Thị trường căn hộ 'sốc' sau vụ cháy hàng loạt chung cư

04/04/2018 - 15:57

PNO - Sau vụ cháy hàng loạt chung cư gần đây như: Carina (Q.8), ParcSpring (Q.2), Gò Dầu (Q.Gò Vấp)… thị trường căn hộ chung cư đang chịu nhiều áp lực vì tâm lý lo lắng của khách hàng.

Khách hàng bất an 

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hàng loạt vụ cháy chung cư (CC) gần đây, thị trường căn hộ đang có sự tác động rất lớn do tâm lý khách hàng lo ngại nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi ở căn hộ CC.

Sau khi xảy ra vụ cháy CC Carina vài ngày, một dự án CC trên địa bàn H.Nhà Bè vẫn quyết định tổ chức lễ mở bán như dự kiến. Lượng khách hàng tham dự khá đông nhưng để “chốt” sản phẩm như mọi khi, lực lượng nhân viên kinh doanh của công ty phải làm việc vất vả hơn rất nhiều.

Theo lãnh đạo công ty, bên cạnh yếu tố pháp lý của dự án, vấn đề an toàn PCCC CC luôn được khách hàng đề cập. Phía công ty phải mang cả bản vẽ PCCC đã được cơ quan chức năng phê duyệt cho khách hàng xem thì họ mới đồng ý xuống tiền.  

Tương tự, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Q.2, Q.9, khách hàng có tâm lý thận trọng hơn khi giao dịch. Nhiều dự án trên địa bàn Q.2 cho khách hàng đăng ký giữ chỗ cách nay khoảng hai, ba tháng, nay đến giai đoạn mở bán, nhiều khách có tâm lý chần chừ không xuống tiền.

Thi truong can ho 'soc' sau vu chay hang loat chung cu
Tại lễ mở bán dự án Orchid Park (huyện Nhà Bè), đơn vị bán hàng phải trình đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, trong đó có thẩm duyệt PCCC cho khách hàng xem

Khi chủ đầu tư chứng minh dự án đã được phê duyệt PCCC thì họ mới đồng ý đặt cọc. Lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Q.2 thừa nhận: “Dù thị trường không chững lại sau các vụ cháy, nhưng các nhân viên kinh doanh hiện nay phải làm việc vất vả hơn khi chào mời khách hàng mua căn hộ”. 

Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, từ sau khi xảy ra các vụ cháy CC đến nay, hầu hết các dự án bán “lúa non” khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt PCCC đều phải “thụt” lại, không dám đưa ra thị trường như trước đây.

Bên cạnh đó, tại một số dự án, dù đã được phê duyệt hệ thống PCCC nhưng để tăng hiệu quả bán hàng, thay vì chỉ tập trung quảng cáo tiện ích dự án như trước đây thì nay được thay thế bằng “chiêu” tăng thêm... phương tiện chữa cháy.

Chẳng hạn, Hưng Thịnh Corp vừa đưa ra một số chương trình khuyến mãi cho các dự án của mình như: tặng mỗi căn hộ một bình chữa cháy mini; khách hàng nhận nhà được tặng kèm các hướng dẫn PCCC; trang bị bộ cứu hộ chuyên nghiệp như lực lượng PCCC tại các CC...

Còn Công ty cổ phần Tecco Sài Gòn thì đưa ra chương trình trang bị toàn bộ cửa ngăn khói tại cửa chính ra vào mỗi căn hộ; trang bị mỗi căn hộ một điện thoại intercom để cư dân có thể báo ngay cho lực lượng cứu hộ khi xảy ra cháy nổ; mua bảo hiểm trách nhiệm người điều hành CC với mức đền bù 200 tỷ đồng...       

Chọn nhà phố hay chung cư? 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nhà CC chiếm khoảng 8,4% nhà ở tại TP.HCM. CC phát triển mới ngày càng tăng, chiếm khoảng 24,6% nhà xây mới. So với 5 năm trước, số lượng CC trên địa bàn TP.HCM đã tăng gần 15%. Đây là nhu cầu tất yếu của quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là việc quản lý nhà CC đang rất phức tạp. Các vụ cháy CC đều liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý CC. Các quy định, quy chuẩn liên quan đến các dự án CC hiện nay đều có nhưng hầu như các chủ đầu tư đều thực hiện không đúng. Thậm chí có nhiều chủ đầu tư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở, sử dụng không đúng công năng công trình... 

Hiện toàn thành phố có 101 CC đang bị phản ánh về các vấn đề liên quan đến việc quản lý vận hành nhà CC, trong đó có vấn đề an toàn PCCC. Trong quá trình kiểm tra, hầu như lần nào cơ quan chức năng cũng phát hiện rất nhiều lỗi vi phạm về trách nhiệm của chủ đầu tư. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), bên cạnh lỗi của chủ đầu tư, việc thiếu ý thức PCCC của cư dân hiện nay cũng là điều đáng lo ngại. Nhiều nơi cư dân chỉ biết bàn giao nhà là sử dụng, ít quan tâm đến sự an toàn của mình.

Thi truong can ho 'soc' sau vu chay hang loat chung cu
Chung cư Petroland (Q.2) có cả nghìn người nhưng một buổi tập huấn tại đây số lượng cư dân tham gia rất ít
 

Trong năm 2017, TP.HCM xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, trong đó có 11 vụ cháy xảy ra tại các CC, công trình cao tầng. Số còn lại chủ yếu xảy ra ở các công trình mặt đất, trong đó, cháy nhà phố chiếm số lượng lớn nhất. 

Điều này cho thấy tỷ lệ cháy xảy ra tại các CC ở mức thấp nhất. Thực tế, hầu hết các CC đều được trang bị hệ thống cảnh báo cháy, có lực lượng kiểm tra giám sát thường xuyên... còn nhà phố không có. Như vậy, nếu được quản lý tốt, ý thức chấp hành phòng cháy của người dân tốt thì CC vẫn là giải pháp nhà ở rất phù hợp cho người dân hiện nay. 

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM.

Ngoài ra, hiện nay theo thống kê, có đến 50% nhà CC chưa thành lập ban quản trị, ban quản lý. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì khi có ban quan trị, ban quản lý thì các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước mới được thực hiện tốt. Điển hình, rất nhiều buổi tuyên truyền PCCC nhà CC do các cơ quan chức năng tổ chức nhưng hầu như người dân tham gia rất ít, thậm chí người tham gia không phải chủ hộ. Trong khi phần lớn các vụ cháy xảy ra tại các CC chủ yếu do cư dân bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn PCCC. Đơn cử vụ cháy tại CC ParcSpring (Q.2) vào ngày 1/4 do chủ nhà cắm sạc dự phòng lâu ngày không rút ra.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC TP.HCM - khẳng định: “Trong các khâu kiểm duyệt thiết kế, nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình CC hiện nay được thực hiện rất chặt chẽ. Các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư đều phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn PCCC. Cơ quan PCCC khi thẩm duyệt các hồ sơ này phải căn cứ đối chiếu đầy đủ các yêu cầu về giao thông, khoảng cách ngăn cháy của công trình, hệ thống cấp nước bên ngoài, thoát nạn, hệ thống chữa cháy tự động... đều thực hiện đầy đủ mới cấp phép, nghiệm thu. Thế nhưng, trong quá trình quản lý vận hành của chủ đầu tư hoặc ban quản trị lại thực hiện không nghiêm". 

Chẳng hạn, qua vụ cháy CC Carina cho thấy, dù công trình này đã được nghiệm thu thiết kế đầy đủ theo các tiêu chuẩn quy định, thế nhưng khi đưa CC vào sử dụng, cư dân lại chấp hành các quy định an toàn PCCC không nghiêm, chủ đầu tư cũng không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn PCCC.

Theo quy định của Luật PCCC, cơ quan Cảnh sát PCCC chỉ có thể kiểm tra định kỳ hoặc thực hiện theo chuyên đề, không thể lúc nào cũng có mặt tại CC. Vì vậy, chủ đầu tư và cư dân phải có trách nhiệm tự ý thức kiểm tra, giám sát, tuân thủ đầy đủ các quy định trong quá trình quản lý vận hành CC.  

Ý thức người dân rất quan trọng quyết định sự an toàn của công trình

Về cơ bản hệ thống PCCC tại các CC, nhà cao tầng ở Việt Nam không khác Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ý thức, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và ban quản lý CC không hài hòa như ở Nhật. Ý thức của người dân cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định sự an toàn của công trình.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Okamura Sanyo (Nhật Bản)

Thang bộ là lối thoát nạn duy nhất và sân thượng là nơi lánh nạn an toàn nhất khi cháy CC, nhà cao tầng

Người dân cần xây dựng thói quen quan sát đường thoát nạn, vị trí thoát nạn khi bước vào CC, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, karaoke... Khi xảy ra cháy cố gắng bình tĩnh tìm đến đường thoát nạn gần nhất hoặc các phòng lánh nạn. 

Đối với nhà cao tầng, người dân nên nhớ thang bộ là lối thoát nạn duy nhất và sân thượng là nơi lánh nạn an toàn nhất. Trong tình huống bất khả kháng, khi tất cả các lối thoát nạn đều không an toàn thì lập tức chạy vào bên trong căn hộ. Bởi theo quy định thiết kế căn hộ trong CC, cửa chính ra vào CC là cửa chống cháy, nạn nhân sẽ có tối thiểu 30 phút an toàn trong căn hộ. Khi đó việc đầu tiên nạn nhân cần làm là chống khói tràn vào căn hộ bằng cách sử dụng các vật cản như khăn ướt chèn vào khe cửa. Sau đó chạy ra ban công báo hiệu cho lực lượng cứu hộ. Tất cả các phương tiện thoát nạn: thang dây, thang móc chỉ nên sử dụng khi không còn bất kỳ đường thoát nào khác.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM

Phan Trí - Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI