Báo tin dữ cho bệnh nhân, kỹ năng bác sĩ cần phải có

19/02/2017 - 22:00

PNO - Nhiều người bệnh nghe báo mình mắc bệnh hiểm nghèo đã sốc nặng, không chấp nhận sự thật, thậm chí bất hợp tác, từ chối điều trị, đánh mất cơ hội sống mong manh. Một phần là lỗi do bác sĩ thiếu kỹ năng tư vấn.

Nhiều người bệnh nghe báo mình mắc bệnh hiểm nghèo đã sốc nặng, không chấp nhận sự thật, thậm chí bất hợp tác, từ chối điều trị, đánh mất cơ hội sống mong manh. Một phần là lỗi do bác sĩ thiếu kỹ năng tư vấn.

Bài học xương máu

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, đã có nhiều trải nghiệm xót xa trong việc hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Từ những thất bại, bác sĩ Trang và các đồng nghiệp tại khoa đã rút ra bài học xương máu: không chỉ cho các chuyên viên tâm lý mà cả bác sĩ điều trị cũng cần được tập huấn, trang bị kỹ năng thông báo tin dữ cho thân nhân và bệnh nhân hiểm nghèo.

Bên cạnh đó, để người bệnh hợp tác, không buông bỏ cơ hội điều trị, giảm bớt tâm trạng tuyệt vọng, cả ê-kíp bác sĩ phải thiết lập được một liên minh trị liệu.

Trị liệu tâm lý cho bệnh nhân không hề đơn giản, bác sĩ tâm lý không thể làm nổi, mà đòi hỏi sự phối hợp từ cả ê-kíp. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng bác sĩ Trang mãi vẫn không quên về trường hợp một cô bé 12 tuổi, quê Cà Mau, gia đình làm mướn.

“Còn nhớ hôm đó Khoa Chấn thương chỉnh hình gọi điện, yêu cầu tôi hỗ trợ điều trị tâm lý cho một bệnh nhân bị u khớp gối. Lúc gặp cháu bé, ấn tượng lớn nhất của tôi là đầu gối bé đang sưng to”, bác sĩ Trang nhớ lại.

Tìm hiểu bệnh án, bác sĩ Trang biết khớp gối bệnh nhi có khối u, xác định là ung thư xương, chưa di căn. Bác sĩ điều trị chỉ định phải cưa chân để giữ tính mạng cho bé nhưng gia đình không chấp nhận, nằng nặc xin về.

Bao tin du cho benh nhan, ky nang bac si can phai co
 

“Tôi tìm cách giúp gia đình cháu bé chịu tiếp nhận thông tin về bệnh trạng của con mình. Hôm đó là thứ Sáu, tôi lấy giấy vẽ hình khớp gối, chỉ cho bố mẹ cháu xem phần xương có khối u. Tôi giải thích, đây là phần xương xấu, nếu không xử lý ngay sẽ lan lên cả phía trên. Nhìn vào mắt phụ huynh bệnh nhân, tôi thấy họ thật sự ngỡ ngàng. Đến lúc đó họ mới hiểu rõ tình trạng con mình và đồng ý phẫu thuật đoạn chi”.

Thật ra, chuyện không dễ dàng như thế. Bác sĩ Trang vừa đi, Khoa Chấn thương chỉnh hình lại gọi thì biết cha mẹ bé đã đổi ý, vì ông ngoại bé ở quê phản đối việc cưa chân. “Tôi tiếp tục thuyết phục, khuyên họ khoan quyết định, để chờ đến thứ Hai, suy nghĩ cho kỹ rồi tính. Thứ Hai tôi quay lại thì gia đình đã đưa cháu bé xuất viện. Vậy là cháu bé không còn cơ hội được điều trị nữa. Đến giờ tôi còn thấy đáng tiếc về chuyện này”, BS Trang rầu rĩ.

Những đại kỵ

Đó là một trường hợp hỗ trợ tâm lý thất bại, các bác sĩ phải rút kinh nghiệm. Bác sĩ Trang lại nhớ đến một ca sơ sinh vì sinh non nên bị tử vong. Vấn đề không phải ở em bé đã tử vong mà ở người mẹ.

Người mẹ bị sốc rất nặng, cứ đòi nhảy lầu tự tử. Lần này, khi thông báo tin dữ cho gia đình còn có các bác sĩ trưởng khoa, phó khoa và bác sĩ tâm lý. Thân nhân BN xấu số được mời vào phòng (không thông báo qua điện thoại hoặc ở nơi đông người).

Với một lượng thân nhân đông đảo gồm ông, bà, cha, mẹ…, một bác sĩ không thể đảm đương nổi, phải cần đến 3 bác sĩ để quan sát và lắng nghe trọn vẹn những gì họ nói. Các bác sĩ đã thận trọng gợi mở để gia đình tự nhận định về bệnh trạng của con em mình, làm bước đệm cho những thông tin BS sắp cho biết.

Lỗi lớn mà các bác sĩ và nhân viên y tế thường gặp khi cố gắng an ủi bệnh nhân là những câu đại loại như: “Chị đừng khóc nữa, chị nín đi”, “không sao đâu, mất đứa con này rồi mình còn đứa con khác”, “mọi chuyện sẽ qua, chị sẽ vượt qua được mà”...

Bác sĩ Trang cho rằng: “Đó là những câu đại kỵ trong thời điểm bệnh nhân và thân nhân đang sốc. Nỗi đau của họ quá lớn, đâu thể xem như không có gì”. Trường hợp của người mẹ vừa mất đứa con, thay vì an ủi bằng lời, bác sĩ bước vào phòng, cố giữ yên lặng, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh người mẹ đang rũ người dưới sàn nhà, khăn giấy cầm sẵn trên tay.

Có người ngồi cạnh, đôi khi không cần phải nói gì cả cũng giúp người trong cuộc vơi bớt nỗi đau, hiệu quả gấp nhiều lần những lời chia sẻ không hợp cảnh.

Từ năm 2005, bác sĩ Quỳnh Trang và Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã xây dựng quy trình về Kỹ năng thông báo bệnh nặng cho các bác sĩ trong bệnh viện. Cuối năm 2016, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là một trong những bệnh viện đầu tiên đưa quy trình này ứng dụng một cách bài bản.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI