Sau khi lành bệnh, gương mặt bé T. có thể bị sẹo, chưa kể đến sẹo co kéo lệch miệng, mắt. Nếu vết thương co kéo, T. phải được phẫu thuật nhiều lần để xử lý.

Khi tiếp xúc gia đình để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tai nạn; tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho được biết, ngày 7/9 vừa qua, bé T. vẫn đi học như thường lệ. Tuy nhiên, hôm đó bé đến ngày có kinh nguyệt nên mệt mỏi, mất sức. Khi đang đi vào lớp, T. choáng váng va vào cửa kính, vì cửa quá mỏng nên vỡ ra, cắt nát mặt bé.

Nhiều tai nạn thương tâm khi ở học đường

Bác sĩ Đẩu cho biết: “Vết thương do thủy tinh gây ra đến bây giờ vẫn là thử thách lớn đối với các bác sĩ, có những trường hợp chúng tôi phải phẫu thuật nhiều lần để loại bỏ chúng.

Một khi thủy tinh bể nát ghim vào cơ, thịt nạn nhân sẽ rất khó để tìm gắp hết những mảnh vỡ này, có những mảnh rất nhỏ, ghim sâu vào mạch máu, cơ thịt rất khó để phát hiện”.

Về tai nạn học đường, bác sĩ Đẩu cho rằng năm học mới chỉ bắt đầu khoảng hơn 1 tuần nhưng có rất nhiều trẻ nhập viện vì tai nạn ở trường, khiến niềm vui được đi học trở thành nỗi đau của gia đình, nỗi ray rứt của thầy cô, bạn bè.

Be gai 11 tuoi bi kinh cat nat mat do met moi 'ngay den do'
Tuy ca phẫu thuật thành công, nhưng những biến chứng sẹo sau này có thể khiến T. tự ti mặc cảm


Theo bác sĩ Đẩu, trẻ con vốn hiếu động, thích chạy nhảy. Sau thời gian dài nghỉ hè ở nhà, chúng đến trường gặp lại bè bạn càng thích vui đùa, rượt đuổi,… những tai nạn nhưng ngã cầu thang, gãy tay, chân thường xuyên xảy ra. Trong đó không ít trẻ gặp tai nạn nặng, hậu quả rất đau lòng.

Đặc biệt, những bé gái trong độ tuổi dậy thì, phụ huynh cần bổ sung dưỡng chất cho bé, vì trong những ngày xuất hiện kinh nguyệt, sức khỏe bé sẽ giảm sút nhiều.

Be gai 11 tuoi bi kinh cat nat mat do met moi 'ngay den do'
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, có những tai nạn không đáng có ở trẻ em nhưng hậu quả về lâu dài rất thương tâm


“Trong những ngày bé gái có kinh nguyệt, ba mẹ nên nhắc nhở con mình ăn sáng đúng giờ, nghỉ ngơi đúng cách, không vận động quá sức. Tránh để bé mệt mỏi, mất sức, choáng váng rồi té ngã rồi bị những tai nạn đáng tiếc như trường hợp bệnh nhi T.. Hậu quả mà bé T. gánh chịu sau này rất nặng nề, nhất là mặc cảm về thẩm mỹ gương mặt. 

Như những ngày đầu vào viện, ngoài sợ chết, bé liên tục mượn điện thoại của mẹ để nhắn với bác sĩ với nội dung con nhờ bác sĩ cố gắng trị bệnh cho con, đau đến mấy con cũng chịu được vì sợ mặt mang sẹo chằng chịt”, bác sĩ Đẩu khuyến cáo.

Ngoài ra, ở những trường học cần lưu ý khi lắp đặt kính ở hành lang, cửa lớp, cửa sổ. Nếu có thể hãy thay kính thủy tinh bằng mi ca hoặc kính cường lực, kính kim cương,… nhằm hạn chế những tai nạn nguy hiểm trên cho học sinh. Từ đó, trẻ sẽ không phải gián đoạn việc học, không mặc cảm vì những tai nạn thương tâm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI