Người cán bộ Hội mỗi ngày đưa cơm cho người già

23/07/2017 - 21:08

PNO - Nắng trưa rát mặt, cô Võ Thanh Xuân (SN 1957, ngụ tại 69 Tân Vĩnh, P.6, Q.4, TP.HCM) từ UBND phường đến quán cơm chị Loan trong cư xá lấy hai phần cơm rồi quay ngược trở lại xóm chợ để đưa cho hai cụ già neo đơn.

 Cụ Nguyễn Thị Mân (82 tuổi) đang ngồi ngay bậc cửa ngôi nhà hẹp chừng 7m2 (170/28L/8 Bến Vân Đồn, P.6, Q.4) nheo mắt ngóng ra đường, trông thấy cô Xuân, liền cười móm mém: “Quen rồi. Cứ đến giờ này là tui biết cổ tới nên ra đây chờ”. 

Nguoi can bo Hoi moi ngay  dua com cho  nguoi gia
Cô Xuân cùng cháu đến đưa cơm cho cụ Mân. Hè, cô thường dắt cháu cùng đi để dạy cháu biết sống yêu thương, chia sẻ

Tay run run chia hộp cơm thành hai phần cho bữa ăn trưa và chiều, cụ kể, xưa cụ không lập gia đình, khi cha mẹ mất hết, cụ sống trong tuổi già cô độc. Hơn hai năm trước, sức khỏe yếu hẳn, cụ Mân dường như chỉ ở một chỗ và không thể tự mình lo được cái ăn. Đó là lý do mà hơn hai năm qua, cứ đúng 11g30 mỗi ngày, cô Xuân lại mang cơm đến cho cụ. 

Đưa cơm cụ Mân xong, cô Xuân ghé sang chợ để đưa cơm cho cụ Thái Thị Hía (quen gọi là bà Ba Ri, 80 tuổi). Cũng đơn thân như cụ Mân, nhưng cụ Hía kém may mắn hơn, vì không có được mái nhà tránh mưa tránh nắng. Mỗi ngày, cụ bán vé số, đến tối thì về ngủ nhờ ở địa chỉ 170/277 Bến Vân Đồn.

Hiện tại, cô Xuân là phó ban điều hành khu phố 3, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN phường 6, tổ trưởng tổ dân phố 28... Với vai trò nào, cô cũng hoàn thành thật tốt nhờ uy tín được tạo nên từ tấm lòng nhân ái. Còn những việc không tên của Hội thì không sao kể hết được. Cô vận động các chủ quán ăn trong phường thực hiện thường kỳ “bữa ăn nghĩa tình”, mỗi đợt lên đến 200 suất. Ngày hội tòng quân, cô Xuân đã huy động những người thợ lành nghề đến cắt tóc cho tân binh, rồi chính tay cô chỉnh sửa trang phục, quần áo cho từng người. Với những việc mình làm mỗi ngày, cô Xuân nói: “Chuyện bình thường mà, ai cũng làm được. Mang niềm vui đến cho mọi người thì niềm vui của mình cũng nhân đôi”.

Ở tuổi 60, nhìn cô hoạt động không mệt mỏi và nụ cười luôn thường trực, ít ai biết rằng cô đang phải chống chọi với bệnh tật. Năm 2000, phát hiện mình mắc bệnh ung thư, cô bắt đầu điều trị một cách nghiêm túc theo phác đồ của bác sĩ; “cô quý thời gian nên việc gì cũng làm, 24 giờ đồng hồ mỗi ngày không đủ thời gian cho cô làm việc”. Sự lạc quan, niềm vui trong công tác xã hội và sự hoạt động không ngơi nghỉ khiến cô không còn thời gian để buồn. Vừa rời khỏi bệnh viện sau đợt hóa trị cuối tháng Sáu vừa qua, người gầy rộc và xanh xao hẳn, nhưng điều đầu tiên cô làm khi trở về nhà là tặng ba thẻ bảo hiểm (mỗi thẻ trị giá 654.000đ) cho ba cụ già có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố. Kế hoạch tiếp theo của cô là vận động 500 quyển tập để trao cho học sinh nghèo bước vào năm học mới.

Gắn với hoạt động Hội nhiều chục năm qua, cô Xuân cho rằng công tác tập hợp phụ nữ không hề dễ dàng. “Cán bộ Hội phải ráng tìm hiểu, đi sâu đi sát để giúp chị em hiểu được những quyền lợi của mình. Có nhiều chị em muốn buôn bán, làm ăn nhưng không có nguồn vốn, Hội nên giúp họ tiếp cận nguồn vốn. Đó cũng là cách thức hiệu quả để chúng ta thu hút hội viên”.

Chị Trần Thị Mai Ly - Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.4 - nói về cô Xuân trong niềm xúc động: “Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, má Xuân đều đặn đưa cơm cho người già với cả tình thương và trách nhiệm, chẳng khác nào họ là cha mẹ mình. Đây là điều không mấy ai làm được. Sự gần gũi, nhiệt tình của má Xuân đã hỗ trợ mình rất nhiều trong công tác phụ nữ của phường. Má thức khuya dậy sớm, là người đi sớm về muộn trong mọi hoạt động của Hội”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI