Người 'tuyệt vời nhất khu phố'

22/06/2018 - 14:00

PNO - Đó là bà Trương Thu Hường - sinh năm 1945, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4, P.5, Q.5.

Chị bán trái cây đối diện chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM) hướng ánh nhìn về phía một người đang bước đi chậm chạp trên đường Bùi Hữu Nghĩa, nói với tôi: “Cô Hường tuyệt vời nhất khu phố chị đó em”. Người mà chị nói là bà Trương Thu Hường - sinh năm 1945, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4, P.5, Q.5. 

Nguoi 'tuyet voi nhat khu pho'
Bà Hường (bìa trái) hỏi thăm, động viên chị Và (bìa phải)

Tới tiệm cơm tấm của chị Nguyễn Ái Và, bà Hường dừng lại hỏi thăm. Chị Và siết chặt tay người cán bộ hội, kể chuyện vui: “Con gái con đang học cao đẳng, cháu rèn thêm tiếng Anh để dễ xin việc. Con trai đi nghĩa vụ quân sự về đang phụ con bán cơm. Nhờ Hội giúp kịp thời, cả nhà con đã dễ thở hơn rồi”.

Chồng đi phụ hồ, chị Và bị hở van tim từ nhiều năm trước, kinh tế chật vật khiến bệnh tình chị cũng ngày càng nặng hơn. Bà Hường đã chủ động đề xuất Hội LHPN P.5 hỗ trợ kinh phí để chị Và mua tủ, nguyên vật liệu bán quán cơm. Có cân gạo, chai mắm, bà cũng để dành tặng chị. 

Trong khu phố, có anh K. cai nghiện hồi gia, mặc cảm nên cứ ở lì trong nhà. Chị A. - vợ anh K. - trước bán hủ tíu, sau phải ngưng bán vì chính tại nơi bán ấy, chồng chị bị kẻ xấu rủ rê vào con đường nghiện ngập ma túy. Mặc anh chị tránh né, bà Hường vẫn đều đặn tới nhà hỏi thăm, tìm hiểu nguyện vọng.

Nghe chị A. “muốn bán bánh mì mà không có vốn”, bà Hường liền trình bày với Hội LHPN P.5, bảo lãnh cho chị A. vay. Có xe bánh mì, anh chị K. có việc làm, có đồng vô đồng ra, dần vơi đi mặc cảm. Con trai anh chị học ngành công nghệ thông tin, giờ đã có việc làm. 

Chồng qua đời do đột quỵ vào năm 1996, bà Hường một mình gồng gánh nuôi 4 người con. Mở quán cà phê nhỏ trước nhà, bà vừa lo kinh tế, vừa làm công tác Hội Phụ nữ. Lần nọ, có vợ chồng Việt kiều từ Mỹ về ghé uống cà phê. Lúc dọn dẹp ly tách, phát hiện dưới chân bàn có túi xách rất mới, bà mang cất vào tủ rồi chạy ra chỗ mấy chị bán trái cây trước chợ Hòa Bình, dặn: “Có ai kiếm túi xách thì kêu tui nghen”.

Cả ngày, mẹ con bà chẳng dám đi đâu, cứ ngồi trước cửa chờ, mãi tới chiều, tính mang túi lên công an phường nộp thì vợ chồng vị khách lúc sáng quay lại, rụt rè hỏi chuyện. Trong túi có điện thoại, máy ảnh, vé máy bay, hộ chiếu và tiền mặt, tổng trị giá gần 50 triệu đồng. Nhận lại tài sản, người đàn ông níu tay bà: “Cô tốt quá. Mất tiền, bọn con có thể kiếm lại, nhưng hộ chiếu và lòng tin thì khó lắm”.

Nhiều người biết chuyện, hỏi vợ chồng Việt kiều ấy có “biết điều” không? Bà Hường cười hiền: “Cha tôi dạy không phải của mình thì đừng bao giờ lấy; vật ấy dù giá trị lớn đến đâu cũng không bằng nhân cách”. Thực tế, hai vị khách Việt kiều có rút ra mấy trăm USD hậu tạ nhưng chủ quán cà phê không nhận, nên rất xúc động.

Lần khác, có hai thanh niên giật điện thoại của một cô gái, sau đó lao xe về phía đường Bùi Hữu Nghĩa tẩu thoát. Anh Nguyễn Tuấn Anh (con trai bà Hường) cùng anh Hồ Thái Tuấn đã dũng cảm chặn bắt tên cướp giao công an, đồng thời trả lại tài sản cho nạn nhân. 

Từ TP.Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Cúc vào TP.HCM làm dâu nhà bà Hường. Thấy mẹ chồng quá vất vả, chị dạo quanh chợ Hòa Bình, gặp gỡ chị em tiểu thương, tìm hiểu cách làm ăn. Năm 2004, Chi hội Phụ nữ khu phố 4 cho chị vay 500.000 đồng. Với số tiền này, chị Cúc mua 150 cái khăn mặt và bắt đầu sự nghiệp buôn bán. Đến năm 2008, chị vay thêm 5 triệu đồng, cam kết sau 2 năm sẽ hoàn trả. Bà Hường dặn con dâu: “Dù nghèo, dù vất vả đến đâu, mình cũng phải giữ đúng lời hứa nghe con”.

Sau 10 năm, từ bán khăn mặt đến đồ trẻ em, nay chị Cúc đã có một sạp quần áo với nguồn vốn hơn 100 triệu đồng. Không chỉ trả nợ đúng hạn, hằng năm, chị còn ủng hộ 700.000 đồng cho quỹ học bổng của địa phương. Chị còn vận động được 3 phụ nữ vào Hội, đồng thời cho vay vốn không lãi, truyền kinh nghiệm buôn bán cho chị em trong khu phố. 

Nhắc đến bà Hường, bà Võ Thị Thanh Thủy - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Q.5 - khâm phục: “Ngoài 70 tuổi, hai khớp gối đau, đi lại khó khăn nhưng chưa ngày nào cô Hường ngơi việc Hội. Làm chi hội trưởng hơn 20 năm, cô hiểu rõ hoàn cảnh từng hội viên, qua đó có những đề xuất kịp thời, giúp chị em về vốn làm ăn, bảo hiểm y tế, hỗ trợ đột xuất khi đau ốm. Tuy không dư dả, nhưng cô Hường luôn dành dụm tiền để hỗ trợ các quỹ học bổng khuyến học”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI