Đồ chơi bằng gỗ cũng chứa đầy chất độc

29/07/2016 - 13:24

PNO - Chọn đồ chơi cho con, phụ huynh đang có xu hướng chuyển sang chọn đồ chơi bằng gỗ (ĐCBG) cho an toàn. Nhân cơ hội này, các nhà sản xuất cũng đua nhau cho ra đời nhiều mẫu ĐCBG với nhiều tính năng nhưng giá rẻ hơn trước.

Theo các chuyên gia y tế, gỗ không độc hại, nhưng chính sơn, màu, vecni phủ lên gỗ lại là chất độc.

Tiền nào của nấy

Chị Quỳnh, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết, trước đây, nhìn bộ ĐCBG rất đơn giản nhưng giá thì cao ngất (từ 300.000- 700.000đ/bộ), chị không dám mua, đành chọn đồ chơi bằng nhựa hoặc ĐCBG của Trung Quốc. Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều bộ ĐCBG do Việt Nam sản xuất, có giá từ 30.000-300.000đ/bộ, chị rất ưng ý, mua liền mấy bộ về cho con chơi. Tại nhiều siêu thị, ĐCBG chiếm số lượng không thua đồ chơi bằng nhựa, trong đó, phân nửa sản phẩm có giá dưới 300.000đ/bộ. Mặc dù giá rẻ hơn so với trước nhưng mẫu mã lại đa dạng, màu sắc cũng phong phú hơn, giúp bé vừa chơi vừa học.

Tuy nhiên, để sản xuất đồ chơi với giá rẻ, nhà sản xuất phải sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Thực tế cho thấy, có nhiều bộ đồ chơi giá rẻ được phủ lên lớp màu rất lòe loẹt, nham nhở, độ bám màu không tốt, mùi sơn và mùi vecni nồng nặc. Tại một Trung tâm thương mại (Q.10, TP.HCM), có hẳn một gian kệ riêng chất đầy ĐCBG đủ màu sắc bắt mắt, phần lớn là đồ chơi xếp hình chữ cái, con số, hình khối, các con thú. Đa số ĐCBG được phủ lớp sơn bóng rồi mới đến lớp màu nhuộm. ĐCBG giá rẻ có màu nhuộm khác “một trời một vực” so với những bộ có giá đắt.

Do choi bang go cung chua day chat doc
Ở các bộ thẻ học tiếng Anh, thú xỏ dây… các hình ảnh được in lên mặt gỗ có màu sắc rất đậm, lòe loẹt

Chẳng hạn, ở bộ thẻ trang trí giá 29.000đ, các thẻ trông giống các khối phấn hơn là khối gỗ vì màu sơn phủ lên sản phẩm có màu y như phấn viết bảng, lòe loẹt, có cảm giác khi chạm tay vào sẽ bị dính màu. Ở một bộ khác, dù còn trong bao bì nhưng các thẻ gỗ do cọ xát vào nhau nên đã bị bong tróc sơn, lộ ra lớp gỗ nham nhở. Với những sản phẩm đắt tiền, có catalogue giới thiệu về sản phẩm rất chi tiết gồm chất liệu, cách chơi, ích lợi của trò chơi, có in rất đậm dòng chữ cảnh báo đối với trẻ dưới ba tuổi. Nhưng với các sản phẩm giá rẻ, chỉ có bản ghi hướng dẫn sử dụng rất sơ sài, vắn tắt.

Tại shop S.T. (đường số 14, P.Bình An, Q.2), có hẳn bộ sưu tập đồ chơi lắp ghép 21 con vật như rồng, rắn, heo, nhím, chuột túi, voi, trâu, dê, cá sấu, tê giác, ngựa, rùa, cá heo… có giá từ 50.000-70.000đ/con. Theo chị chủ shop, những con vật này do cửa hàng tự làm, tạo hình từ khối gỗ xà cừ, sau đó cắt ra thành nhiều mảnh ghép nhỏ; sản phẩm được phủ bằng một lớp vecni, sơn bóng nên rất bền màu, sáng bóng và an toàn cho trẻ nhỏ. Nhưng khi cầm thử sản phẩm, chúng tôi ngửi thấy mùi sơn và vecni còn rất nồng.

Nhìn chung, ĐCBG của Trung Quốc có mẫu mã, tính năng đa dạng và giá rẻ nên vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Tại cửa hàng trên đường Út Tịch, Q.Tân Bình, TP.HCM, nếu ĐCBG của Việt Nam chỉ gồm các bảng ghép chữ, ghép hình thì ĐCBG của Trung Quốc có thêm bộ đồ chơi “ban nhạc vui vẻ” với 10 nhạc cụ, “ban nhạc sôi động” với bảy nhạc cụ, có bộ thiết kế gương hoa, bữa tiệc pizza, vật nuôi, xe cứu hộ động vật… Hiện thị trường đang “sốt” bộ đồ chơi ghép gỗ 184 chi tiết. Đó là một miếng gỗ mỏng, trên đó là 184 miếng cắt có thể tạo ra 34 mô hình lắp ghép như bàn, ghế, giường, tủ, bếp nấu ăn, xích đu, ngôi nhà… Nhìn kỹ mẫu ghép thì thấy nguyên liệu là ván ép.

Độc không thua đồ nhựa

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết các hình chữ số, con vật in trên bề mặt ĐCBG có màu là do in lụa, với thành phần gồm methanoic acid, azo, kim loại. Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy ở khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, ngoài in lụa, ĐCBG thường được nhuộm màu. Màu nhuộm có rất nhiều loại với cách nhuộm và quy trình nhuộm khác nhau, tùy thuộc vào nguồn gốc và tính chất của mỗi loại gỗ, như thuốc nhuộm họ azo, họ antraquinone, họ arylamine... Với màu nhuộm họ azo, do có chứa liên kết azo không bền mà màu nhuộm này dễ bị biến đổi để hình thành các hợp chất amine thơm.

Các amine thơm này khi đi vào cơ thể có thể gây ra nguy cơ ung thư. Dù được kiểm soát ở rất nhiều nước trên thế giới (Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên minh châu Âu…) nhưng việc sử dụng các thuốc nhuộm azo thường khá phổ biến do giá rẻ, dễ điều chế, dễ nhuộm và có màu tươi, đẹp. Chính vì vậy, có thể nói, sản phẩm càng rẻ, màu càng lòe loẹt thì nguy cơ được nhuộm với màu azo càng cao. Với thuốc nhuộm họ antraquinone, do được tổng hợp từ nguồn nguyên liệu là các chất hydrocacbon thơm đa vòng nên cũng ẩn chứa nguy cơ gây ung thư.

Trong quá trình sản xuất ra các bộ đồ chơi hoàn chỉnh, để các chi tiết dính lại với nhau, nhà sản xuất phải dùng keo dán gỗ. Không ít loại keo dán có chứa formaldehyde và kim loại nặng. Tại nhiều nước, chỉ tiêu formaldyhyde trong sản phẩm ván công nghiệp được khống chế rất nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Tuy nhiên, với thị trường đồ gỗ nội địa, do không có quy định ràng buộc nên nhiều nhà sản xuất còn khá tùy tiện. Ví dụ khi mở một ngăn tủ mới bằng gỗ, sẽ ngửi được mùi hôi xộc lên tận mũi, đó chính là mùi của formaldehyde.

Khi có điều kiện thích hợp (độ ẩm, nhiệt độ tăng) formaldehyde dễ bay hơi và tồn tại trong không khí, vì vậy nhiễm formaldehyde đối với con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy. Đây là hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, nếu tiếp xúc trong thời gian dài, dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, gây các bệnh về bạch cầu, gây ung thư cho nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi; phụ nữ có thai bị nhiễm formaldehyde có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

Chất độc không chỉ có ở ván nhân tạo mà có ở cả gỗ tự nhiên do hóa chất chống mối mọt trong quá trình xử lý, hóa chất chống độc trong sơn PU… Trong quá trình sử dụng và bảo quản, nếu không cẩn thận, sản phẩm gỗ thường xuất hiện hai loại mốc. Mốc gió là mốc có màu trắng, xuất hiện khi môi trường ẩm; mốc đỏ là mốc có màu cam thường có ở những loại gỗ tự nhiên sấy chưa đủ khô. Nấm mốc ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể gây ung thư. Khi chơi ĐCBG, trẻ hay ngậm cắn, hóa chất độc hại và nấm mốc dễ xâm nhập vào cơ thể.

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ hóa học TP.HCM) cho biết, sơn và vecni được sử dụng phổ biến trong sản phẩm gỗ, ĐCBG để bảo vệ mặt gỗ. Sơn khi sử dụng đều phải pha trộn một số loại dung môi là những chất lỏng dễ bay hơi, chất chống lắng, chất chống ôxy hóa, chất chống nhăn… Dung môi và các chất dễ bay hơi khi khô sẽ bay vào không khí, nếu hít phải có thể gây kích thích mắt, mũi, họng, với số lượng lớn có thể gây rối loạn sinh sản… Riêng vecni thường chứa một số loại bột sắt công nghiệp, nhiều tạp chất kim loại nặng gây hại cơ thể. Đặc biệt, trẻ em tiếp xúc với các hóa chất này có nguy cơ hen suyễn rất cao.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI