Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn nâng khống giá bán căn hộ?

30/06/2017 - 17:45

PNO - "Khách hàng mua căn hộ IDICO (Q.Tân Phú) khẳng định đã đóng phí bảo trì cho đơn vị môi giới, nhưng khi nhận nhà, chủ đầu tư vẫn bắt đóng số tiền này. Họ nghi ngờ đơn vị môi giới đã nâng khống giá bán để hưởng lợi.

Anh Nguyễn Hùng Trương (khách hàng mua căn hộ A16 - 04, dự án IDICO, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, anh thanh toán phí bảo trì cho Công ty TNHH địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HASR), đơn vị môi giới bán căn hộ dự án IDICO, nhưng khi nhận nhà, chủ đầu tư (CĐT) vẫn yêu cầu anh đóng 2% phí bảo trì. Anh Trương khiếu nại thì HASR đùn đẩy, không giải quyết.

Trong đơn gửi đến báo Phụ Nữ, anh Trương phản ánh, vào khoảng tháng 8/2015, qua tìm hiểu, anh liên hệ sàn giao dịch bất động sản HASR mua căn hộ dự án IDICO do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - TNHH một thành viên (IDICO) làm CĐT. Khi chính thức ký hợp đồng mua bán và thanh toán đợt đầu tiên, anh được nhân viên  HASR đề nghị nộp phí dịch vụ bảo trì căn hộ 46 triệu đồng.

“Lúc đó tôi thắc mắc dự án mới xây đến tầng năm, trong khi tôi mua căn hộ ở tầng 16 mà đã bắt đóng tiền dịch vụ bảo trì, nhân viên HASR giải thích: “Bây giờ anh đóng tiền, sau này khỏi đóng. Vả lại anh đóng tiền, công ty xuất hóa đơn đầy đủ, lo gì”. Cuối cùng, anh Trương đồng ý nộp tiền, HASR xuất phiếu thu đầy đủ.

Cong ty dia oc Hoang Anh Sai Gon nang khong gia ban can ho?
Dự án IDICO Tân Phú

Thế nhưng, vừa qua, khi nhận bàn giao nhà, anh “tá hỏa” khi nghe CĐT yêu cầu thanh toán phí bảo trì 2% trên tổng giá trị căn hộ. “Tôi đã thanh toán phí bảo trì cho HASR ngay từ khi ký hợp đồng. Đề nghị công ty làm việc lại với HASR, nhưng CĐT không đồng ý”. Anh đưa phiếu thu cho đại diện CĐT xem, nhưng họ lắc đầu: “Công ty không biết đây là tiền gì nhưng hoàn toàn không phải phí dịch vụ bảo trì. Tiền phí bảo trì khách hàng chỉ thanh toán khi nhận nhà, không ai bắt thanh toán trước”. 

Anh Trương lập tức mang phiếu thu đến trụ sở HASR để làm rõ sự việc. Thế nhưng, phía HASR bất ngờ “lật kèo”: “Công ty không thể giải quyết bởi đây là khoản… tiền lời của đại lý phân phối. Phía công ty thu hộ số tiền này và chuyển qua cho CĐT chứ HASR không giữ”. Khi anh Trương quay lại làm việc với CĐT thì họ tiếp tục khẳng định không biết về khoản thu này.

“Tôi mua căn hộ trị giá 1.099.260.000 đồng. Nếu giờ đóng thêm 2% phí bảo trì theo yêu cầu của CĐT, có nghĩa căn hộ của tôi thanh toán dư 46 triệu đồng. Họ thu tiền của tôi rồi, giờ nói không ai biết. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm đối với số tiền tôi đã bỏ ra?”, anh Trương bức xúc. 

Cong ty dia oc Hoang Anh Sai Gon nang khong gia ban can ho?
Anh Nguyễn Hùng Trương nghi ngờ HASR nâng không giá bán căn hộ khi bán cho anh

Liên quan đến việc này, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc HASR không trả lời cụ thể những vấn đề chúng tôi nêu ra, mà chỉ nói chung chung: “Các sản phẩm dự án này công ty đã bán cách nay hai năm. Khi bán cho khách hàng là minh bạch, thuận mua vừa bán. Lúc đó tôi không thấy khách hàng phản ứng gì cả...”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Quỳ (đại diện CĐT) khẳng định: HASR là đơn vị môi giới, bán hàng cho công ty thì công ty trả phí môi giới cho HASR. HASR không được thu bất kỳ khoản phí nào ngoài giá trị căn hộ đã ghi trong hợp đồng. Riêng phía CĐT chỉ thu đúng giá trị căn hộ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Số tiền này sẽ được thu sau cùng, chứ không phải thu trước. Ngay cả hợp đồng chuyển nhượng của các khách hàng bán lại căn hộ, công ty cũng không thu thêm khoản phí nào khác. 

Ngoài ra, theo ông Quỳ, HASR chỉ có quyền giới thiệu cho khách hàng ký hợp đồng với CĐT. Trên hợp đồng, HASR chỉ là đơn vị môi giới bán căn hộ. Ngoài tiền đặt cọc, giữ chỗ, HASR không được thu hộ CĐT bất kỳ khoản tiền nào khác từ khách hàng.

Như vậy, phải chăng HASR đã nâng khống giá bán căn hộ để hưởng tiền chênh lệch? Ông Quỳ nói: “Nếu HASR tự ý nâng giá bán là không đúng theo hợp đồng hai bên đã ký kết”. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề CĐT có giải pháp gì bảo vệ quyền lợi khách hàng, ông Quỳ nói: “Nếu HASR tự ý nâng giá bán thì đó là trách nhiệm của HASR với khách hàng. Việc HASR vi phạm hợp đồng thì có liên quan gì đến CĐT? Còn khách hàng cảm thấy việc đó có liên quan đến quyền lợi của mình và HASR vi phạm thì họ cứ làm việc theo pháp luật”. 

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đoàn Việt Thắng, Trưởng văn phòng luật sư Thắng và cộng sự cho biết, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, CĐT, đơn vị môi giới bán hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng. Việc HASR có dấu hiệu tư vấn sai lệch từ tiền nâng khống giá bán căn hộ thành tiền phí bảo trì là hành vi lừa đảo khách hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay không có quy định, các sàn giao dịch bất động sản phải bán đúng giá căn hộ CĐT đưa ra. Đây là kẽ hở quy định pháp luật, khiến nhiều sàn giao dịch bất động sản thường nâng khống giá bán để thu lợi khi thị trường giao dịch tốt. Thế nhưng, đối với những CĐT uy tín luôn có những điều khoản phạt rất nghiêm khắc để ràng buộc trách nhiệm của sàn với khách hàng. Trường hợp CĐT để sàn giao dịch bất động sản tự do bán, tư vấn, không quan tâm quyền lợi khách hàng, người mua cần lưu ý khi chọn sản phẩm của những đơn vị này. 

Xuân Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI