Không gian thể dục cho người Sài Gòn

14/07/2017 - 08:30

PNO - Trước câu hỏi chất lượng sống của người Sài Gòn hôm nay ra sao, câu trả lời rất có thể là: đời sống vật chất của một bộ phận được cải thiện, nhưng chất lượng sống nói chung lại đang ngày xuống thấp.

Một phụ nữ Việt kiều trung niên tâm tình với người thân: “Trước đây, tôi chỉ mong khi nghỉ hưu sẽ về Việt Nam sống mỗi năm ít tháng, nếu được thì ở luôn; nhưng lần này về thấy tệ quá”.

Khong gian the duc cho nguoi Sai Gon
Một môi trường trong lành, một không gian tập thể dục cũng phản ánh chất lượng sống của cư dân đô thị

Sài Gòn và nhiều tỉnh phụ cận giờ đây ngập trong ô nhiễm: không khí, tiếng ồn, thực phẩm… mà nếu kể đến chi tiết thì có đến cả 1.001 thứ đều ở mức độ báo động. Giữa đô thị quay cuồng này, nếu có trên 500.000 USD, bạn sẽ được khuyên qua khu Phú Mỹ Hưng hoặc Thảo Điền mà sống. Ở đó còn có chút không khí sạch. Người bình dân thì chịu khó dậy sớm, tìm đến một khoảng trống nào đó, kết hợp đi bộ thể dục và hít thở miễn phí chút không khí trong lành buổi bình minh.

Dân trung lưu công chức ngày trước ở khu cư xá Lê Đại Hành, Lữ Gia hẳn còn nhớ cảnh chiều chiều vô trường đua ngựa tập thể dục, đánh vũ cầu. Trẻ con khu nhà thờ Thăng Long, chung cư Nguyễn Văn Thoại thì thường chia sân đá banh, thả diều ven sân trường đua Phú Thọ.

Ngày nay, khu trại gia binh cũ trên đường Tô Hiến Thành và khu nhà lụp xụp trên đường Lê Đại hành không còn nữa, thay bằng những khu chung cư và căn hộ cao cấp. Nhưng với dân ở khu vực này, hễ còn sân đua ngựa là họ còn khoảng trống quanh năm lộng gió để mà hít thở. Một ông già tập thể dục nói: “Mấy chục năm tôi sống cạnh trường đua. Bây giờ không còn đua ngựa nữa, nhưng nhờ đó mà còn cái sân trống để hít thở”.

Góc thể dục đi bộ đông nhất khu vực trường đua là sân nhà thi đấu Phú Thọ - nơi được xây dựng để phục vụ kỳ SEAGames lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam. Nhà thi đấu trị giá hàng nghìn tỷ đồng chỉ đấu mỗi môn Taekwondo rồi để đó, lâu lâu tổ chức thi đấu vài môn thể thao và làm hội chợ tả-pín-lù.

Khong gian the duc cho nguoi Sai Gon
 

Xét về hiệu quả, công trình ngàn tỷ này phục vụ cho bà con đi bộ tập thể dục là tốt nhất. Mỗi ngày, từ 4 - 5 giờ sáng, bà con quanh vùng kéo vào sân đông vui như đi hội. Phụ nữ mở loa tập thể dục nhịp điệu; ông bà già tập khí công, Thái cực quyền; nhưng đa phần người đến sân là để đi bộ.

Trở lại chuyện trường đua. Một nhạc sĩ trước đây sống ở đường Nguyễn Kim đùa: “Hồi nhỏ, tôi ngày nào cũng vô sân riết quen mùi phân ngựa với cỏ khô. Nay dọn đi xa, lại thấy nhớ như nhớ mùi bồ nhí”. Còn hai ông chủ doanh nghiệp nhà nước bụng phệ, sáng nào cũng vô trường đua đi bộ rề rề.

Họ đi chừng một vòng sân nhà thi đấu rồi đứng lại thở dốc, ngó mông lung qua hàng rào trường đua. Có người xì xầm, kể thuở mới vô, các ông chỉ có cái xe đạp - đạp quanh năm nên giò cẳng khỏe re. Nay chỉ chạy vài vòng sân đã muốn đứt hơi, chắc vì… bụng bự.

Đáng nể nhất trong những người tập thể dục ở đây là một cậu bé bị dị tật chân phải, đi đứng bất tiện. Nhưng ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, cậu vẫn ở trần, áo quấn ngang lưng, bước thấp bước cao đi đủ 10 vòng sân (mỗi vòng khoảng 1km) rồi mới chịu về.

Khong gian the duc cho nguoi Sai Gon
 

Người Sài Gòn ngày nay hầu như mất hẳn thói quen đi bộ. Không phải làm biếng mà vì lề đường không có; trên đường thì xe cộ ào ào, khói bụi mù mịt, sơ sẩy là gặp tai nạn. Thế nên nếu ngày nay có ai nổi hứng bỏ xe máy để đi bộ, người ấy có thể bị xem là lập dị.

Trong những cái dở đi của người Sài Gòn lúc này đã thêm chuyện ngại đi bộ, hoặc có đi thì một chút là mệt. Bà con Việt kiều về rủ người nhà đi dạo mát đều chê cái nết xấu này, có khi chê thậm tệ nhưng đúng.

Một đô thị hơn mười triệu dân - một siêu đô thị (mega city) mà những nơi để người dân yên tâm đi bộ lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay; trong khi những chốn ăn chơi, nơi giành giật mua bán thì đầy. Đó là điều ta phải suy nghĩ về chất lượng sống của người dân thay vì những báo cáo về tăng trưởng kinh tế hay tỷ lệ học sinh tốt nghiệp.

Muốn biết người Sài Gòn đang sống ra sao, hãy hòa vào dòng người đi bộ mỗi sáng để biết họ đang cố gắng ra sao trong việc giành lại cho mình những khoảng không trong lành nhỏ xíu đến tội nghiệp. Từ những con hẻm lưa thưa cây cảnh đến những con đường hiếm hoi lắm mới có một khoảng cỏ, một bụi hoa, người ta đang phải cố chen nhau mà sống trong một môi trường chưa biết bao giờ mới tốt hơn hôm nay.

Có người lý luận rằng đó là cái giá phải trả cho một đô thị đang phát triển. Nhưng phát triển đô thị đâu có nghĩa là phải đánh đổi bằng không gian sống, sức khỏe của người dân. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI