Giao lưu trực tuyến 'Nuôi con bằng sữa mẹ: không khó

16/10/2019 - 16:23

Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, báo Phụ Nữ phối hợp với Bệnh viện (BV) quốc tế Hạnh Phúc tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Nuôi con bằng sữa mẹ: không khó”.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Mai - Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ (bìa trái) tặng hoa cho bác sĩ Đào Thị Yến Thủy và bác sĩ Lê Văn Đức - hai chuyên gia tư vấn tại buổi giao lưu ngày 7/8.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Nhi Đồng, trong số 850 trẻ dưới 6 tuổi bú sữa mẹ, chỉ có 162 trẻ mắc bệnh đường hô hấp (chiếm 19,1%); trong số 685 trẻ bú sữa ngoài, có 207 trẻ mắc bệnh (30,2%). Điều này cho thấy, sữa mẹ có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh hô hấp ở trẻ. 

Làm sao để có đủ sữa mẹ cho trẻ bú trong 6 tháng đầu? Thân hình gầy, bầu ngực nhỏ có ảnh hưởng đến lượng sữa cho con bú không? Có nên cho bé bú kèm sữa bột? Làm cách nào để tăng chất lượng sữa mẹ? Nuôi con bằng sữa mẹ có khó hay không? Thức đêm cho con bú có ảnh hưởng sức khỏe không? Cách giải quyết những khó khăn trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ?... Tất cả những thắc mắc trên và các câu hỏi do bạn đọc gửi đến sẽ được giải đáp đầy đủ, cụ thể.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Khách mời của chương trình:

Bác sĩ Lê Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Quốc tế Hạnh Phúc, cố vấn cao cấp Sản phụ khoa BVQT Hạnh Phúc, giảng viên quốc gia Chương trình “Nuôi con bằng sữa mẹ” .

Bác sĩ chuyên khoa I Nội nhi Đào Thị Yến Thủy -  cố vấn cao cấp về dinh dưỡng BV quốc tế Hạnh Phúc. 

* Thời gian: 14g00 - 16g00 chiều thứ Hai, 7/8/2017.
Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi trên Báo điện tử Phụ Nữ (http://phunuonline.com.vn). 

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu trực tuyến:

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Chào bác sĩ! Cho trẻ bú mẹ đến bao nhiêu tháng là tốt ạ? Con em bú mẹ bây giờ được 15 tháng rồi. (Nguyễn Thị Hoàng Oanh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên duy trì cho con bú mẹ đến 18-24 tháng hoặc lâu hơn.

Nếu bé bú mẹ và ăn dặm đạt mức độ tăng trưởng cân nặng và chiều cao bình thường theo biểu đồ tăng trưởng thì em nên cho con tiếp tục bú mẹ.

Chỉ ngưng bú mẹ khi mẹ có thai lại hoặc bị bệnh nặng phải dùng thuốc không thể cho bú mẹ.

* Thưa BS, em chuẩn bị sinh bé thứ 2. Bé đầu em gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, không biết sự cố này có lặp lại với bé thứ 2 không. Xin BS tư vấn giúp em. (Võ Thanh Hà)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Em không cho biết khó khăn trong việc bú sữa mẹ của em là gì nên cũng khó tư vấn. Khi đến khám thai, em nên hỏi điều này với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Tôi có nên hạn chế quan hệ vợ chồng khi đang nuôi con bằng sữa mẹ không? (Hồ Thiên Nga)

Bác sĩ Lê Đức: Sáu tuần sau khi sanh và mổ bạn có thể quan hệ tình dục trờ lại. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một phương pháp giúp cho bà mẹ tránh thai. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng tránh thai cao nhất là trước 4 tháng, bé chưa ăn dặm, mẹ chưa có kinh lại. Còn sau đó thì bạn nên tham khám để bác sĩ hướng dẫn những phương pháp tránh thai khác.

* Để giữ dáng, em chỉ định cho bé bú 3 tháng đầu tiên, sau đó cai sữa và cho dùng sữa bột. Làm như vậy có ảnh hưởng gì đến con không thưa BS? (Hồng Hoa)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi cho con bú mẹ, người mẹ không nên ăn uống kiêng khem hay giảm cân vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Tuy nhiên, em nên duy trì cho bé bú mẹ 6 tháng đầu tiên và sau đó kéo dài đến hơn 1 tuổi thì tốt vì những lợi ích của sữa mẹ đối với mẹ và con: Trí thông minh của trẻ, sức đề kháng, tình mẹ con, giúp mẹ giảm cân,...

Nếu sữa mẹ không đủ cho sự tăng trưởng của trẻ, thì mới nên cho uống thêm sữa bột.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* BS ơi, mỗi lần cho con bú, đầu vú của em rất đau. Có phải do em cho bú không đúng cách không ạ? (Lan Anh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Có thể do tư thế bồng bú và ngậm bắt vú không đúng làm cho em bị đau đầu vú. Nên bồng bé trên cánh tay, ôm sát bé vào bụng mẹ sao cho rốn bé áp vào bụng mẹ (bé nằm nghiêng, rốn không hướng lên trời). Nâng người bé cho miệng bé vừa tầm với núm vú mẹ. Cho bé ngậm hết quầng vú, không chỉ ngậm núm vú thì sẽ không bị đau đầu vú.

Em có thể thay đổi tư thế bú, bú nằm hoặc bú ngồi để tránh nứt đầu vú ở một chỗ. Nếu đầu vú bị nứt em nên nặn sữa mẹ ra bôi lên chỗ bị nứt sẽ mau lành.

* Có cần cho trẻ tiêm vắcxin khi đang bú mẹ không? Và như vậy có an toàn không ạ? (Minh Huệ)

Bác sĩ Lê Đức: Chương trình tiêm chủng được thực hiện theo lịch. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không bị ảnh hưởng bởi chương trình này.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Em nghe nói ăn cá thông minh và tốt hơn ăn thịt, vậy đang cho con bú, em ăn nhiều cá hơn thịt là tốt phải không BS? Nhưng có người lại nói nên ăn đa dạng, từ cay, nóng, đắng, chát... để sau này con dễ nuôi, dễ ăn? Cảm ơn BS! (Lê Chi Mai)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Do trong một số loại cá có nhiều DHA và Omega3 nên giúp phát triển não bộ. Tuy nhiên, không phải thịt không giúp tăng tạo trí thông minh, vì vậy, phụ nữ mang thai nên ăn cả thịt và cá với lượng tăng hơn bình thường khoảng 70-80g/bữa.

Việc giúp bé có thể ăn uống đa dạng, dễ ăn là nên bắt đầu từ lúc tập cho trẻ ăn dặm sau khi trẻ ra đời (tròn 6 tháng tuổi). Phụ nữ mang thai ăn quá cay, đắng, nóng, chát,... cũng không có lợi cho cả mẹ và con.

* Các chuyên gia thường khuyên là hãy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Nếu em cho bé uống thêm nước thì có bị coi là không hoàn toàn không ạ? (Bùi Thị Xuân)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn không cần uống thêm nước vì không cần thiết mà còn có thể gây hại cho trẻ vì nhiễm trùng. Trẻ bú mẹ không cần uống nước thêm nhưng người mẹ cần thu nhận gần 3 lít dịch/ngày (gồm 2 lít nước, nửa lít sữa, nửa lít từ nước trái cây,...).

Bú mẹ hoàn toàn là chỉ có bú mẹ hoặc thêm vài giọt vitamin, không thêm nước hay bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Em nghe nói rằng sữa mẹ bị lạnh không tốt cho bé. Vì vậy khi ra ngoài đường và sau khi tắm xong thì không nên cho bé bú. Có đúng vậy không ạ? (Bùi Thị Minh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Việc đi ra đường hoặc sau khi tắm không ảnh  hưởng đến nhiệt độ của sữa mẹ (vẫn 37 độ C), vì vậy, em vẫn có thể cho con bú mẹ bất kỳ lúc nào theo nhu cầu của bé.

* Em đã phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực thì có cho con bú được không ạ?( Hà Thị Vân)

Bác sĩ Lê Đức: Thường thì túi ngực giả sẽ được đặt giữa cơ ngực lớn và cơ ngực nhỏ, không ảnh hưởng đến hệ thống tạo sữa nên bạn có thể cho con bú bằng sữa mẹ.

* Xin BS tư vấn giúp chế độ dinh dưỡng hợp lý để mẹ có thể cung cấp cho con nguồn sữa chất lượng, giúp bé phát triển khỏe mạnh và thông minh. (Ngọc Bích)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Người mẹ đang cho con bú cần ăn nhiều hơn khi mang thai để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng sữa mẹ.

Người mẹ cần ăn đủ 3 bữa chính, có thể thêm 2-3 bữa phụ với ly sữa (sữa bầu hoặc sữa tươi), bánh, khoai, bắp,...

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Trong bữa ăn chính cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn nhiều hơn 1 chén cơm/ngày, 70-80gram thực phẩm giàu đạm/bữa, khoảng 1 chén rau/bữa, 200gram trái cây/ngày.

Bạn nên ăn đổi món khác nhau trong ngày, đa dạng các loại thực phẩm khác nhau.

Để có nhiều sữa mẹ bạn cần cho con bú nhiều lần trong ngày, bú đêm, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ thì sẽ có nhiều sữa mẹ.

* Khi em đi làm, em phải hút sữa ra để tủ lạnh cho con, đồng thời buổi trưa không về nhà cho con bú được thì hút sữa ra cũng bảo quản lạnh. Sữa bảo quản lạnh có kém chất lượng hơn so với bú trực tiếp không? (Phạm Ngọc Tú)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Hút sữa mẹ bú trong bình sẽ có nhiều nhược điểm so với bú mẹ trực tiếp: kích thích tạo sữa ít hơn, có khả năng bị hư và ô nhiễm, nhiễm khuẩn, hoạt tính của của kháng thể trong sữa mẹ bị giảm, một số chất dinh dưỡng bị hao hụt sau khi hút sữa ra ngoài,...

Nên cho bú mẹ trực tiếp, nếu phải đi làm hoặc là vắng nhà vài giờ thì có thể vắt sữa mẹ ra ly và đút uống bằng muỗng. Nếu có thể cho bú trong vòng 4 tiếng thì không cần bảo quản lạnh, có thể để ở nhiệt độ phòng, che chắn kỹ để tránh bụi, ruồi, kiến,... Nếu sữa hút ra sẽ cho bú trong vòng 4-24h thì cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, hơn 1 ngày để ở ngăn đá và hơn 1 tuần thì nên để ở tủ đông.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Em vừa đi làm lại sau sinh, nhiều lúc sữa căng tức em đều vắt bỏ vì nghĩ đem về cũng không làm được gì, lại mất vệ sinh. Đêm về, con em không đủ sữa bú nên khóc cả đêm. Mới có hơn 6 tháng mà em gần như hết sữa rồi. BS tư vấn giúp em với! (Văn Mai Hương)

Bác sĩ Lê Đức: Phụ nữ và công việc là một vấn đề rất quan trọng mà cả xã hội và gia đình cần quan tâm để duy trì dài lâu việc nuôi con bằng sữa mẹ. Trong trường hợp đi làm trở lại:

- Bạn cần cho em bé bú vào bữa sáng trước khi đi làm.

- Tại cơ quan làm việc, bạn vắt sữa khi ngực căng và bảo quản sữa trong ngăn mát và sẽ được bảo quản trong 24 giờ.

- Ở nhà, bạn cố gắng hướng dẫn người nhà cho trẻ bú bằng thìa, tránh bú bình vì sẽ gây nên một hiện tượng lầm lẫn núm vú. Sữa sẽ giảm đi nếu bạn cho bú bình.

- Việc cho bú đêm rất quan trọng vì sẽ giúp bạn duy trì tạo sữa lâu dài, bú đêm sẽ giúp cho bạn hưởng được những chất an thần do não tiết ra khi bé bú mẹ.

Bây giờ để có sữa trở lại, bạn hãy cho em bé bú mẹ nhiều lần trong ngày sẽ kích tạo sữa trở lại .Đây là cơ chế chính trong việc tạo sữa chứ không phải do ăn uống, thuốc men... Chấm dứt ngay việc bú bình chuyển sang ăn bằng thìa, bú đêm nhiều, vắt sữa để lưu trữ và sau đó cho trẻ ăn bằng thìa.  Bạn kiên nhẫn cho bé bú thì sau vài ngày sẽ có sữa lại.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Trong những tháng đầu cho bé bú mẹ, em thường kèm theo 1-2 cữ sữa ngoài. Liệu như vậy có ảnh hưởng gì đến hệ tiêu hóa của bé không ạ? (Thu Hà)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Việc cho trẻ tiếp xúc sữa ngoài sớm có nguy cơ bị dị ứng sữa bò. Việc tiêu hóa hoặc dị ứng với sữa bò tùy thuộc vào cơ địa từng trẻ. Em cố gắng ăn uống tốt, uống 500-600 ml sữa mỗi ngày, cho bé bú mẹ nhiều lần trong ngày theo nhu cầu, bú đêm, giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, không lo lắng buồn phiền, hờn giận,... để có nhiều sữa mẹ.

* Chỉ còn ít ngày nữa là em sinh con, xin BS hướng dẫn em cách cho bé bú mà không bị sặc, vì là bé đầu nên em chưa kinh nghiệm. Em xin cám ơn! (Minh Thúy)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi bé ngậm mút vú sẽ có phản xạ tiết sữa làm cho sữa bắn ra ngoài với tốc độ hơi nhanh, làm cho bé dễ bị sặc. Mẹ nên dùng ngón trỏ và ngón giữa để trên và dưới núm vú, khi nghe luồng sữa chạy xuống "rùng rùng" thì ấn tay vô thành ngực và khép 2 ngón tay lại để hãm bớt lượng sữa chạy vào miệng bé. Khi thấy bé bú chậm lại, thì có thể trả lại tư thế bình thường.

Tránh không giữ, tì đè tay trên bầu vú lâu có thể làm tắt tuyến sữa.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Tại sao có người nhiều sữa, có người ít và có người không có sữa? (Đàm Thị Dương)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Lượng sữa mẹ được tiết ra nhờ vào 2 phản xạ thần kinh có được khi miệng trẻ ngậm mút vú mẹ và bé hút sữa ra khỏi vú mẹ. Nếu phụ nữ sau sinh cho con bú sớm, bú nhiều lần trong ngày theo nhu cầu của bé, dinh dưỡng đầy đủ, tinh thần thoải mái vui vẻ, thì sữa mẹ sẽ tăng dần dần, đủ theo nhu cầu của bé.

Người mẹ nào tăng cân ít trong 9 tháng mang thai, cho bú trễ, cho bú thêm sữa ngoài, ăn uống không đủ dinh dưỡng hoặc có căng thẳng về tinh thần sẽ không có nhiều sữa mẹ.

* Bé nhà tôi đã được 4 tháng tuổi, cháu bú sữa mẹ hoàn toàn. Nhưng mới đây, đi xét nghiệm thì kết quả cho thấy cháu bị thiếu máu và thiếu canxi. Vậy tôi có nên cho bé bú mẹ hoàn toàn nữa hay không? (Vương Thanh Cầm)

Bác sĩ Lê Đức: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ. Việc bé bị thiếu máu và thiếu canxi, bạn nên tham khám bác sĩ nhi khoa để có hường dẫn cụ thể.

* Tôi sinh mổ ngày hôm trước, hôm sau mới cho con bú. Như vậy có mất sữa non không? (Nguyễn Thị Trà Giang)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Mẹ sinh mổ nên cho con bú mẹ ngay sau khi được gặp con, không vắt sữa non bỏ đi thì con vẫn bú được đầy đủ lượng sữa non cần thiết cho trẻ.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Việc cho trẻ bú trễ một ngày vẫn có thể phục hồi lượng sữa mẹ nhiều nếu mẹ ăn uống đầy đủ, cho bé bú mẹ nhiều lần trong ngày.

* BS cho tôi hỏi, trong trường hơp sữa tôi không đủ để đáp ứng cho bé, tôi có nên pha lẫn sữa mẹ với sữa bột để bé bú không? (Nguyễn Thu Trang)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Trường hợp sữa mẹ không đủ cho bé thì có thể cho bé uống thêm sữa ngoài bằng ly, muỗng. Không nên pha sữa bột lẫn sữa mẹ, cũng không nên cho bú sữa bột bằng bình vì có thể làm cho bé bỏ bú sữa mẹ.

Cần theo dõi sự tăng trưởng về cân nặng, chiều cao của trẻ hàng tháng để đánh giá lượng sữa cung cấp cho bé là đủ hay chưa.

Có thể tăng lượng sữa mẹ bằng cách dinh dưỡng cho mẹ đầy đủ, mẹ cho bú nhiều lần trong ngày và giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, không lo lắng, buồn phiền.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Có phải sinh mổ thì sữa ít hơn sinh thường không, thưa BS? (Trần Thị Thắm)

Bác sĩ Lê Đức: Việc sinh mổ không ảnh hưởng đến việc tạo sữa của mẹ. Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ ở mỗi cơ sở là vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc tạo sữa.

* Người ta nói DHA có trong sữa mẹ và trẻ bú mẹ sẽ thông minh. Tôi đang cho con bú mẹ và muốn bổ sung thêm DHA cho nguồn sữa của mình. Vậy tôi nên ăn uống thêm những thực phẩm nào? (Trần Mai Lan)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Trong sữa mẹ tự nhiên đã có rất nhiều DHA, nếu mẹ không bổ sung thêm DHA từ chế độ ăn thì cơ thể cũng sẽ tạo DHA trong sữa mẹ.

DHA có nhiều trong mỡ cá, phần thịt của cá mỡ, tiền chất DHA có nhiều trong dầu, gan cá,...

Người mẹ đang cho con bú cần ăn thay đổi, đa dạng, nhiều loại thực phẩm khác nhau và nên ăn tối thiểu 2 lần cá/tuần.

* Em có thai lần đầu được hơn 7 tháng rồi. Em nghe nói nếu sữa mẹ hôi (sữa xấu) thì con sẽ lớn chậm, còi cọc có đúng không ạ? (Đặng Phương Mai)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Các nghiên cứu cho thấy, chất lượng của sữa mẹ có thay đổi một ít tùy vào tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn của mẹ. Tuy nhiên, không có sữa mẹ nào là xấu, hôi, nóng,... Để con có được lượng sữa mẹ tốt, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng nhiều loại thực phẩm, uống sữa; Cho trẻ ngậm bú vú mẹ nhiều lần trong ngày, bú đêm, giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Xin BS cho em lời khuyên cần chuẩn bị gì để có sữa tốt nhất cho con ngay từ lúc bé chưa chào đời. (Lã Thanh Huyền)

Bác sĩ Lê Đức: Để có sữa tốt nhất cho con ngay từ lúc bé chưa chào đời bạn cần:

- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ trước trong và sau khi mang thai.

- Giữ tinh thần, không khí thoải mái vui tươi trong gia đình.

- Nên tham gia lớp tiền sản để hiểu rõ lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ: cơ chế tạo sữa, cách đặt trẻ vào vú, lợi ích của sữa non...

- Lựa chọn các bệnh viện có hệ thống hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt.

* Thưa BS, tôi nghe nói sữa mẹ tốt nhất cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng nghe thông tin có loại sữa mẹ loãng, không có chất, bé bú không lên cân được. Xin BS cho biết thông tin đó có chính xác không? (Hồng Minh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Trong một cữ bú, vài phút đầu sẽ có lượng sữa đầu trong veo chứa nhiều đường, đạm, nước, vitamin,... sữa sau sẽ trắng đục lên vì có nhiều chất béo. Trẻ cần được bú cả sữa đầu lẫn sữa sau trong một cữ bú để nhận đủ dinh dưỡng, tăng trưởng tốt. Vì vậy, trong mỗi cữ bú phải cho bé bú cạn xẹp một bên vú. Nếu thiếu, mới cho bú qua bên vú bên kia. Trung bình một cữ bú bé bú cạn xẹp một bên là đủ cho bé. Cử sau mới cho bú bên kia.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Nếu sữa mẹ quá nhiều, bé bú mẹ hoàn toàn, chậm lên cân, thì có thể do bú quá nhiều sữa đầu. Khi đó, mẹ có thể vắt bỏ bớt lượng sữa đầu trong veo để lấy phần sữa trắng đục nhiều chất béo để bé mau lên cân. Tuy nhiên, khi lượng sữa sau không đủ no cho bé thì có thể đút trở lại lượng sữa đầu đã vắt ra ly.

* Vợ tôi không chịu cho con bú vì sợ xấu ngực. Làm cách nào để vừa có thể cho con bú mẹ mà ngực không bị ảnh hưởng, tôi phải làm sao để thuyết phục vợ? cảm ơn! (Nhân Hòa)

Bác sĩ Lê Đức: Những ảnh hưởng tác động lên ngực của mẹ đã  xảy ra trong thời kỳ mang thai chứ không phải chỉ xuất hiện trong thời gian cho con bú. Xong bạn cần cân nhắc giữa những cái lợi của việc nuôi con bằng sữa mẹ với những gì bạn đang suy nghĩ. 

* Con trai tôi 5 tháng tuổi. Tôi đi làm từ khi bé 3 tháng. Buổi trưa có về cho bé bú nhưng bé không chịu (mặc dù đã bỏ đói không cho bú bình chờ tôi về cho bé). Còn ban đêm bé lại bú mẹ, một đêm tới 3-4 cữ. Nhờ BS tư vấn giúp. (Đoàn Thu Hiền)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Bé 5 tháng tuổi thì chưa nên cho ăn dặm, nếu sữa mẹ không đủ thì có thể cho uống thêm sữa bột công thức 1 bằng ly muỗng để bé không bỏ sữa mẹ. Chị cần kiên trì cho bé bú mẹ vào buổi trưa, nếu bé không chịu thì vắt ra ly đút bằng muỗng.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Con em không chịu bú bình mà chỉ thích bú mẹ. Nhưng mổi lần đưa con đi chơi, em không dám cho bú nơi công cộng vì sợ mất vệ sinh. Theo BS điều này có đúng không? (Nguyễn Thị Thắm)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Sữa mẹ được bảo quản trong vú mẹ nên sẽ không bao giờ hư và mất vệ sinh. Trước khi cho bú mẹ không nhất thiết phải lau vú nên bạn vẫn có thể cho bú ở nơi công cộng được.

Hâm nóng sữa như thế nào để không bị mất chất? (Nguyễn Ý Nhi)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Sữa đã được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh thì làm ấm bằng cách chưng bình sữa vào trong tô nước ấm.

Sữa bảo quản ở ngăn đông thì chuyển xuống ngăn mát để rả đông, rồi sau đó trước khi bú chưng lại nước ấm.

Không nên làm ấm sữa bằng cách đun nóng hay lò vi sóng.

* Xin BS giúp em làm cách nào sữa xuống nhanh sau khi sinh. Em xin cám ơn! (Võ Hà)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Để mau xuống sữa, người mẹ sau sinh cần cho bé bú ngay khi được gặp con càng sớm càng tốt. Mẹ cần ăn uống đầy đủ, cho con mút vú mẹ sớm và thường xuyên sẽ giúp kích thích tạo sữa mẹ. Mẹ có thể dùng khăn ấm để đắp lên bầu vú để cảm thấy dễ chịu.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Sữa mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sinh non, nhẹ cân và sinh đôi như thế nào? (Hoàng Thị Mận)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Sữa mẹ rất cần thiết cho trẻ sinh non, nhẹ cân, vì đầy đủ dinh dưỡng, có nhiều kháng thể, giúp trẻ thiếu tháng nhẹ cân chống chọi với nhiễm trùng trong môi trường sau sinh. Nếu trẻ thiếu tháng còn quá nhỏ, chưa thể ngậm mút vú mẹ thì có thể vắt sữa mẹ đút bằng muỗng đến khi trẻ đủ lớn có thể ngậm vú mẹ được thì cho bú trực tiếp.

Mẹ vẫn có thể đủ sữa cho trẻ sinh đôi nếu ăn uống tốt, cho bú thường xuyên và giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ. Nếu sữa mẹ không đủ cho 2 bé, có thể pha sữa bột công thức đút bằng muỗng.

* Tôi thấy nhiều chỗ cho thuê máy hút sữa giá rẻ. Nếu bỏ tiền mua cái máy rồi sau đó bỏ sẽ phí, tôi dự định thuê máy cho tiện. Xin bác sĩ cho biết sử dụng chung máy hút sữa như vậy có nguy cơ gì? (Nguyệt)

Bác sĩ Lê Đức: Bạn không nên mua máy hút sữa. Trong trường hợp, bạn cảm thấy ngực căng, cương bạn cố gắng vắt sữa bằng tay và cho bé bú nhiều lần trong ngày, nếu không giải quyết được bạn này mới sử dụng tới máy hút sữa để tránh bị viêm, áp xe vú. Tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ tư vấn rõ hơn.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Khi trẻ không chịu bú mẹ thì phải cho dùng kèm sữa bột. Một số mẹ có cảm giác rằng trẻ ăn sữa bột sẽ phát triển nhanh hơn trẻ ăn sữa mẹ, về chiều cao và cân nặng. Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ này? (Lê mai Hoa)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Xét về giá trị dinh dưỡng như năng lượng, lượng đạm, canxi, sắt,... thì sữa bột công thức cao hơn sữa mẹ vì bê con có nhu cầu cao để phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, sữa mẹ lại có nhiều chất béo cần thiết cho phát triển não bộ, có kháng thể để giúp trẻ chống bệnh nhiễm trùng, các thành phần dinh dưỡng khác cũng vừa đủ cho sự phát triển thể chất và trí tuệ. Nếu mẹ có nhiều sữa mẹ, thì bé vẫn tăng cân tốt.

* Làm thế nào để duy trì sữa mẹ khi đi làm? (Võ Ngân)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi đi làm mẹ nên vắt sữa mẹ ra trong ly để người nhà đút uống bằng muỗng, trước khi đi làm và tranh thủ buổi trưa, chiều về nhà để cho bé bú trực tiếp, cố gắng duy trì bú đêm thì sẽ giữ được lượng sữa mẹ.

* Có một mối lo rằng nếu không đủ sữa mẹ thì trẻ sẽ không lớn. Làm sao để đánh giá được sự phát triển của trẻ? (Hồng Ngọc)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Cần theo dõi sự phát triển cân nặng và chiều cao của trẻ hàng tháng, hàng tuần để đánh giá lượng sữa của mẹ có đủ hay không. Trung bình sẽ trong 3 tháng đầu sẽ tăng khoảng 800-1.200 gram/tháng. 3 tháng kế, khoảng 600-700 gram/tháng.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Nếu so sánh giữa sữa mẹ và sữa thay thế, nó có những điểm gì khác biệt tác động vào sự phát triển của trẻ về sau này? (Trần Văn Bình)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Các nghiên cứu cho thấy trẻ bú sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn trẻ bú sữa bột công thức. Trẻ bú sữa bột công thức có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn trẻ bú mẹ, sau này có nhiều nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch,... Trẻ bú sữa công thức dễ mắc bệnh nhiễm trùng hơn trẻ bú mẹ.

* Em nghe nói cho con bú mẹ vừa tốt cho con, vừa tốt cho mẹ. Với mẹ thì việc cho con bú tốt gì ạ? Em thường lấy sữa thừa con bú không hết để rửa mặt dưỡng da. Sữa mẹ có tác dụng này không BS? Cảm ơn BS! (Ngọc Hạ)

Bác sĩ Lê Đức: Khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ thì bạn:

- Giảm hiện tượng băng huyết sau sinh.

- Trở lại cân nặng như trước khi mang thai.

- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư vú...

Tác dụng dưỡng da của sữa mẹ chưa rõ.

* Khi cho con bú, bé thường cắn ti rất đau. Nhiều lần em tính cai sữa cho con. Xin BS cho em lời khuyên. (Bạch Cúc)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi bé cắn ti thì mẹ nên đưa ngón tay út vào trong miệng trẻ để gỡ ti ra. Chỉ nên cho trẻ bú khi trẻ khóc đòi bú vì sau khi trẻ bú no sẽ không bú nữa mà chỉ cắn ti mẹ chơi...

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Tôi thấy có nhiều nơi treo bảng: sữa mẹ từ thiện. Tức những bà mẹ có nhiều sữa vắt ra đem cho những người không có sữa? Việc xin sữa như vậy có những nguy cơ gì? (Vũ Phương)

Bác sĩ Lê Đức: Việc cho nhận và lưu trữ sữa để cho những bà mẹ khác cần phải được quản lý bởi những bộ phận có chuyên môn của bệnh viện để đảm bảo về mặt dinh dưỡng và tránh những bệnh lây truyền.

* Khi mới sinh con, em thường bị tắc sữa. Làm sao để tránh trường hợp này? (Lâm Thị Hoa)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Em bị tắc tuyến sữa có thể do dùng tay để tì đè quá nhiều vào trong bầu vú, trẻ bú tư thế không đúng...

Để tránh trường hợp này, chú ý tư thế cho bú: đặt đầu trẻ lên cánh tay, bỏ cánh tay bé ra sau lưng, ôm người cho bé nằm nghiêng, bụng bé áp vào bụng mẹ, nâng đầu bé vừa tầm núm vú, cho bé ngậm cả quầng vú, tránh dùng tay đè lâu vào bầu vú, có thể thay đổi tư thế bú ngồi hoặc bú nằm để tránh tắc tuyến sữa.

* Chăm sóc bầu ngực như thế nào vẫn cho con bú mà vẫn giữ ngực đẹp, không chảy xệ? (Kiều Ninh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi cho con bú, cần bồng bế tư thế đúng, dinh dưỡng vừa đủ để không tăng cân quá mức, không nhất thiết lau vú trước khi cho bú. Khi hết cho bú mẹ thì cần giảm cân.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

Tôi chuẩn bị sinh con nhưng ngực của tôi rất nhỏ. Tôi nghe nói bầu vú nhỏ thì lượng sữa rất ít. (Ngọc Luyến)

Bác sĩ Lê Đức: Kích thước ngực không ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Ngực mẹ bao gồm mô liên kết và hệ thống tạo sữa. Ngực to, ngực nhỏ là do mô liên kết, mô mỡ nhiều hay ít, còn hệ thống tạo sữa đều như nhau.

* Khi bị mất sữa, em có thể áp dụng phương pháp châm cứu hoặc cây cỏ Đông y uống để gọi sữa về không? (Lê Phương)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Em không nên dùng thuốc bắc, thuốc nam, lá cây, chè vằng,... để tăng tạo sữa, vì có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, làm bé bị vàng da,...

Phục hồi sữa mẹ bằng cách dinh dưỡng cho mẹ đầy đủ (nếu ăn không được thì dùng thêm thuốc dinh dưỡng). Cho bé bú mẹ nhiều lần trong ngày, bú đêm. Mẹ giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo lắng buồn phiền.

Châm cứu không là phương pháp điều trị tăng lượng sữa mẹ.

 * Thưa BS, khi sinh hai bé đầu, em có rất nhiều sữa. Nhưng đến bé thứ ba thì rất ít. em tẩm bổ rất nhiều nhưng cũng không có sữa. Xin BS giúp em! (Vân Thị Gái)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Có thể do khi sinh bé thứ ba em có nhiều mối bận tâm lo lắng hơn, có thể là bận tâm lo cho 2 bé đầu làm cho sữa bị ít đi. Em cố gắng cho bé bú mẹ nhiều lần trong ngày, bú đêm và giữ tinh thần bình thản, thoải mái, vui vẻ sẽ có được nhiều sữa mẹ.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Năm nay tôi 28 tuổi, đầu ti tôi bị nứt, tôi đã dùng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. BS nói tôi phải uống khánh sinh thì mới hết. Nhưng tôi đang cho con bú nên không dám dùng. Tôi nên tiếp tục cho con bú hay bỏ bú để dùng thuốc chữa nứt đầu ti. BS cho tôi lời khuyên với! (Hoàng Thị Vân)

Bác sĩ Lê Đức: Thứ nhất, nứt đầu vú là một dấu hiệu ngậm bắt vú sai, bạn cần nhân viên y tế để được hướng dẫn. Nếu như, do ngậm bắt vú sai thì sẽ không còn nứt đầu vú nữa.

Thứ hai, nứt đầu vú do những nguyên nhân khác cần điều trị bằng kháng sinh thì bác sĩ sẽ sử dụng những loại kháng sinh không ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.  Cho nên bạn vẫn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.

* Tôi bị u lành ở vú, đã đi trích nhưng bây giờ mọc lại một u lành nữa. Tôi sinh con đầu lòng, muốn nuôi bằng sữa mẹ trong mấy tháng đầu. Tôi muốn hỏi u lành có ảnh hường gì đến chất lượng của sữa mẹ không? (Lê Thị Ánh)

Bác sĩ Lê Đức: Nếu bạn được chẩn đoán là u lành thì nên cho em bé bú sữa mẹ, không có gì ảnh hưởng.

* Nhiều đêm khi đang cho con bú em ngủ quên luôn, có khi bầu vú còn đè lên mặt con. Em có nên chỉ cho bú ban ngày thôi, còn đêm thì cho bú bình hoặc ngậm ti giả không ạ? (Trần Thị Hoa)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi nằm cho con bú, thì 2 mẹ con đều nằm nghiêng và cho bú vú ở gần mặt giường, nên chống tay để tránh ngủ quên úp người vào mặt bé. Em cần cho bé bú mẹ cả ban ngày và đêm thì bé mới nhận đủ lượng sữa mẹ cần thiết. Nếu cho bé bú bình, thì sẽ có nguy cơ bé bỏ bú mẹ. Không nên cho trẻ ngậm ti giả vì vấn đề vệ sinh, nguy cơ lệch hàm,...

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Sau sáu tháng em đi làm lại nhưng vẫn cho con bú mẹ. Tuy nhiên khi về nhà, em vừa làm việc trên máy tính hoặc lướt facebook vừa cho con bú. Người nhà em góp ý nên cho bé bú thì không nên làm gì, nhưng em không đồng ý với ý kiến này. Theo BS thì sao? (Lý Thu thảo)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi cho con bú mẹ người mẹ vẫn có thể xem tivi, đọc sách, lướt facebook,... Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tư thế bồng bú đúng, thỉnh thoảng phải quan sát vú có bịt mũi trẻ hay không, làm trẻ nghẹt thở thì rất nguy hiểm.

Em đi làm về, mẹ em nói phải vắt bỏ sữa đầu đi rồi mới cho con bú, vì sợ bé đau bụng. Em vắt ra đúng là sữa trong vắt, không phải màu trắng đục như thường thấy. Như vậy có đúng là sữa đầu không có chất và nên bỏ đi không ạ? Cảm ơn BS! (Mai Linh)

Bác sĩ Lê Đức: Sữa mẹ không chỉ là một chất dinh dưỡng hoàn hảo cho bé mà còn là một chất chứa nhiều chất kháng khuẩn, kích thích duy trì điều hòa hệ thống miễn dịch của em bé. Vậy thì làm sao có thể gây đau bụng.

Trong một bữa bú thì có sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu thì trong xanh chứa nhiều nước và vitamin, sữa cuối thì trắng đục hơn vì chứa nhiều protein và chất béo. Cho nên động tác vắt bỏ sữa đầu là không cần thiết.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Tôi bị tiểu đường, mới sinh con được 2 tháng và cho con bú bằng sữa mẹ. Tôi băn khoăn liệu con tôi có bị ảnh hưởng xấu không khi bú sữa mẹ bị tiểu đường. Tôi cũng không dám ăn nhiều tinh bột cũng như trái cây có nhiều đường. Vậy con tôi có bị thiếu dinh dưỡng không? (Vũ Ngọc Anh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Chất lượng sữa mẹ của người mẹ bị bệnh tiểu đường đang điều trị ổn định vẫn không khác so với các bà mẹ khỏe mạnh. Mẹ vẫn nên ăn uống đầy đủ, có thể tăng thêm lượng tinh bột một ít và các bác sĩ nội tiết có thể sẽ tăng thêm liều thuốc cho mẹ để ổn định đường huyết. Với trái cây nhiều đường, thì mẹ không nên sử dụng nhiều.

* Qua sáu tháng mà cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ thì trẻ không đủ chất dinh dưỡng? (Bình)

Bác sĩ Lê Đức: Điều này là đúng, sữa mẹ vẫn là một dinh dưỡng cơ bản nhưng cần phải cho bé ăn dặm thêm

* Nên cho bé bú đều hai bên hay bú hết hẳn một bên ngực rồi mới bú bên kia. Có khi bé bú một bên đã no. Em có nên vắt sữa bên còn lại ra? Cảm ơn bác sĩ! (Nghĩa Tình)

Bác sĩ Lê Đức: Bạn nên cho bé bú hết hẳn một bên ngực rồi mới bú bên kia. Chỉ vắt sữa trong trường hợp ngực quá căng và cương vú.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Tôi mới sinh bé được 2 tháng. Hiện nay thực đơn của tôi mỗi ngày gồm 5 lạng thịt (cá,tôm...), ngày 3 bữa cơm, mỗi bữa 2 bát cơm, uống 4l nước. Xin hỏi BS, với thực đơn vậy thì đã đủ dinh dưỡng cho nguồn sữa mẹ chưa ạ? Tôi cần chế độ ăn thế nào để sữa mẹ đạt chất lượng tốt nhất? Tôi có cần duy trì thực đơn đó đến khi cai sữa không? Cảm ơn bác sĩ. (Thanh Mai)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Người mẹ cho con bú cần ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm khác nhau với số lượng tăng hơn bình thường 10-20%, không nhất thiết phải ăn quá nhiều. Với các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, tôm,... bạn chỉ cần ăn 50-100 gram/bữa, 1-2 chén cơm tùy chiều cao, mức độ hoạt động thể lực của bạn. Nếu không mất nhiều mồ hôi hay bị nôn ói, tiêu chảy, chỉ cần 3 lít dịch/ngày là đủ (2 lít nước lọc, nửa lít sữa, nửa lít canh, súp, nước trái cây).

* Nhiều người cho con bú mà không vệ sinh đầu ti kỹ, nguy cơ trẻ sẽ bị nhiễm bệnh gì? Vệ sinh như thế nào đúng cách để cho bé bú an toàn, sạch sẽ? Cảm ơn BS! (Thạnh Nguyễn)

Bác sĩ Lê Đức: Không nên vệ sinh quá mức cần thiết đầu ti khi cho con bú mẹ bởi vì trong sữa mẹ đã có những chất kháng khuẩn và trên quầng vú có những tuyến tiết dịch bôi trơn.

* Tôi nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng vắt sữa hoàn toàn. Cứ 3h lại hút 1 lần. Tôi tham khảo thông tin, người thì khuyên nên vắt đúng giờ, kể cả buổi đêm. Người lại khuyên đêm nên ngưng dậy hút sữa. Theo BS, tôi có nên bỏ cữ hút đêm không? Tôi đang hút theo giờ 3,6,9,12h,15,18,21,24h. Tôi hút như vậy được 6 tháng nay. Lượng sữa mỗi ngày khoảng 1,5l (Như Ngọc)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi bạn hút sữa đều đặn mỗi 3 tiếng, kể cả ban đêm thì sẽ tiết sữa ra nhiều hơn là chị không hút sữa ban đêm. Nhờ chị hút sữa đều đặn như vậy mà lượng sữa đạt được nhiều dù hiện tại bé đã 6 tháng tuổi. Nếu chị không đi làm, thì có thể tiếp tục hút sữa mẹ vào ban ngày,  cho trẻ bú đêm, tập ăn dặm.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Hiện tại em đang mang thai được 20 tuần, em nghe nói trong giai đoạn này có sữa non tiết ra, không biết có người nào giống nhau không nhưng em chưa thấy. Em rất lo lắng! (Trần Tuyết Minh)

Bác sĩ Lê Đức: Tiết sữa non trong quá trình mang thai là hiện tượng có thể gặp nên bạn không có gì phải lo lắng.

* Em sinh con gái nặng 3,2 kg. Tuần đầu ở bệnh viện, không có sữa nhiều, y tá khuyên cho bé uống thêm sữa ngoài chứ sợ bé đói. Vậy sao bảo nên nuôi còn bằng sữa mẹ, trong trường hợp này thì các mẹ phải làm sao? (Thái Thị Hòa)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con hiện tại và trong tương lai, do đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ lúc nào cũng nên được ưu tiên. Nếu sữa mẹ chưa có nhiều, bé khóc nhiều thì có thể pha sữa bột công thức và đút uống bằng ly, muỗng, bên cạnh đó, vẫn duy trì cho bé ngậm mút vú mẹ nhiều lần trong ngày, mẹ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng,... sẽ có nhiều sữa mẹ.

Khi lượng sữa mẹ tăng dần dần thì sẽ giảm dần lượng sữa bột công thức và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.

* Đầu vú của tôi rất đau và bị lở loét khi cho con bú. Tôi rất lo lắng vì không biết vết lở loét này có phải là do ung thư hay không? Tôi phải làm sao? (Ngọc Miên)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Nếu đầu vú bị nứt, loét, chảy dịch, chảy mủ, chảy máu,... thì chị nên đi khám bác sĩ ngay để bác sĩ kiểm tra xem đây là tình trạng nứt đầu vú bị nhiễm trùng hay là do bất thường của núm vú.

Lúc này, chị nên ngưng cho trẻ bú mẹ, vắt sữa mẹ ra bôi lên đầu núm vú để chữa trị.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Đầu vú của tôi rất đau và bị lở loét khi cho con bú. Tôi rất lo lắng vì không biết vết lở loét này có phải là do ung thư hay không? Tôi phải làm sao? (Ngọc Miên)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Nếu đầu vú bị nứt, loét, chảy dịch, chảy mũ, chảy máu,... thì chị nên đi khám bác sĩ ngay để bác sĩ kiểm tra xem đây là tình trạng nứt đầu vú bị nhiễm trùng hay là do bất thường của núm vú.

Lúc này, chị nên ngưng cho trẻ bú mẹ, vắt sữa mẹ ra bôi lên đầu núm vú để chữa trị.

* Tôi bị đầu ti ngắn nên rất khó cho bú. BS có thể hướng dẫn tôi một số biện pháp để kéo dài đầu ti không? (Khuất Thị Song)

Bác sĩ Lê Đức: Không có một phương pháp hiệu quả nào để điều trị đầu ti ngắn. Khi em bé bú mẹ, em bé phải ngậm nhiều mô vú của mẹ trong miệng: Đầu vú  và quầng vú, đầu vú chỉ là một phần của mô vú mà bé ngậm cho nên không ảnh hưởng nhiếu đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn hãy tự tin lên.

* Tôi đã cai sữa cho con được gần 2 năm nhưng thi thoảng nặn đầu ti vẫn thấy rỉ giọt. Như vậy là bình thường hay có vấn đề gì? (Đăng Minh Minh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Sữa mẹ có thể tồn đọng trong vú mẹ vài năm sau khi ngưng cho bú mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy đầu vú bị đau, nặn sữa ra có máu, dịch màu bất thường có khối u vú, có hạch nách,... thì cần đi khám bác sĩ.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Em bị đau bao tử nên hay uống nghệ với mật ong, cho bé bú có sao không ạ? Vì mẹ em nói không khéo con bị vàng da do nghệ qua sữa? Cảm ơn BS! (Hồng Hoa)

Bác sĩ Lê Đức: Em bị đau bao tử cần nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để điều trị dứt điểm. Nghệ không phải là thuốc điều trị. Việc lạm dụng quá mức cũng có thể ảnh hưởng.

* BS cho cháu hỏi, cháu đang cho con bú thì cần kiêng những thức ăn gì (Nguyễn Thanh Mai)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi đang cho con bú, người mẹ phải kiêng những loại thức uống có cồn, trà đặc, cà phê đặc, thuốc lá (hít thụ động), hoặc những thức ăn mẹ bị dị ứng,...

Một số trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng bị dị ứng 1 số thực phẩm của mẹ ăn vào gây ra tình trạng dị ứng nặng như đi tiêu ra máu, chàm nặng,... thì người mẹ cũng cần kiêng ăn một số thực phẩm hay gây dị ứng như sữa bò, thịt bò, trứng, đậu nành, đậu phộng,... Theo dõi một thời gian nếu trẻ hết dị ứng, thì mẹ có thể thử ăn lại từng ít một với mỗi loại thực phẩm đã kiêng. 

* Em muốn hỏi nếu sinh mổ, sau khi sinh xong mẹ vẫn đau và chưa được ăn uống gì. Vậy thời điểm nào cho bé bú là phù hợp nhất? (Võ Ái Quân)

Bác sĩ Lê Đức: Cho bé bú sớm nhất khi có thể.Ví dụ nữa giờ sau sinh thường, bốn đến sáu giờ sau khi sinh mổ. Sữa non sẽ xuất hiện vào cuối thai kỳ và những ngày đầu sau sanh. Sữa non rất ít và rất chất lượng, bạn sẽ không cảm thấy hiện tượng sữa về và ngực căng. Vì vậy, nhiều bà mẹ thấy ngực mềm nên không cho bú mẹ.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Nên làm gì nếu con cứ khóc liên tục khi bú mẹ? (Phong Lan)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Người mẹ khi cho con bú cần giữ trạng thái tinh thần bình an, thoải mái, vì khi người mẹ lo lắng, căng thẳng thì đứa con cũng bị căng thẳng. Mẹ bồng trẻ êm ái trên cánh tay, đưa miệng trẻ gần vào bầu vú, nặn ra một ít sữa chạm vào trong môi trẻ để trẻ tự mút vú vào, không đè, nhét ti thô bạo vào trong miệng trẻ. Nếu trẻ chưa đói, khóc nhiều, hãy bế trẻ ở tư thế khác, dỗ trẻ nín khóc, khi trẻ bình tĩnh trở lại lại cho bú. Lúc này không nên cho trẻ ngậm bú bình vì trẻ sẽ từ chối núm vú mẹ luôn.

* Khi đang nuôi con bằng sữa mẹ, tôi có thể dùng thuốc không? (Thùy Như)

Bác sĩ Lê Đức: Trong khi nuôi con bằng sữa mẹ nếu muốn sử dụng thuốc bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể, tránh sử dụng thuốc tùy tiện.

* Để có nhiều sữa, mẹ em thường hầm chân giò với đu đủ cho em ăn mỗi ngày. Em rất ngán nhưng vì con nên cố, tuy nhiên sữa vẫn không nhiều, em phải làm sao? (Thu Nam)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Các loại thực phẩm khác cũng có thể giúp tăng lượng sữa mẹ cho nên không nhất thiết phải ăn chân giò với đu đủ mỗi ngày. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều những thực phẩm này sẽ không có cơ hội để ăn những thực phẩm khác, chế độ ăn của mẹ không đa dạng sẽ dễ bị dư chất này mà thiếu chất khác. Do đó, em nên ăn đa dạng, thay đổi nhiều loại thực phẩm khác nhau. Ví dụ sáng phở bò, trưa cơm, thịt heo, rau muống, chiều cơm, cá, canh bí,...

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Em có hoạt động trong nghề người mẫu, vì giữ dáng, em tính sau khi sinh sẽ cho con dùng sữa ngoài luôn. Theo BS có được không ạ? (Nguyễn Thiên Ngân)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Khi cho con bú mẹ thì người mẹ sẽ lấy lượng mỡ dự trữ trong người vào thời gian mang thai để tạo sữa mẹ vì vậy giúp mẹ giảm cân nhanh hơn khi cho con bú mẹ. Việc cho con bú sữa mẹ sẽ có rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con nên em hãy cố gắng cho con bú mẹ.

Trên thực tế rất nhiều người mẫu nổi tiếng cho con bú mẹ và vẫn giữ dáng được để tiếp tục làm nghề người mẫu, diễn viên,...

* Gần đây, nhiều mẹ bỉm sữa chia nhau sữa không dùng hết của mình. Liệu sữa này có đảm bảo không ạ? (Trần Thị Minh Thùy)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Việc xin sữa mẹ của người khác sẽ có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng do lấy sữa và bảo quản không tốt, sữa mẹ bị nhiễm virut HIV, viêm gan B, Cytomegalo virut (CMV), sẽ lây truyền virut và gây bệnh cho bé.

* Nuôi con bằng sữa mẹ người em luôn có mùi chua chua rất khó chịu. Em có nên cai sữa sớm cho con? (Hồ Minh Phương)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Trong sữa mẹ có rất nhiều chất sắt nên thường có mùi tanh. Nếu người em có mùi chua thì có phải là do vấn đề vệ sinh thân thể (nên tắm mỗi ngày), nếu sữa mẹ dính ra nhiều trên bầu vú mẹ thì nên lau sạch sau khi cho bú. Nếu sữa mẹ dính vào áo, thì nên thay áo.

Sữa mẹ ở trong bầu vú mẹ không thể hư, thiu nên em không nhất thiết phải cai sữa.

Giao luu truc tuyen 'Nuoi con bang sua me: khong kho'

* Em nghe nói cho con bú đúng cách thì phải "Da kề da". Vậy phương pháp này là gì? (Hoàng Thị Hồng Thắm)

Bác sĩ Lê Đức: Phương pháp "Da kề da" là một phần khởi đầu trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. ho nên, bạn cần học lớp tiền sản để nắm được toàn bộ quá trình để đảm bảo thành công nuôi con bằng sữa mẹ.

* Để có nhiều sữa cho con bú, em tẩm bổ bằng yến sào, nhung hươu có được không? (Chu Thị Quỳnh)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Các thực phẩm như yến sào, nhung hươu,... có một số chất dinh dưỡng tốt cho chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú. Tuy nhiên, các thực phẩm khác cũng cần thiết và giàu chất dinh dưỡng cho nên không nhất thiết phải dùng những thực phẩm cao cấp để tăng lượng sữa mẹ. Nếu người mẹ ăn uống kém, có thể dùng thêm các loại thực phẩm này.

* Mỗi khi cho con bú, em thường cảm thấy bứt rứt, mệt mỏi nhưng khi không cho bú nữa thì em trở lại bình thường. Em đang mắc bệnh gì vậy thưa BS? (Huỳnh Kim Thoa)

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Có thể do em chưa quen với cảm giác cương sữa nên cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt. Thực tế, việc cho con bú mẹ sẽ giúp giảm việc cương sữa, nên em cố gắng tiếp tục cho bé bú. Nếu em thấy điều gì bất thường nên đến khám bác sĩ để tìm hiểu những bệnh lý khác nếu có.

* Làm gì khi mẹ bị thiếu sữa? (Ngọc Lan)

Bác sĩ Lê Đức: Không có bà mẹ nào bị thiếu sữa trừ một số trường hợp đặc biệt như ung thư, bệnh lý mãn tính... Bạn cần tham gia lớp tiền sản để nắm được các kiến thức cơ bản để nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy - Minh Thanh

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC