Chuyên gia giúp bố mẹ giải bài toán: Làm gì để trẻ không bị quá tải công nghệ?

16/12/2016 - 11:30

PNO - Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi chỉ có thể nhìn thấy đỉnh đầu của con mình vì mắt bé liên tục dán vào màn hình điện thoại, thì đã đến lúc phải thay đổi.

“Tụi trẻ dính với với đồ công nghệ quá sớm ở tuổi này. Điều đó sẽ làm thay đổi mạch não của các bé”, bác sĩ trị liệu tâm lý gia đình nổi tiếng Elaine Fogel Schneider cho biết.

Giúp trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, học cách tránh xa và thư giãn đầu óc ban đầu có thể làm cho trẻ phản kháng mạnh mẽ nhưng điều này sẽ giúp cả gia đình bớt căng thẳng, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Bác sĩ Schneider lo ngại các thiết bị điện tử sẽ cản trở việc trẻ nhỏ học hỏi về các mối quan hệ thực, giao tiếp thực tế đầy ý nghĩa và kỹ năng sống cơ bản như tương tác bằng mắt hay cách đối thoại lịch sự.

Bà kêu gọi các bậc phụ huynh và bảo mẫu hạn chế việc trẻ sử dụng điện thoại, máy tính (khi không học hay làm việc), máy tính bảng và tivi, để trẻ dành ít thời gian chơi điện tử, nhắn tin, gửi mail, lướt mạng, nghe nhạc hơn và tích cực khuyến khích trẻ hòa nhập vào đời sống thực hơn.

Việc làm này còn tạo ra nhiều thời gian để cha mẹ và con cái cùng nói chuyện và lắng nghe hơn mà không bị gián đoạn bởi các thiết bị điện tử.

“Khi làm việc với các gia đình trong hơn 35 năm qua, tôi thấy rằng cần phải thay đổi cách các thành viên kết nối với nhau”, bà Schneider chia sẻ. “Chúng ta cần cùng nhau làm một số việc để giảm căng thẳng, giúp bình tĩnh và tăng cường mối quan hệ giữa các cá nhân, ngay cả khi chỉ là đi bộ và nói về những gì bạn nhìn thấy trên đường thôi”.

Trong khi thừa nhận những lợi ích và tiện lợi mà thiết bị điện tử mang lại, bà Schneider cũng nghĩ rằng nên kiểm soát và hạn chế thời gian sử dụng ở trẻ và không nên để điều đó lấn chiếm thời gian giao tiếp thực.

Mới đây, bà chia sẻ lý do tại sao cần phải hạn chế thời gian dùng đồ điện tử, đặc biệt với trẻ còn rất nhỏ và cách giúp trẻ tránh xa.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của bà với tờ Times:

Mọi người cho rằng tất cả các thiết bị điện tử được sử dụng thật sự giúp chúng ta kết nối với nhau tốt hơn. Bà có nghĩ như vậy không?

Rất nhiều cha mẹ và bảo mẫu sử dụng các thiết bị này cả ngày, ngay cả khi họ đang chăm sóc trẻ. Ở các nhà hàng, tôi thấy các gia đình tại bàn ăn, mỗi người một chiếc điện thoại, xem video, nhắn tin, chơi điện tử, gửi mail và không hề nói chuyện với nhau hoặc rất hạn chế và thường là tiêu cực.

Trẻ con không biết cách để giao tiếp, làm quen với thế giới. Các thiết bị điện tử đã trở thành bảo mẫu thật sự. Đó không phải là hiện tượng, mà là một cách sống đáng lo ngại.

Chuyen gia giup bo me giai bai toan: Lam gi de tre khong bi qua tai cong nghe?

Vậy cha mẹ có chịu trách nhiệm trong việc lạm dụng các thiết bị điện tử?

Bạn là người thầy đầu tiên của con bạn. Bạn phải chịu trách nhiệm trong việc đặt ra các chuẩn mực trong nhà, trong gia đình bạn và mở rộng cả trong việc sử dụng đồ điện tử.

Hãy chỉ cho con cách đặt chúng xuống, tắt màn hình đi. Hãy nói chuyện, tăng cường mối quan hệ, giúp con sử dụng trí tưởng tượng của mình, ca hát, nhảy múa, trò chuyện, đọc sách truyện cùng nhau. Hành vi của bạn sẽ định hình hành vi của con trẻ.

Lạm dụng có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập không?

Chắc chắn rồi. Ví dụ như chơi trò chơi điện tử quá nhiều sẽ khiến não bạn hào hứng, ở trạng thái siêu hưng phấn mà các hormones hạnh phúc liên tục phát ra.

Bạn bắt đầu cảm thấy thèm được chơi điện tử, gần giống như thuốc lắc, khiến bạn muốn chơi nhiều và nhiều hơn nữa. Điều đó gây xao nhãng, căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định, mất kiểm soát bản thân, tâm trạng, cảm xúc và các mối quan hệ.

Việc lạm dụng gây ra nhiều hành vi mà chúng ta có thể thấy ở hội chứng rối loạn tập trung và nghiện ma túy. Nhưng có bằng chứng cho rằng việc giảm sử dụng sẽ khiến não quay về trạng thái bình thường.

Rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng cho con sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị khác là tốt và giáo dục đúng cách. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

Theo Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử. Ở năm tuổi thứ 3 thì nên hạn chế sử dụng 2 giờ một ngày. Ở tuổi này, não trẻ đang phát triển rất nhanh và việc tương tác với mọi người là rất quan trọng cho đến 5 tuổi.

Nếu chỉ chăm chăm vào một cái máy mà không phải một con người, trẻ nhỏ sẽ mất khả năng tương tác qua lại và tương tác bằng mắt vốn giúp ích cho việc phát triển não và cảm xúc. Tôi phải giấu điện thoại với đứa cháu gái 2 tuổi của mình bởi bé đã biết cách dùng điện thoại qua việc xem anh trai sử dụng. Bọn trẻ có thể học hỏi mọi điều rất nhanh đấy.

Bà cũng lo ngại rằng trẻ em nếu tiếp xúc quá nhiều với đồ công nghệ thì sẽ trở nên vô cảm. Bà có thể giải thích cụ thể không?

Tôi sợ rằng tụi trẻ sẽ lớn lên mà không biết cách cảm thông, ăn năn, không hiểu rõ tác động của lời nói đến cảm xúc như thế nào. Các bé có thể không học được về lòng nhân ái vì không thấy và hiểu đầy đủ ảnh hưởng của mình đối với người khác.

Cách liên lạc điện tử đã loại bỏ những cảm xúc của người dùng. Mọi người dường như đang tự kết thúc mối quan hệ của mình thông qua các tin nhắn. Họ không kết nối cảm xúc với những gì mình vừa làm. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến cách trẻ em giao tiếp và thể hiện trong cuộc sống sau này.

Chuyen gia giup bo me giai bai toan: Lam gi de tre khong bi qua tai cong nghe?

Bà có hai đứa cháu. Vậy thời gian hai bé được sử dụng đồ công nghệ như thế nào?

Cháu trai tôi đã được 4 tuổi và con gái tôi cực kỳ để ý đến bé. Hiện tại bé đã được phép dùng nhiều hơn ngày trước và dĩ nhiên là cô em gái 2 tuổi cũng muốn được làm tất cả những gì anh trai làm. Vì vậy mà cần phải rất nỗ lực mới kiểm soát được.

Tôi cũng biết rằng các bậc phụ huynh, ông bà cần được nghỉ ngơi và vì vậy dễ đưa cho trẻ chơi điện thoại. Nhưng về lâu dài, nên cho trẻ chơi các câu đố truyền thống, hát, nhảy múa, đọc sách truyện, tưởng tượng, sáng tạo, giao tiếp với mọi người thay vì với một cái máy.

Tôi không dùng đồ điện tử với cháu mình. Tụi trẻ được phép dùng một chút vào buổi chiều khi ở nhà, nhưng chỉ vậy thôi. Con gái tôi đặt ra quy định và thực hiện rất nghiêm với tụi trẻ.

Vậy còn đối với trẻ em lớn hơn? Thời gian nên hạn chế thế nào?

Trường hợp này cần cân bằng, tiết chế và biết trẻ đang làm gì và với ai. Tôi khuyên bạn nên quy định các nơi không được dùng đồ điện tử. Không đặt tivi và các đồ khác trong phòng ngủ. Không cho trẻ được dùng trong lúc ăn và trước khi đi ngủ ít nhất nửa giờ.

Và cũng phải dành thời gian hằng ngày để chơi với trẻ mà không dùng đến công nghệ, không gián đoạn hay trường hợp ngoại lệ.

Làm thế  nào để hạn chế được?

Hãy thử những cách dưới đây, cách này có thể hiệu quả với cả trẻ em và người lớn:

- Tạo quy định: Giới hạn thời gian sử dụng và thực hiện quy định một cách nhất quán.

- Quy định những nơi không được sử dụng thiết bị công nghệ (như phòng ngủ và trên xe): Hạn chế dùng trong khi ăn, trước khi đi ngủ và trong khi làm việc tại nhà.

- Để những người khác biết đến quy định đó: Bao gồm ông bà, bảo mẫu và hàng xóm để họ không làm thay đổi quy định của bạn.

- Đặt bộ đếm giờ: Giúp trẻ biết được phải ngưng dùng lúc nào. Bé còn có thể đếm ngược cùng máy. Khi hết giờ, màn hình sẽ tắt. Dần dần trẻ sẽ học được cách quản lý thời gian.

- Đưa ra các hoạt động liên tiếp: Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ. Hãy cho trẻ đọc sách, chơi đồ chơi, nói chuyện, đạp xe, chuẩn bị bữa ăn, dắt chó đi dạo, làm đồ thủ công,…

- Tạo các khoảng thời gian không được sử dụng: Thậm chí ngắn thôi cũng được. Hãy thi xem ai có thể không sử dụng trong thời gian dài nhất. Sau đó trao giải thưởng cho người thắng cuộc.

Thảo Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI