Từ nay, họ đã có chỗ an cư

13/03/2018 - 21:41

PNO - Ngày 10/3, Hội LHPN, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới” tại hai xã Khánh Hội và Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, chương trình đến với học sinh, phụ nữ nghèo vùng biên giới. 

Tu nay, ho da co cho an cu
Đoàn công tác bàn giao mái ấm tình thương cho gia đình chị Phụng

Sáng 10/3, chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa thuộc xã Khánh Tiến. Sân trường và hành lang các lớp học đông kín người. Ở đó là những gương mặt phụ nữ hốc hác, đen sạm và khắc khổ; là những cô bé, cậu bé lên tám, lên mười nhưng người thấp còi; là cụ già chống gậy, đi nạng nhích từng bước chân. Ai ai cũng lộ vẻ háo hức, bồn chồn, bởi: “Đây là lần đầu tiên tui thấy đoàn Sài Gòn về xã, cho quà, tặng bồn chứa nước, khám bệnh, cấp thuốc, đủ hết”, như lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mỹ - ngụ tại ấp 8, xã Khánh Tiến.

Hỏi có mấy người con, chị Phan Thị Xuân, thuộc diện hộ nghèo của xã Khánh Hội - tính một hồi rồi thốt lên: “Ủa, không nhớ nữa”. Người xung quanh kêu trời, chị gãi đầu cười cười: “Hình như chín. Đi xa hết rồi, có chồng, có vợ, giờ ở với tui hai đứa”.

Chị Xuân là một trong bốn trường hợp được chương trình hỗ trợ kinh phí xây mái ấm tình thương đợt này. Con đông quá, vợ chồng chị đi cào đất mướn kiếm bữa rau, bữa cháo qua ngày. Không có nhà cửa, đất đai, năm này qua năm khác, cả gia đình tá túc trong chiếc lều được dựng tạm trong rẫy nhà người ta. Khi mấy đứa con đầu trưởng thành, đi làm ăn xa, gửi tiền về mua được miếng đất thì anh Lê Văn Hoàng - chồng chị Xuân - phát bệnh u não. Chị Xuân cũng bị cao huyết áp, bàn tay trái tê cứng. Chị không ngờ có một ngày gia đình mình nhận được tiền cất nhà từ những người xa lạ. 

Năm 2017, đàn vịt gần 30 con của gia đình chị Đặng Thị Phụng thuộc diện hộ nghèo của xã Khánh Tiến - chết đột ngột. Trước đó, chị nuôi heo nhưng lỗ, nợ chưa trả hết. Chị Phụng vốn bị bệnh tim, lại càng xót xa, suy sụp khi đường làm ăn gặp trắc trở. Ước mơ gom góp tiền từ chăn nuôi để cất nhà bỗng chốc tan tành.  Cũng như gia đình chị Xuân, vợ chồng chị Phụng không thể ngờ hôm nay có được căn nhà khang trang, đẹp đẽ. Khi đoàn tới nhà thăm, bàn giao mái ấm, chị Phụng luống cuống, nói hoài câu: “Em cảm ơn, chỉ biết nói cảm ơn thôi”.  

Ngồi lặng lẽ giữa những người dân lam lũ của xã Khánh Tiến, Khánh Hội, trung úy Danh Duy Tân - thuộc Đội Vận động quần chúng, Đồn biên phòng Khánh Hội - miết tay lên tấm bảng tượng trưng tặng mái ấm tình thương vừa được nhận. Anh công tác tại Đồn biên phòng Khánh Hội đã 5 năm. Trước đây, chị Nguyễn Lan Anh - vợ anh - nhận may quần áo tại nhà; từ ngày sinh con đầu lòng, sức khỏe chị yếu, chưa thể làm việc lại được. “Gia đình đang sống nhờ nhà ngoại. Bên nội cho miếng đất nhỏ ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nếu tự xoay xở chắc cũng phải 10 - 15 năm nữa mới làm nhà riêng được” - trung úy Tân nói. 

Trong nhiều giờ ngồi xuồng ôm từng gói quà tới tận nhà tặng gia đình chính sách, hộ nghèo hai xã Khánh Hội, Khánh Tiến, đại tá Nguyễn Duy Thắng - Phó chính ủy Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng TP.HCM - bộc bạch: “Đã là năm thứ ba đồng hành cùng “Nghĩa tình biên giới” lên Tây Ninh, Bình Phước, giờ xuống Cà Mau, cảm xúc trong tôi vẫn như ngày đầu. Hiểu và thương lắm những nhọc nhằn của bà con, anh em chiến sĩ nơi biên giới. Mong rằng, những mái ấm này sẽ giúp các hộ an cư". 

 THANH CƯỜNG

Trong chương trình “Nghĩa tình biên giới” năm nay, chúng tôi đã trao tặng bốn mái ấm tình thương, bốn dàn máy vi tính cho Hội LHPN và Đồn biên phòng xã Khánh Tiến, Khánh Hội; tặng 50 bồn chứa nước sạch cho bà con, 50 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học; tặng 20 phần quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách của hai xã; trao 50 triệu đồng vốn ban đầu thành lập Tổ hợp tác làm cá khô tại Khu tái định cư Lung Ranh, xã Khánh Hội; khám bệnh, cấp phát thuốc và tặng quà cho 300 người. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 600 triệu đồng. Những năm tới, Hội LHPN, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì chương trình này tại các xã biên giới của hai tỉnh Gia Lai và Quảng Trị, nhưng đổi tên chương trình thành “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. 

Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI