Trần ai xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

22/07/2016 - 15:42

PNO - UBND TP. HCM vừa có kết luận và chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Chi cục trưởng, kế toán Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM.

Tran ai xin cap giay chung nhan an toan thuc pham
Thức ăn đường phố đang gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao thì chi cục chủ yếu nắm thông tin báo cáo, số liệu, thiếu kiểm tra, giám sát thực tế. Việc cấp giấy chứng nhận còn nhiều thiếu sót...

UBND TP. HCM vừa có kết luận và chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Chi cục trưởng, kế toán Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP. HCM trong công tác thu chi, quản lí tài chính cũng như quản lí, cấp phép, tập huấn về ATVSTP cho các doanh nghiệp (DN). Theo tìm hiểu của phóng viên, việc chi cục trên đẻ ra các loại “giấy phép con” đã khiến nhiều DN xấc bấc xang bang.

Một số DN kinh doanh nhà hàng, quán ăn cho biết, xin được giấy chứng nhận ATVSTP rất “trần ai”. Ông H., chủ nhà hàng tại Q.3, click vào ô “tìm kiếm” trên Google với bộ từ khóa “dịch vụ làm hồ sơ xin giấy chứng nhận ATVSTP”, lập tức có hơn 891.000 kết quả. Ông đặt vấn đề: “Nếu việc xin giấy phép đơn giản thì lấy đâu ra mà lắm dịch vụ thế này? Dịch vụ phải “ăn nên làm ra”, người ta mới mở rầm rộ”.

Chủ một DN chia sẻ, nếu quen biết thì hồ sơ có thể được làm đúng thời hạn, hoặc được tư vấn đầy đủ, nhanh hơn; nếu có khúc mắc hay có lỗi nào đó, họ cũng du di. Còn “khơi khơi”, khi nghiệm thu, họ săm soi đủ thứ, kiểu “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Một phóng viên mảng y tế cho biết được nhiều DN gửi hồ sơ xin cấp phép ATVSTP nhờ “chạy” giùm, vì nghĩ phóng viên quen biết với cơ quan cấp phép: “Tôi không rõ có tiêu cực trong việc cấp phép hay không, nhưng biết chắc rằng DN đang rất ngán ngẩm với cái “giấy phép con” mang tên giấy chứng nhận ATVSTP. Họ bảo cứ nộp vào lại bị trả về, yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa”.

Ông H.X., chủ một DN sản xuất nước đá (Q.Gò Vấp) cho biết, không ít lần ông phải chịu những cuộc kiểm tra ATVSTP khó hiểu, họ kiểm tra khi cơ sở của ông đang hoạt động và nhân viên kiểm tra hết sức cảm tính, không theo bất cứ quy trình nào. Sau khi quan sát, họ hỏi “sao nền nhà lại ướt thế?”, “sao bóng điện lại mờ?”… trong khi sản xuất nước đá chắc chắn nền nhà xưởng bị ướt và bóng điện gặp hơi nước thì mờ. Cũng theo ông này, hiện có những quy định về tập huấn khá tréo ngoe, chẳng hạn khoảng ba năm một lần, đồng loạt từ nhân viên đến giám đốc phải đi tập huấn về ATVSTP, mà chương trình tập huấn lần sau không khác gì lần trước. Đã vậy, DN phải đóng “chi phí tập huấn”.

Cách đây ba tháng, dư luận xôn xao về việc anh Nguyễn Văn Tấn, ngụ Q.Bình Tân, chủ quán cà phê Xin Chào phải ngừng kinh doanh, chịu thua lỗ vì xin mãi không được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, từ đó bị Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “kinh doanh trái phép”.

Ngày 18/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu ký văn bản yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM chấm dứt việc thu phí, lệ phí bằng tiền mặt tại cơ sở; thống kê và hoàn trả kinh phí kiểm nghiệm mẫu cho những nơi không sai phạm đã thanh toán kinh phí kiểm nghiệm năm 2014-2015. Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng chỉ đạo chi cục này chấm dứt hoạt động tập huấn và thu dịch vụ tập huấn kiến thức ATVSTP, tạm ngưng sử dụng số tiền gần một tỷ đồng trong tài khoản - là nguồn thu từ hoạt động tập huấn kiến thức ATVSTP - chờ hướng dẫn của Sở Tài chính và ý kiến của UBND TP.HCM; yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những tổ chức, cá nhân có sai sót liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận, giám sát sau cấp giấy, thực hiện các quy trình, công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, kết quả thanh tra toàn diện chi cục này cho thấy: trong khi thức ăn đường phố đang gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao thì chi cục chủ yếu nắm thông tin báo cáo, số liệu, thiếu kiểm tra, giám sát thực tế. Việc cấp giấy chứng nhận còn nhiều thiếu sót, có tình trạng nhũng nhiễu, làm khó dễ các cơ sở dù họ có đầy đủ hồ sơ. Chi cục này còn cho phép cán bộ kiểm tra, thẩm định thu trực tiếp tiền mặt tại cơ sở nhưng lại để xảy ra tình trạng cán bộ chậm nộp tiền về cho thủ quỹ; nhiều biên lai thu phí bị hủy do người bị kiểm tra, thẩm định không đồng ý nộp; nhiều khoản thu - chi không đúng quy định; để phát sinh tiền cước taxi nhiều so với tổng kinh phí sử dụng phương tiện công tác (năm 2014 và 2015 tiền taxi hết hơn 1,66 tỷ đồng); việc sử dụng xe công cũng không đúng quy định..

Ngày 21/7, phóng viên liên hệ với ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM qua điện thoại để tìm hiểu các vấn đề liên quan nhưng ông Hòa không bắt máy. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đang ráo riết tiến hành xử lý vụ việc theo kết luận của Thanh tra TP.HCM và thông báo chỉ đạo của UBND TP.

Thư Hùng - Vinh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI