Chiếc cầu nối những bờ vui

24/11/2017 - 15:40

PNO - Ngày 22/11, Hội LHPN TP.HCM và Ủy ban nhân dân H. Bình Chánh phối hợp tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình cầu Bà Tiễn, ấp 1, xã Phong Phú, H. Bình Chánh, TP.HCM.

Chiec cau noi nhũng bo vui
Người dân ấp 1 trong ngày vui khánh thành cầu Bà Tiễn

KHÁT KHAO MỘT CHIẾC CẦU

Còn nhớ ngày tôi chạy dọc bờ đê, theo chân chị Bùi Thị Kiều, người dân ở tổ 18, ấp 1, xã Phong Phú thăm khu “cù lao” nằm giữa đường Ông Niệm và đường Bảy Quang. Vùng đất toàn ao sen, bồn bồn, đầm cá, đầm tôm, chỉ có hơn 60 hộ dân mà từ nhà này đến nhà kia nhìn ngút mắt.

Chị Kiều cho biết: “Ngày má tôi, bà Sáu Tiễn (tên thật là Nguyễn Thị Mãnh, vợ ông Bùi Văn Tiễn) về cất nhà ngay rạch này thì cây cầu do má cùng người dân bắc tạm bằng cây dừa và gỗ ghép, nên được  gọi là “cầu bà Tiễn”. Chị nói thêm: “Dân nghèo đơn giản vậy đó, đầu “cù lao” này là cầu Bà Tiễn thì cuối đường là cầu Bảy Quang (cạnh nhà ông Lê Văn Quang - lão nông sống lâu năm nhất ở xứ này). Thời chúng tôi về đây ở, chưa có đường đi, mấy bờ đê này bà con đắp xây dần mới có. Ban đầu là lối đi bộ, sau chạy được xe như vầy là phải biết bao nước mắt, mồ hôi”.

Chiec cau noi nhũng bo vui
Chị Ba Thép nói: “Nay có cầu, tôi yên tâm chở bồn bồn đi bán rồi”

Đang ngụp nửa người trong bùn nhổ bồn bồn, thấy chúng tôi cùng đoàn đi khảo sát làm cầu, anh Nguyễn Văn Thép (thường gọi là Ba Thép) cười hì hì: “Vậy là kỳ này chắc chắn có cây cầu nghen. Ngày nào bà xã tôi cũng chở bồn bồn đi giao, mấy đứa nhỏ chạy xe đi học, qua đó lắt lẻo lắm”.

Anh Ba Thép cùng vợ con sống ở vùng đất này gần 20 năm qua. Ban đầu, anh cũng nuôi tôm, nuôi cua, nhưng mấy năm gần đây, thấy nghề trồng bồn bồn phát triển, anh bèn chuyển nghề. Ngày ngày, từ 4g sáng, anh đã ngâm mình dưới ruộng để nhổ bồn bồn vừa lứa, hoặc cấy dặm thêm bồn bồn con. Trên bờ, sát căn chòi, nơi trú ngụ của cả gia đình, chị Trương Thị Tám - vợ anh - nhanh tay tước vỏ, lộ ra từng cái đọt bồn bồn trắng muốt, xếp đều, bó lại để cân. Cả ngày, chị tước chừng 18 - 20 ký bồn bồn, mỗi ký tươi bán được khoảng 18.000 - 30.000 đồng tùy thời vụ. 

Trời sập tối, khi anh Ba Thép lên hẳn nhà chòi, chị Tám cũng ràng rịt bồn bồn vào xe đạp, chở hàng đi giao cho mối. Cuộc sống yên bình, anh chị không mơ ước nhiều vì đứa con trai lớn của anh chị đã tốt nghiệp cao đẳng, đi làm, con gái cũng đang là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học. Nhưng mơ ước có cây cầu tươm tất để đi lại dễ dàng cứ canh cánh trong lòng họ. 

Vừa thoăn thoắt tưới những luống đậu que, khổ qua, rau cải xanh, chị Lê Thị Thu Hồng kể rất thật thà: “Hồi trước, tôi với bạn bè trong xóm toàn lội mương, chèo ghe đi học. Năm ngày thì hết ba ngày tới lớp bị ướt nhẹp, hoặc dính toàn bùn đất, nên học chưa hết cấp II thì nghỉ. Bây giờ, cuộc sống đỡ hơn. Chỉ thương tụi nhỏ nếu bỏ học sớm như tụi tôi thì sau này biết sống bằng gì. Giá mà cầu Bà Tiễn làm nối thẳng ra mặt lộ, tụi tôi sẽ đỡ canh giờ đưa đón tụi nhỏ từ đầu cầu này sang bờ đất kia”.

TIẾNG HÁT NGÀY VUI

Khi tiếng hát “Về đây quê tôi, Phong Phú yêu thương, hôm nay đang đổi thay từng ngày” vang lên sáng nay, trong buổi lễ khánh thành công trình, người dân đứng chật kín tại khu vực cầu Bà Tiễn đã hào hứng vỗ tay theo nhịp. Những cô cậu bé tầm năm, bảy tuổi còn lắc lư cùng điệu nhạc. Mơ ước về một cây cầu kiên cố, nối liền từ hẻm Bảy Quang với đường Ông Niệm của gần 60 hộ dân đã thành hiện thực. 

Cầu dài 22m, rộng 2,5m, gồm ba nhịp; tổng kinh phí xây dựng hơn 659 triệu đồng (tăng hơn 100 triệu đồng so với dự toán ban đầu). chiếc cầu đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân địa phương về một cây cầu bê tông chắc chắn, thuận tiện, đảm bảo an toàn để đi lại, giúp các em nhỏ thuận tiện đến trường và việc vận chuyển hàng hóa cũng dễ dàng hơn. Cầu hoàn thành, kết nối các vùng sản xuất của các hộ dân tại khu vực tổ 18. 

“Ngày khánh thành cầu Bà Tiễn tại xã Phong Phú hôm nay là một ngày vô cùng ý nghĩa không chỉ với riêng của bà con tổ 18, ấp 1, xã Phong Phú mà còn với tất cả hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên H. Bình Chánh và hội viên phụ nữ TP.HCM, vì đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Hy vọng cây cầu mới sẽ góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, giúp tăng giá trị hàng hóa, nông sản, giúp người dân tăng cường kết nối, giao thương, khơi dậy tiềm năng phát triển, đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới” - bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, xúc động phát biểu.

Đứng tựa lưng trên cây cầu mới, cạnh những chậu hoa hồng nho nhỏ, hít một hơi căng lồng ngực, chị Bùi Thị Kiều hồ hởi: “Mừng nhất các cụ già, em nhỏ không còn lo ngại bị trượt té mỗi khi mưa gió”. Thật vậy, từ những xẻng cát đầu tiên cách đây hơn 5 tháng (khởi công ngày 19/4/2017), giờ đây, cây cầu bề thế đã hiện hữu trong niềm vui chung của mọi người.  

HẠNH CHI - TÂM UYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI