Dành thời gian cho con, trước khi không kịp

29/05/2016 - 07:04

PNO - Sự hình thành nhân cách con người phụ thuộc vào tình thương và tổn thương được tạo ra bởi từ chính những người thân.

Tôi có một tuổi thơ thiếu thốn trong sự bần hàn chung của đất nước dưới thời bao cấp. Tất nhiên đó là sau này tôi mới nhận ra, bởi mẹ tôi chưa bao giờ để con bị đói hay mặc áo rách đến trường.

Tôi có con trai khi 29 tuổi và túc tắc trưởng thành khi biết thức đêm hôm pha sữa hay ru đứa nhỏ ngủ say mỗi tối. Chắc không riêng mình, tôi cũng hay nói bạn bè chưa có con rằng sau này hãy biết dành thời gian với con nhiều nhất, bởi chúng lớn nhanh lắm, chỉ chớp mắt thôi lũ trẻ đã rời cái nôi, uể oải mặc cả việc đến trường và thậm chí biết viết cả thư tình. Thật ra đó là một thứ lý thuyết tôi tự đặt cho bản thân, nhưng thực hiện không đơn giản.

Danh thoi gian cho con, truoc khi khong kip
Tác giả và con trai

Tôi đã phải cố gắng rất nhiều để có thời gian bên con khi chúng còn nhỏ. Thời đại này, khi xã hội như guồng máy nhộn nhịp, thì việc một kẻ trưởng thành dừng lại thường đồng nghĩa với đói. Người ta hay đổ tại lý do hay tự “thôi miên” mình để tặc lưỡi cắt xén thời gian bên gia đình. Có lần tắm cho con, tôi thấy có vết bầm và hỏi, con mới nói con ngã ở trường từ tuần trước.

Một sự ăn năn dội lên não bộ tôi, bởi tôi đã thờ ơ và quên mất rằng lần gần nhất bên con như thế nào. Tôi gần như không can thiệp việc con chơi hay học, nó thích gì hãy làm điều đó và tôi là người quan sát. Có thể bản tính nhút nhát nên tôi chưa bao giờ phải nặng lời. Con thích chơi iPad để xem các clip về khủng long, niềm đam mê ấy sau 5 năm không thay đổi, chỉ có điều giờ tôi đặt mật khẩu để kiểm soát được thời gian con với thiết bị đó.

Hai năm trước, lần đầu tiên tôi đánh đòn con. Đêm muộn, con vùng vằng không đánh răng, ăn vạ, khóc và hất đổ những bức ảnh gia đình. Tất nhiên cái tát không đủ mạnh, nhưng đủ để cả hai bố con sốc, vì đó là lần đầu tiên tôi đánh con, khi ấy một phần tôi cáu bẳn vì đang phải viết bài. Các năm trước, khi con hư, tôi đều đe dọa: “Này, anh cứ cẩn thận, đến tuổi đủ để ăn đòn rồi đấy!”. Rồi cứ lần lữa vài năm và có vẻ “anh ta” không tin gã bố mảnh khảnh dám làm điều đó.

Sáng hôm sau, con trai tôi dậy đi học sớm và nó dỗi, không vẫy tay chào tôi như thường lệ. Tôi buồn, cảm xúc lẫn lộn ân hận và lại tặc lưỡi. Tôi lang thang cả ngày, hồi hộp đợi con về nhà cuối chiều. Tất nhiên, một đứa trẻ bảy tuổi sẽ chóng quên, có thể là tạm thời vậy. Tôi luôn tin rằng mọi tổn thương đều hằn sâu trong não và không thể xóa, nhất là đối với trẻ nhỏ. Lần đầu tiên bố đánh đòn tôi vì mải chơi quên giờ cơm tối ngoài vỉa hè với đám trẻ cùng phố mùa đông năm 1986, một phát vụt bằng dép “quắn đít” và đến bây giờ hình như cái đau nóng rát ấy vẫn lẩn khuất phía sau lưng.

Tôi vừa chạy thục mạng vừa khóc đến khi mệt thì dừng lại góc chợ Hàng Da cách nhà vài trăm mét… Tôi là đứa trẻ ốm yếu bẩm sinh và cha mẹ mỗi người chỉ đánh một lần. Sự nghèo nàn, rét mướt, bần hàn, đói mệt của cái thời đến bữa ăn cũng phải đi tìm con có thể làm bố bột phát không thể kiềm chế, tôi tin là vậy, và cũng mong sau này con trai sẽ nghĩ ra được một lý do gì đó “thuận nhĩ” dành cho tôi, nếu nó còn nhớ. Sự hình thành nhân cách con người phụ thuộc vào tình thương và tổn thương được tạo ra bởi từ chính những người thân. Nếu cảm nhận được sự đau xót từ một cái tát, thì chúng ta sẽ chẳng thể tát ai.

Có lẽ vậy!

Hoàng Minh Trí (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI