Bộ trưởng Nhạ không cần phải tự nhận ‘món nợ’ về mình

26/05/2017 - 14:11

PNO - Bộ trưởng Nhạ “nợ”giáo viên chuyện lương thấp? Tôi thấy báo chí rầm rộ đưa tin thế, cảm động lắm.

Bo truong Nha khong can phai tu nhan ‘mon no’ ve minh
Nguồn ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn

Nhà tôi có nhiều người làm giáo viên và tôi không lạ gì chuyện này. Nhưng nhà tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc "đòi nợ" Bộ trưởng Nhạ.

Theo luật, giáo viên công lập lâu nay là viên chức nhà nước. Lương viên chức nhà nước do Bộ Lao động ban hành. Bộ Lao động buộc phải đối chiếu ngạch bậc, hệ số lương của rất nhiều loại công chức, viên chức với nhau. Bộ Lao động chẳng thể nào tăng lương đáng kể cho giáo viên công lập mà lại không tăng cho các đối tượng khác. Đến Thủ tướng còn chẳng có quyền tăng lương cho các cán bộ, chuyên viên ở Văn phòng Chính phủ ngày ngày giúp việc cho Thủ tướng nữa cơ.

Khi giáo viên công lập là viên chức nhà nước thì Bộ trưởng Nhạ không cần phải tự nhận "món nợ" đó về mình, vì ông chẳng có quyền thay đổi nó.

Ông chỉ có thể tìm cách thay đổi được thu nhập của giáo viên trong một cơ chế quản nhà nước khác hẳn, khi giáo viên không còn là viên chức nhà nước nữa. Họ sẽ được trả lương "theo thị trường".

Muốn thế thì phải có "thị trường giáo dục".

Muốn có "thị trường giáo dục" thì Bộ Giáo dục phải "buông thả" nền giáo dục, để nước ta:

- Có nhiều chương trình giáo dục.

- Có nhiều mô hình trường, lớp.

- Có nhiều bộ sách giáo khoa.

- Địa phương, nhà trường được tự chủ.

- Giáo viên tự do sáng tạo trong dạy học.

- Học sinh tự do phản biện, sáng tạo trong học tập.

- Các trường đại học, cao đẳng tự chủ tuyển sinh.

Nôm na là giống như Bộ Nông nghiệp đã "buông thả" nền nông nghiệp cho nông dân, không bắt người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, theo phương pháp nào... theo chỉ đạo của Bộ như thời hợp tác xã.

Còn nếu Bộ Giáo dục không "buông thả" nền giáo dục để nước ta có "thị trường giáo dục", vẫn "đồng phục" cả nước về chương trình giáo dục, mô hình trường lớp, sách giáo khoa, phương pháp dạy học..., chỉ "thả" mỗi giáo viên ra "thị trường" để "thị trường" tuyển dụng và trả lương cho giáo viên "theo thị trường", thì khác nào đẩy giáo viên vào các "cánh cửa độc quyền" và để họ luôn bị thất thế?

"Thị trường" mà không có sự đa dạng, sự lựa chọn thì không phải thị trường.

Your choice, Sir!

Lương Hoài Nam

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI