HMC lại bị tố bán tài sản công trái quy định

11/06/2018 - 17:32

PNO - Khu đất gần 1ha tọa lạc cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng được doanh nghiệp nhà nước “chuyển nhượng dự án” cho tư nhân với giá chỉ hơn 100 tỷ đồng. Mức giá rẻ này có khả năng đã gây thất thoát lớn cho ngân sách.

HMC lai bi to ban tai san cong trai quy dinh
Trên khu đất đất 9.125m2 tại đường Nguyễn Văn Quỳ (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) đã mọc lên chung cư cao cấp Luxgarden của Đất Xanh Group (Ảnh: Quốc Ngọc)

Chỉ chuyển nhượng dự án, không bán đất công?

Nếu ai có dịp ngang qua đường Nguyễn Văn Quỳ (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM), sẽ thấy kho chứa hàng trước đây của Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM (HMC, thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) giờ đã trở thành hai tòa nhà cao 25 tầng mang tên khu căn hộ resort bên sông Luxgarden. Thế nhưng, ít ai biết về những “góc khuất” đằng sau dự án Luxgarden của Tập đoàn bất động sản Đất Xanh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi cổ phần hóa vào năm 2005, khu đất 9.125m2 tại đường Nguyễn Văn Quỳ (P.Phú Thuận) là tài sản Nhà nước giao cho HMC thuê đất. Khi cổ phần hóa, khu đất này được xem là tài sản của Nhà nước góp vốn vào công ty để tham gia cổ phần hóa. Năm 2013, HMC - lúc này đã là công ty cổ phần với 55,6% vốn Nhà nước - nộp 87 tỷ đồng để chuyển quyền sử dụng đất cho khu đất nói trên.

Vào năm 2016, ông Đặng Huy Hiệp - Tổng giám đốc HMC - đã bán toàn bộ khu đất này cho Tập đoàn bất động sản Đất Xanh với giá hơn 102 tỷ đồng. Nhằm hợp thức hóa việc mua bán này, ông Hiệp đã đưa một số công ty vào tham gia “chào giá cạnh tranh”, trong đó có những công ty không đủ năng lực tài chính. Vốn điều lệ của các công ty chào giá cạnh tranh chỉ có vài tỷ đồng, trong khi giá chào bán khu đất hơn 100 tỷ đồng.

Ông Hứa Văn Hải (60 tuổi) nhân viên HMC cho biết, khu đất là tài sản cố định của HMC do Nhà nước tham gia góp vốn thực hiện chủ trương cổ phần hóa, không phải là đối tượng hàng hóa để có thể kinh doanh nên ông Đặng Huy Hiệp không đủ thẩm quyền, không được phép mua bán, nhất là khi công ty đang hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, không rơi vào tình trạng nợ xấu.

Hội đồng quản trị đã không triệu tập đại hội cổ đông bất thường để biểu quyết ra nghị quyết đồng ý sang nhượng khu đất 9.125m2 tại P.Phú Thuận. Nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua, ông Đặng Huy Hiệp phải thực hiện quy trình bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.  “Khu đất tại P.Phú Thuận là tài sản cố định của doanh nghiệp buộc phải thông qua đấu giá, nhưng ông Hiệp đã không thực hiện” - ông Hải quả quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Võ Thị Lệ Châu - Kế toán trưởng kiêm Thư ký tổng giám đốc HMC - cho rằng, khu đất 9.125m2 tại P.Phú Thuận không phải là tài sản Nhà nước.

“Chúng tôi không bán đất mà là chuyển nhượng dự án xây dựng chung cư tại P.Phú Thuận cho Đất Xanh. Dự án này đã được UBND TP.HCM phê duyệt” - bà Châu nói.

Đối với các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các quy định trong chuyển nhượng tài sản có vốn Nhà nước, đấu giá… bà Châu không trả lời ngay mà đề nghị sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã gần 3 tuần lễ, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía HMC.

Công ty mẹ xác định "đã làm đúng"

Trước đó, vào tháng 3/2018, Tổng công ty Thép Việt Nam (Bộ Công thương) đã cử đoàn kiểm tra, xác minh nhiều nội dung mà HMC bị tố cáo. Theo kết quả xác minh liên quan đến khu đất 9.125m2 tại P.Phú Thuận, vào năm 2016, tài sản này đã “thành” dự án xây dựng chung cư được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện chuyển nhượng toàn bộ dự án.

Do chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thực hiện nghị quyết của đại hội đồng cổ đông năm 2015 về tái cấu trúc danh mục đầu tư, HMC đã chuyển nhượng dự án cho đối tác có năng lực để tiếp tục triển khai theo hồ sơ pháp lý được phê duyệt. Việc chuyển nhượng cho Đất Xanh đã tuân thủ theo điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Công ty đã trình cấp có thẩm quyền của TP.HCM về việc xin chuyển nhượng toàn bộ dự án.

Như vậy, HMC có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện chuyển nhượng dự án, chứ không phải bán đất.

Về thủ tục chuyển nhượng dự án, đoàn kiểm tra cho rằng, Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Việc chuyển nhượng dự án được thực hiện vào giai đoạn 2015-2016 nên công ty thực hiện chuyển nhượng theo hình thức chào giá cạnh tranh để lựa chọn đối tác là hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật lúc bấy giờ, khi Luật Đấu giá chưa có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, các đơn vị tham gia chào giá cạnh tranh đều có năng lực để nhận chuyển nhượng.

Ông Hải không đồng ý với kết luận trên và cho rằng, Nghị định 91 của Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015 yêu cầu, việc chuyển nhượng vốn Nhà nước phải bảo đảm theo “nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch”.

Theo ông Hải, việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận phải được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng theo quy định của pháp luật về thẩm định giá; phải bảo đảm xác định giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất. Thế nhưng, Tổng giám đốc HMC Đặng Huy Hiệp đã không tuân thủ Nghị định 91.

Toàn bộ dự án chỉ là… miếng đất

Khu đất 9.125m2 mặt tiền đường Nguyễn Văn Quỳ (P.Phú Thuận) hiện đã được Đất Xanh Group xây lên hai tháp chung cư “cao cấp ven sông”, bán với giá trung bình 1,6 tỷ đồng/căn.

Theo quảng cáo của đơn vị này, khu căn hộ Luxgarden có vị trí chiến lược, kết nối đa chiều bởi nằm ở trung tâm Q.7, liền kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Saigon Peninsula. Phải chăng Đất Xanh Group đã vớ được “món hàng quá hời” từ HMC?

Tại thời điểm thực hiện vụ chuyển nhượng này, giá trị của khu đất có thể phải gấp đôi con số 102 tỷ đồng mà hai bên đã “chào giá cạnh tranh” với nhau.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Hồ Hoàng Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Phúc Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM - cho rằng, có sự “tung hứng” giữa bên rút khỏi dự án với bên thế chân vào, nên mới xảy ra chuyện giá thị trường so với giá đã “thỏa thuận, thu xếp” với nhau chênh lệch rất lớn, làm thiệt hại cho Nhà nước.

Trên thực tế, không phải cái gì đấu thầu, đấu giá công khai cũng đạt được mục tiêu, tránh tiêu cực. Vì vậy, cho dù áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, vấn đề mấu chốt ở đây chính là công tác thẩm định giá.

“Trong mọi trường hợp chuyển nhượng, bán, thoái vốn... có dính tới đất thì đất đó phải được định giá theo thị trường. Việc định giá cực kỳ quan trọng, là chìa khóa cho mọi vấn đề. Làm rõ vấn đề này sẽ thấy HMC đã chuyển nhượng dự án với giá sát với giá thị trường hay chưa” - luật sư Đức nói.

Trong trường hợp của HMC, bắt buộc phải thẩm định giá trước khi chuyển nhượng. Việc thẩm định giá phải tuân theo đúng quy trình và phải do đơn vị có chức tăng thẩm định giá phù hợp nằm trong danh mục của Bộ Tài chính phê duyệt.

“Tổng công ty Thép Việt Nam và HMC lập luận họ không bán đất mà là chuyển nhượng dự án. Thế nhưng, dự án ở đây thật ra không phải là một dự án đã phát triển, mà toàn bộ vốn liếng chỉ là miếng đất đó thôi. Thế thì chuyển nhượng dự án ở đây nghĩa là gì” - luật sư Đức đặt vấn đề.

Theo ông, vụ việc này cần cơ quan thanh tra Nhà nước hoặc thậm chí cơ quan điều tra vào cuộc mới kết luận được có trục lợi trong chuyển nhượng dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hay không. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI