Mẹ Việt ở Mỹ, Úc khuyên người tiêu dùng nên cẩn thận với hoa quả nhập ngoại

29/07/2016 - 05:58

PNO - Mặc dù đã bỏ ra số tiền đắt đỏ để mua hoa quả nhập ngoại nhưng trong thực tế, người Việt vẫn có thể mua phải hàng kém chất lượng, hàng lậu gán mác ngoại.

Trước tình trạng thực phẩm bẩn độc bủa vây như hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt tỏ ra mất niềm tin vào các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam. Họ hướng tới các mặt hàng nhập ngoại và sẵn sàng chi số tiền đắt đỏ với niềm tin mua hàng ngoại sẽ được hàng tốt.

Trong số các loại thực phẩm nhập ngoại thì trái cây luôn là thực phẩm hàng đầu được nhiều người Việt chọn mác ngoại.

Mặc dù một lượng lớn người tiêu dùng có xu hướng tiêu dùng hoa quả nhập ngoại, nhưng trên thực tế, sự bát nháo của thị trường này cũng không hề ít, kèm theo đó là chất lượng sản phẩm chưa chắc đã đảm bảo an toàn.

Chi đắt đỏ cho hoa quả nhập ngoại vẫn mua phải  hoa quả cận date, kém chất lượng

Trao đổi về vấn đề này, chị Phạm Hiền Trang, một mẹ Việt đã 10 năm sinh sống tại Mỹ chia sẻ: "Theo mình thấy, bên cạnh những cơ sở nhập khẩu có uy tín và nhập hàng có chất lượng thì có rất nhiều người vì lợi nhuận mà sẵn sàng nhập hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng lậu để cung cấp cho người tiêu dùng.

Họ đánh vào tâm lý của người Việt là sính ngoại và rất tin tưởng vào hàng ngoại, cho rằng cứ hàng nhập ngoại, chi tiền nhiều là chất lượng khỏi nghĩ. Nhưng mình thấy sự thật đôi khi không như chúng ta vẫn nghĩ.

Mình có thể lấy ví dụ, như cherry bên Mỹ vào mùa của nó (khoảng từ tháng 4-7 thì giá cũng khá rẻ chỉ 2 USD/kg. Còn lại vào những thời điểm trái mùa, giá có thể lên tới 14 USD/kg. Tuy nhiên, mình thấy, ở Việt Nam, nhiều người buôn bán hoặc nhiều cửa hàng chỉ để giá cherry Mỹ ở mức 200-250 ngàn đồng/kg.

Hay như nho cũng vậy, mức giá bên Mỹ thường dao động từ 2-3 USD/kg. Và theo mình biết thì, giá ship từ bên này về Việt Nam cũng khá đắt đỏ, ví dụ như từ Cali cũng khoảng 4-5 USD/kg tiền ship.

Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều nơi lại bán nho Mỹ với giá chỉ từ 150-200/kg. Nếu như vậy, tính chi ly ra thì họ lãi được bao nhiêu?

Me Viet o My, Uc khuyen nguoi tieu dung nen can than voi hoa qua nhap ngoai
Với số tiền không phải là nhỏ để đầu tư cho hoa quả nhập ngoại, người Việt vẫn đứng trước nguy cơ mua phải hàng "rởm".

Vì vậy mình thấy, với mức giá này, nếu là hàng nhập từ Mỹ chính hãng, chất lượng tốt thì người ta sẽ bị lỗ vì còn phải trả thuế và phí vận chuyển nữa mà. Bằng không, rất có thể người tiêu dùng đang bị họ gạt và mua phải hàng kém chất lượng, hàng cận date, thậm chí là hàng lậu.

Do đó, mình khuyên các bà nội trợ cần chú ý, kể cả khi bỏ ra số tiền đắt đỏ để đầu tư cho việc mua hàng ngoại thì vẫn nên cẩn thận, không nên tin tưởng quá".

Cùng chia sẻ về vấn đề này, chị Phan Thu Hằng, một người đã có thời gian sinh sống 5 năm bên Úc chia sẻ: "Càng ngày về Việt Nam, tôi thấy việc người ta chọn mua mặt hàng hoa quả nhập ngoại càng nhiều. Các cửa hàng hoa quả nhập khẩu mọc lên như nấm.

Tôi sống bên Úc cũng khá lâu, cũng đã dần quen với thực phẩm bên Úc và khi về Việt Nam, tôi hoàn toàn có thể mua được các loại thực phẩm nhập khẩu từ Úc dễ dàng.

Tuy nhiên, một lần tôi đi mua nho xanh nhập khẩu từ Úc thì tôi khá bất ngờ, họ bán có 200 ngàn đồng/kg, mức giá tương tương với nho xanh bên Úc tôi từng mua. Chính vì thế mà tôi thấy nghi ngờ, tại sao hàng nhập khẩu về rồi mà lại bán với giá đó?

Sau đó, tôi lên mạng thăm dò giá của nhiều cửa hàng thì thấy rất nhiều loại trái cây có giá tương đương và không cao hơn nhiều so với mức giá bên Úc. Chính vì điều này mà thành ra tôi không tin tưởng lắm vào hàng nhập ngoại. Tôi vẫn thường hay nói với gia đình mình tại Việt Nam rằng, biết đâu hàng đó lại là hàng Trung Quốc, người ta gán cho cái mác Úc, Mỹ rồi bán với cái giá 'cắt cổ'?".

Trước đó, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm 2015, lực lượng thị trường của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đã kiểm tra, xử lý và tiến hành thu giữ và bán phát mại trên 79 tấn hoa quả nhập lậu. Quý 1.2016 thu giữ và bán phát mại gần 11 tấn hoa quả nhập lậu các loại.

Rõ ràng, dù thị trường trái cây nhập khẩu khá đa dạng nhà cung cấp, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn luôn là câu hỏi lớn đối với người tiêu dùng, khi trên thực tế cùng 1 sản phẩm, nhưng giá bán từ các nhà cung cấp vênh nhau tới cả trăm ngàn đồng/kg.

Đơn cử, giá của Kiwi Vàng New Zealand bán tại Klever Fruits là 199.000 đồng/kg, nhưng nhiều nơi bán từ 150.000 – 220.000 đồng/kg. Nho xanh không hạt Luisco (Úc) tại Klever Fruits bán giá 299.000 đồng/kg thì Cửa hàng Trái cây Anh Túc (TP.HCM) bán 200.000 – 210.000 đồng/kg…

Đại diện Cục quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI