Đối thoại cùng lãnh đạo thành phố: Giấc mơ về một nền giáo dục công bằng

17/10/2017 - 14:42

PNO - Bên cạnh vấn nạn bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; thiết chế văn hóa kém, cuộc đối thoại giữa cán bộ, hội viên phụ nữ với lãnh đạo thành phố còn đọng lại nhiều trăn trở về giáo dục.

Chị Phạm Thị Thành – Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Bình hỏi: “Hiện nay học sinh bị quá tải trong học tập, hiện tượng chạy trường, chạy lớp không dừng lại… Phải chăng chất lượng giáo dục của chúng ta đang có vấn đề? Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chưa ngang bằng nhau? Xin hỏi  Sở GD-ĐT TP.HCM có giải pháp gì nhằm đổi mới phương pháp dạy và học để giảm tải cho học sinh mà vẫn đảm bảo được chương trình dạy học do Bộ GD-ĐT quy định và nâng chất hoạt động giảng dạy tại các trường vùng ven, ngoại thành để tránh việc chạy trường, chạy lớp? Phương pháp nào để khuyến khích học sinh tích cực, sáng tạo, tạo môi trường thân thiện giữa nhà trường và phụ huynh, giữa giáo viên và học sinh?

Doi thoai cung lanh dao thanh pho: Giac mo ve mot nen giao duc cong bang
Chị Phạm Thị Thành cho rằng có sự mất cân bằng trong chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất giữa các trường

Bên cạnh đó, chị Thành cũng đề nghị tăng cường các chương trình giáo dục kỹ năng sống, chương trình học ngoại khóa; tăng cường đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nắm bắt tâm lý và tư vấn, giao tiếp với học sinh, kỹ năng giúp trẻ hòa nhập… đặc biệt đối với những trẻ tự kỷ và học sinh cá biệt.

Bức xúc trước thực trạng những học sinh tự tử trong thời gian vừa qua, chị Nguyễn Thị Đào – BCN CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, P3, quận Bình Thạnh đề xuất cần xem lại chương trình học tập có quá tải với học sinh không? Có bao giờ nguyên nhân đó bắt nguồn từ chính cách ứng xử của giáo viên làm học sinh xấu hổ? Phải chăng nguyên nhân đó còn xuất phát từ sự thờ ơ của gia đình?

Chị Đào đề xuất, nhà trường mà cụ thể là thông qua đội ngũ giáo viên đứng lớp, GVCN cần quan tâm đến diễn biến tư tưởng của học sinh. Mỗi trường cần bố trí bác sĩ hay chuyên viên chuyên về tâm lý để hỗ trợ cho các em. Để làm được việc này cần có chế độ, chinh sách cho những người làm công tác làm tư vấn học đường. Nên chăng có định biên, chế độ cho người làm công tác tham vấn học đường?

Chị Nguyễn Ngọc Toàn – Phụ huynh học sinh trường TH Võ Thị Sáu, quận Gò Vấp đề nghị Sở GD-ĐT cho biết một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường trong thời gian tới, cũng như triển khai các mô hình phòng ngừa bạo lực xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em? Ngành giáo dục cần chỉ đạo các trường tăng cường đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử nhanh, phòng chống xâm hại, phòng chống bạo lực; tăng cường sân chơi lành mạnh cho con trẻ. Tôi đề xuất ngành giáo dục thành phố có thể đưa các vụ việc và hình thức xử lý cụ thể liên quan đến bạo lực học đường vào các giờ sinh hoạt đầu tuần; đồng thời đưa môn võ tự vệ vào chương trình học chính khóa.

Từ góc độ là một nhà quản lý giáo dục bà Lương Thị Liễu- Hiệu trưởng trường Giồng Ông Tố, Q.2 cho rằng học sinh bạo lực một phần là ở trường không có chỗ chơi, không có môi trường rèn luyện kỹ năng sống. Khi trường đủ điều kiện, các học sinh sẽ có môi trường phát triển đầy đủ hơn. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, học sinh có hành vi bạo lực không chỉ vì môi trường học đường chưa tốt, mà còn có nguyên nhân rất lớn từ gia đình, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục hành vi, định hình nhân cách trẻ.

Chia sẻ với nhận định này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Chủ tịch Hội LHPN TP cho rằng nếu như hàng ngày trong gia đình đứa trẻ phải chứng kiến bố mẹ gây gỗ, bạo hành lẫn nhau, tức trẻ đã thiếu sự an toàn, thân thiện. Ngoài xã hội, nơi công cộng cũng vậy, nếu không có sự yêu thương, giúp đỡ mà chỉ có ngôn từ, hành động xúc phạm lẫn nhau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đứa trẻ và cá nhân mỗi phụ nữ.

Doi thoai cung lanh dao thanh pho: Giac mo ve mot nen giao duc cong bang
Bà Bùi Thị Diễm Thu trả lời những câu hỏi của cán bộ, hội viên phụ nữ về giáo dục

Trả lời những ý kiến của các hội viên, phụ nữ đặt ra, bà Bùi Thị Diễm Thu- Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Những năm học này, Sở GD - ĐT đã tăng cường các tiết ngoại khóa và tăng cường kỹ năng sống cho các em ở từng cấp học. Ý kiến chị Thành là có sự không ngang bằng trong trang bị cơ sở vật chất cho các trường là không đúng, bởi chúng ta đã đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, ngoại thành. Tuy nhiên do điều kiện ở các huyện ngoại thành, xa xôi, quản lý khó khăn. Về chất lượng giáo dục, tôi đánh giá chất lượng giáo dục như nhau”.

Áp lực học làm học sinh quá tải? Bà Thu cho rằng do phụ thuộc chương trình chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo nên dù Sở đã có chủ trương, đã tiến hành giảm tải, nhưng chưa triệt để. Tuy nhiên, ngoài chương trình học, cũng tổ chức nhiều chương trình nhằm giải tỏa tâm lý cho HS. Thời gian gần đây có thông tin các học sinh tự tử. Đơn cử, hai học sinh tự tử ở Q.Bình Thạnh mới đây do các em bị bệnh, do các em, bị strees. Áp lực nhiều phía… Đối với các trường ngoại thành, vùng ven, đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc xã hội hóa, trang bị những cơ sở vật chất, trang thiết bị không bằng nội thành.

Vấn đề áp lực học hành dẫn đến quá tải, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động để các em giải tỏa tâm lý. Qua việc 2 em học sinh tự tử, Sở nhận thấy, gia đình cần phối hợp với nhà trường nhiều hơn. Chúng tôi cũng đẩy mạnh nâng cao kỹ năng tư vấn tâm lý từ giáo viên. Về vấn đề học sinh tự kỷ: đây là một hội chứng, do xã hội, do nếp sống. Thành phố hiện nay đã có 3 trung tâm phát triển và hòa nhập. Khi phát hiện những trẻ em có triệu chứng, chúng ta nhanh chóng đưa các em đi thăm khám".

Doi thoai cung lanh dao thanh pho: Giac mo ve mot nen giao duc cong bang
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố

Trao đổi xung quanh những vấn đề về giáo dục cùng hội viên phụ nữ và cả đại diện lãnh đạo ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố thẳng thắn: “Về vấn đề giáo dục, thành phố đầu tư nhiều cho giáo dục nhưng nếu hỏi sự đầu tư của chúng ta có công bằng, hiệu quả cho các em, các cháu hay chưa? Chưa!

Chúng ta cần rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc về vấn đề này. Rõ ràng, sự thụ hưởng, phúc lợi xã hội chưa có sự công bằng cho các cháu, các em, chất lượng giáo dục hiện không đồng đều trên địa bàn TP. Chúng ta phải soát xét lại, xem chỗ nào là chỗ trũng, chỗ nào là chỗ khuyết, trách nhiệm lãnh đạo thành phố phải biết và từ đó có sự đầu tư hiệu quả, trả lại sự công bằng trong thụ hưởng giáo dục của tất cả trẻ em.

Những phản ánh của các chị hôm nay cho thấy HĐND chưa “chạm” tới vấn đề này… Từ nay, HĐND thành phố cần giám sát ủy ban về kinh phí đầu tư hàng năm cho giáo dục. Đầu tư vô đâu để đảm bảo cho công bằng? Rõ ràng qua cuộc đối thoại này, chúng tôi, HĐND thành phố chưa quyết liệt, đúng mức để điều phối ngân sách cho hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa - giáo dục. Trách nhiệm này của HĐND TP. Chúng tôi chưa ra những quyết định đúng tầm để giải quyết các vấn đề này”.

Nghi Anh - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI