Tìm hướng đi từ các hợp tác xã tiêu biểu

06/09/2017 - 09:58

PNO - Ngày 29/8, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức cho 50 phụ nữ (PN) tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số hợp tác xã (HTX) tiêu biểu ở H.Củ Chi, TP.HCM.

Liên kết để lớn mạnh

Nằm ở ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, bên cạnh dòng kênh Đông, HTX Nuôi trồng thủy sản Tương Lai do bà Nguyễn Thị Ánh Loan làm chủ nhiệm trông thật bề thế với những ao nuôi cá rộng hàng héc-ta, gồm 11 ao, ao nhỏ có diện tích 1.800 m, ao lớn nhất 5.000 m.

Bên cạnh là khu ươm giống cá, khu xử lý nước, khu phơi cá, sơ chế... Nhìn cơ ngơi này, nhiều cán bộ, hội viên PN xuýt xoa ngưỡng mộ. HTX ra đời năm 2012 này hiện có bảy xã viên và bốn nhân công.

Tim huong di tu cac hop tac xa tieu bieu
Bà Trần Thị Phương Hoa (thứ hai từ phải) cùng đoàn cán bộ, hội viên PN tham quan mô hình nuôi cá tại HTX thủy sản Tương Lai

Bà Loan kể: “Dì không phải quê gốc ở đây, chồng dì là dân bộ đội, bản thân dì trước đây làm nghề dược, nhưng có lẽ do đam mê con cá nên khi ông anh họ nuôi cá ở đây vào năm 1999, dì đã xin theo và bén duyên với nghề nuôi cá đến bây giờ”. Hiện nay, HTX Tương Lai đang nuôi cá sặc rằn, cá lóc cung cấp cho các chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP.HCM).

Khi được hỏi vì sao lại chọn HTX mà không phải mô hình doanh nghiệp khác, bà Loan bộc bạch, trước đây, gia đình bà đầu tư vài ao nuôi tôm, sau đó chuyển sang nuôi cá, do sản lượng thu hoạch ít nên khó ký hợp đồng tiêu thụ, đầu ra cũng bấp bênh. Nhiều lần giá cá xuống, gia đình phải chịu lỗ.

Thấy bà con ở gần kề cũng có đất canh tác, bà mời họ cùng hợp tác, lập ra HTX. Hiện nay, mỗi ao cho thu hoạch thấp nhất cũng 2,7 tấn cá/vụ. Nhờ sản lượng lớn, ổn định nên việc kiếm nơi tiêu thụ dễ dàng hơn; ngoài nội địa, bước đầu, HTX đã xuất khẩu được cá sặc ra nước ngoài. 

Cùng ấp Cây Trôm, còn có HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn, là một trong những nơi ươm giống cá cảnh xuất khẩu có tiếng của TP.HCM, mỗi tuần đều có hàng xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu. Ông Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc HTX này - cho biết, trước đây, các hộ dân trong xã cũng đã nuôi cá cảnh nhưng nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định nên gia đình ông đã liên kết các hộ, lập ra HTX vào năm 2013.

“Chúng tôi chia thành sáu nhóm, sản xuất sáu chủng loại cá cảnh khác nhau như: cá moly, hoàng lan, hồng kim, tỳ bà (lau kiếng), bảy màu, hắc kỳ. Mỗi tháng, HTX xuất khẩu khoảng 400.000-500.000 con cá cảnh, đảm bảo người nuôi luôn có lợi nhuận cao” - ông Thủy chia sẻ. 

Chia tay hai HTX nuôi trồng thủy sản, đoàn đã đến HTX Thương mại - dịch vụ Củ Chi (thị trấn Củ Chi). Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HTX này - cho biết, trước đây, HTX hoạt động theo mô hình HTX thương nghiệp cũ nên đến năm 1991 thì gần như hết vốn. Năm 1994, HTX được “tái tổ chức” mới có cơ hội phát triển.

Hiện, HTX có hệ thống 23 cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, có 20 xe tải chở hàng hóa đến tất cả các xã, thị trấn của H.Củ Chi, doanh số đạt 750 tỷ đồng/năm. Theo ông Hùng, hiện nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi có mặt ở hầu khắp các khu dân cư, nên các cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ gặp khó khăn. Để tồn tại, phát triển, các cửa hàng này phải có sự liên kết, nâng cấp lên thành HTX, công ty để có thể cạnh tranh, tham gia cung ứng các mặt hàng có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. 

Nâng tầm các tổ, nhóm, cửa hàng của Hội 

Theo Hội LHPN TP.HCM, trong thời gian qua, các tổ ngành nghề, tổ PN giúp nhau phát triển kinh tế (tổ may gia công, kết cườm, hoa voan, làm trang sức pha lê, thêu tranh chữ thập, làm lồng đèn, may áo cưới, nấu ăn, làm móng, uốn tóc…) tiếp tục được các cấp Hội xây dựng, hỗ trợ.

Tính đến nay, Hội đã xây dựng được 445 tổ với 7.800 thành viên đồng thời thành lập được 5 tổ hợp tác với 135 thành viên. Hội cũng đã vận động thành lập được 92 cửa hàng, trong đó có 82 cửa hàng liên kết do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) hỗ trợ thành lập. 

Theo bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, đợt tham quan các mô hình HTX ở H.Củ Chi lần này nhằm nâng cao chất lượng các tổ, nhóm ngành nghề, tổ liên kết PN giúp nhau phát triển kinh tế. 

Thông qua việc học tập thực tiễn tại các HTX, các cán bộ hội và các chủ cơ sở có thể thấy được những hạn chế của các tổ ngành nghề, tổ liên kết để cải thiện theo hướng tốt hơn. Ví dụ, ở Củ Chi, có nhiều hội viên nuôi heo nhưng đều sản xuất theo hộ, nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh.

Các hội viên này hoàn toàn có thể tính tới việc thành lập HTX để kết nối tốt hơn với các đầu mối tiêu thụ lớn. Thông qua chuyến tham quan này, các hội viên kinh doanh nhỏ lẻ cũng nhìn nhận rõ hơn con đường để cạnh tranh, tồn tại trong bối cảnh hiện nay. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI