Hạnh phúc sau những nhọc nhằn

09/03/2018 - 16:30

PNO - Với bà, Hội như một mối duyên lành giúp mình đi qua những ngày tháng chênh vênh rồi từ đó đồng hành, chia khó cùng chị em.

Hanh phuc sau nhung nhoc nhan
Ngoài thời gian lo việc Hội, bà Quới còn phụ con gái chăm sóc cháu ngoại

NGƯỜI CÁN BỘ HỘI NĂNG NỔ

Hôm tôi về phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM tìm hiểu phong trào phụ nữ (PN) tại đây, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN phường - nói ngay: “Mặc dù bị giải tỏa trắng tới 13 tổ, hiện chỉ còn 2 tổ PN với hơn 50 hội viên, nhưng hoạt động Hội và phong trào PN ở khu phố 2 vẫn rất mạnh. Cô Trần Thị Quới - Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 2 - là người tiên phong làm kinh tế, giúp đỡ chị em mọi mặt, đồng thời sáng lập quỹ tiết kiệm, xoay vòng vốn, giúp hội viên giải quyết những vấn đề cấp thiết như đóng học phí, mua quần áo, sách vở cho con, lo viện phí khi ốm đau”.

Ở tuổi 66, bà Quới tạo ấn tượng cho người đối diện bởi nụ cười hiền từ, mái tóc muối tiêu và dáng đi nhanh nhẹn. Nhà nằm trong diện giải tỏa, năm 2014, bà cùng con gái út là chị Nguyễn Kỳ Duyên chuyển qua P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 sinh sống. Vốn là Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 2, P. Bình Khánh ngót nghét 20 năm nay nên dù về nơi mới, bà vẫn bám cơ sở qua những cuốc xe sớm chiều. 

Vợ chồng chị V. lục đục, chồng thường xuyên uống rượu về đánh vợ. Biết chuyện, bà Quới tìm hiểu, mới biết do kinh tế eo hẹp, lại lấn cấn chuyện đền bù, giải tỏa nên anh H. - chồng chị V. - đâm ra bức bối. Anh là thợ hàn, chị làm nội trợ, hai đứa con đang tuổi ăn học và gia đình thuộc diện hộ nghèo. Bước đầu, bà Quới đứng ra giới thiệu cho chị V. vay vốn Hội để đầu tư máy móc may gia công. Tiếp đó, quỹ tiết kiệm của Chi hội PN khu phố 2 cũng hỗ trợ tiền học phí đầu năm cho các con chị. Từ chỗ “lơ” cán bộ hòa giải cơ sở, vợ chồng chị V. dần mở lòng, cùng nhìn ra cái sai của mình và quyết tâm hàn gắn hôn nhân. 

Ngày 8/5/2017, Hội LHPN Q.2 khai giảng lớp “Tỉa hoa nghệ thuật trên củ, quả”, bà Quới là một trong 50 học viên đầu tiên của lớp. Tuy lớn tuổi nhất nhưng bà chưa vắng buổi học nào. Bà Quới còn phụ trách câu lạc bộ dưỡng sinh của Hội LHPN 
P. Bình Khánh, tham gia lớp học tiếng Anh căn bản do Hội LHPN và Liên đoàn Lao động Q.2 phối hợp tổ chức. Hỏi mục đích đi học, bà Quới cười hiền: “Tôi kiên trì học thầy, học bạn, phần vì vui, phần muốn theo đuổi môn nghệ thuật tỉa hoa cũng như các kiến thức mới về thể dục thể thao, ngoại ngữ để chia sẻ lại cho chị em hội viên PN khu phố. Tuy không nhanh nhẹn như học viên trẻ, nhưng tôi đã tỉa được hoa hồng, búp sen, hoa cúc, chim bồ câu rồi”. 

ĐI LÊN TỪ NGHÈO KHÓ

Sáng mồng Bốn tết Mậu Tuất, bà Quới đứng trước bàn thờ chồng, phấn khởi khoe ba đứa con nay đã lập gia đình, có việc làm ổn định, thêm vào đó là hai thằng cháu ngoại “siêu quậy”. Ông rời cõi tạm đã 30 năm, cũng là chừng ấy thời gian, bà nếm trải trăm ngàn cay đắng của một người mẹ đơn thân.

Bà Quới lập gia đình năm 20 tuổi. Hồi ấy, bà làm thư ký ở Sở Công chánh Sài Gòn, còn chồng nhận quần áo bộ đội về gia công. Ba người con Quang Điền, Mai Duyên, Kỳ Duyên lần lượt chào đời. Bà tự học nghề may, buổi tối về nhà phụ chồng để có thêm đồng ra đồng vô. Khi Kỳ Duyên chưa tròn tuổi, chồng bà qua đời vì bạo bệnh đúng vào những ngày tết Nguyên đán năm 1989. Người mẹ trẻ phải rời sở làm, ở nhà bán tạp hóa để có thời gian chăm sóc các con.

Nhắc chuyện xưa, bà Quới đúc kết: “Chua như giấm”. Rất nhiều năm trong thời tuổi trẻ, bà không có một giấc ngủ ngon. Cứ hai, ba lần/tuần, bà nhảy xe đò đến Đồng Nai mua chôm chôm, sầu riêng mang về TP.HCM bán. Buổi tối, bà nhận sửa quần áo, khuya thì cặm cụi làm bánh tiêu để bán vào sáng hôm sau. 

Năm 2001, nhờ sự tư vấn, khích lệ và nguồn vốn do Hội LHPN, Ban Xóa đói giảm nghèo P. Bình Khánh giới thiệu vay, bà viết dự án thành lập mô hình thu nhận lao động nghèo giặt khăn ăn cho các nhà hàng, khách sạn. Từ bốn máy may, hai máy sấy quần áo và sáu nhân công những ngày đầu, cơ sở của bà dần tăng lên 12 lao động, đều thuộc diện hộ nghèo của phường. Lúc bấy giờ, thu nhập 600.000 - 1,2 triệu đồng/người/tháng là một khoản không nhỏ. Tại chỗ làm, bà cũng hì hục theo ca như bao nhân công khác, hết giặt, sấy đến ủi, phơi khăn, rồi lại chạy tìm đối tác. 

Bà phấn khởi: “Đến năm 2015, do tôi phải chuyển nhà, các hộ khác cũng vậy nên mô hình này dừng lại. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là gia đình 12 anh, chị công nhân của tôi đều đã thoát nghèo, có người chuyển qua giữ trẻ, làm tạp vụ, có người buôn bán. Bây giờ, không còn quá lo lắng về kinh tế nữa, tôi muốn dồn nhiều tâm sức hơn cho Hội”. 

THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI