TP.HCM: Đất sử dụng gần 50 năm vẫn bị thu hồi đất... vô chủ

20/01/2018 - 09:12

PNO - Đất do người dân bỏ tiền ra mua, đã sử dụng qua nhiều thế hệ nhưng chẳng hiểu sao lại bị chính quyền địa phương đưa vào diện đất chiếm dụng, vô chủ để thu hồi không đền bù.

Vụ việc xảy ra tại P. Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM (trước đây là xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức) khiến người dân đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản.

Thu hồi hơn 3.600m2, đền bù... 0 đồng

Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ, ông Châu Tuấn Quốc (số 15, đường số 6, khu phố 1, P. Hiệp Phú, Q.9) phản ánh, cách nay gần 50 năm, cha mẹ ông là ông Châu Văn Nguyên và bà Lê Thị Kim Vân có mua đấu giá 2.994m2 đất từ một cơ quan nhà nước và 4.200m2 đất của một cá nhân ở P. Hiệp Phú; trên đất có một căn nhà bằng tôn, diện tích 36m2. Việc mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương.

Năm 1980, chính quyền địa phương có nhu cầu mở rộng sân vận động gần đó nên thu hồi 586m2 đất của gia đình ông, có bồi thường thỏa đáng. Phần diện tích còn lại là 3.614m2 gia đình ông tiếp tục sử dụng trồng hoa màu và đóng thuế đất đầy đủ. Trong thời gian này, mỗi khi gia đình ông có nhu cầu sửa chữa nhà đều xin phép và được chính quyền địa phương cấp phép. 

TP.HCM: Dat su dung gan 50 nam van bi thu hoi dat... vo chu
Phần đất có diện tích hơn 3.600 m2 của gia đình ông Châu Tuấn Quốc đang được UBND Q.9 dự kiến thu hồi giá... 0 đồng để làm trụ sở UBND quận.

Thế nhưng, năm 1988, bất ngờ UBND huyện Thủ Đức (nay là Q.9) ra quyết định tháo dỡ căn nhà của ông với lý do xây dựng trái phép. UBND huyện còn cho rằng đất gia đình ông đang sử dụng là lấn chiếm trái phép, đòi thu hồi. Gia đình ông đã gửi đơn khiếu nại nhưng bị chính quyền địa phương bác bỏ.

Năm 1997, vụ việc được chuyển lên UBND TP.HCM, gia đình ông mới được giải quyết cho tiếp tục sử dụng đất. Đến năm 2013, bất ngờ UBND Q.9 ban hành quyết định 239 đòi thu hồi toàn bộ đất của gia đình ông, giao cho UBND P. Hiệp Phú quản lý, với lý do đất chiếm dụng.

Gia đình ông lại tiếp tục khiếu nại nhiều lần nhưng đều bị UBND Q.9 bác bỏ. Bức xúc ông khởi kiện đến TAND Q.9, UBND Q.9 mới thu hồi và hủy bỏ quyết định trên. 

Cứ tưởng chuyện đã yên, không ngờ 3 năm sau, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.9 lại lập kế hoạch thu hồi đất của gia đình ông để xây trụ sở hành chính Q.9 nhưng không bồi thường đồng nào, cũng với lý do đó là... đất công, đất chiếm dụng.

Gia đình ông lại nhiều lần tiếp tục khiếu nại UBND Q.9 nhưng lần nào cũng bị bác đơn. Đơn khiếu nại gia đình ông gửi lên UBND TP.HCM cũng không được giải quyết thỏa đáng. Sự việc kéo dài một thời gian, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải vào cuộc, xác định đây không phải là đất công, đất chiếm dụng; nhưng đến tận lúc này UBND Q.9 vẫn chưa chịu giải quyết cho ông.

Dân khổ vì chính quyền quản lý “cà giựt” 

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ông Quốc có cơ sở hợp pháp khi xác định của gia đình mình có nguồn gốc rõ ràng. Mảnh đất này trước đây do vợ chồng ông Nguyên (cha mẹ ông Tuấn) mua lại của bà Vũ Thị Sâm (cùng xã) thông qua hình thức bán đấu giá do tòa án phát mãi năm 1970, vì bà Sâm nợ nần không trả nổi. Việc mua bán có xác nhận của chính quyền xã Tăng Nhơn Phú. Mỗi khi gia đình sửa chữa nhà đều được Phòng Xây dựng huyện Thủ Đức trước đây cấp phép. Trong suốt quá trình sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đều đặn thu thuế đất. 

Thế nhưng, năm 1996, khi người dân khiếu nại, UBND TP.HCM từng có văn bản cho rằng, phần đất gia đình ông đang sử dụng có nguồn gốc là đất công, gia đình ông mua lại bằng giấy tay, có xác nhận của UBND xã Tăng Nhơn Phú, Q. Thủ Đức. Tiếp sau đó, UBND TP.HCM đưa ra lý do gia đình ông sử dụng đất nhưng không đăng ký theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ nên phần đất trên thuộc diện Nhà nước quản lý. 

Gia đình ông Tuấn tiếp tục khiếu nại, năm 1998 UBND TP lại ban hành văn bản cho phép gia đình ông tiếp tục sử dụng phần đất này, phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và đề nghị khi quy hoạch, sử dụng phần đất này cho mục đích công ích phải đền bù và bồi hoàn cho người đang trực tiếp quản lý sử dụng.

Chẳng hiểu thế nào mà khi người dân tiếp tục khiếu nại, UBND Q.9 và UBND TP.HCM lại quay ngược lại cho đây là đất công, đất chiếm nên gia đình ông Tuấn không được đền bù.

Năm 2016, Tổng cục Đất đai đã phải đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguồn gốc đất. Trong văn bản trả lời Tổng cục Đất đai, UBND TP.HCM thừa nhận, đất này do người dân mua phát mãi của tòa án năm 1970, việc mua bán có xác nhận của chính quyền xã Tăng Nhơn Phú. Nhưng, UBND TP lại nêu lý do hiện giấy tờ mua bán không có bản chính và không có đăng bộ tại Ty Điền địa trước đây, nên theo quy định đây là... đất công. 

Tháng 7/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác định việc chính quyền huyện Thủ Đức trước đây khẳng định phần đất trên là đất công do người dân chiếm dụng sử dụng là không đúng nguồn gốc đất, không đúng diễn tiến quá trình sử dụng đất và đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM khi thu hồi đất phải bồi thường cho người dân theo Luật Đất đai năm 2013.

Thế nhưng, theo ông Quốc, đến nay UBND Q.9 vẫn không chịu giải quyết bồi thường cho gia đình ông đúng quy định. Trao đổi với chúng tôi, ông Quốc cho rằng: “Việc Nhà nước quy hoạch, thu hồi đất là bình thường. Gia đình tôi sẵn sàng giao đất nhưng Nhà nước phải đền bù đàng hoàng, vì đất của chúng tôi có nguồn gốc, pháp lý đầy đủ”. 

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI