Chốt phương án thi THPT quốc gia 2017: Thầy và trò bị động ứng phó

30/09/2016 - 14:18

PNO - Bộ đã “chốt hạ” phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017 gồm năm bài thi, trong đó có ba bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Ngay sau khi bộ GD - ĐT công bố chính thức phương án thi THPT quốc gia 2017, nhiều học sinh lớp 12 đã phản ứng trước những “đổi mới” của kỳ thi. Các trường THPT dù không hoàn toàn ủng hộ, cũng phải vội vã lên phương án giúp học sinh ứng phó với kỳ thi.

Tăng môn thi, tăng áp lực

Bộ đã “chốt hạ” phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017 gồm năm bài thi, trong đó có ba bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp: khoa học tự nhiên (KHTN - tổ hợp vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (KHXH - tổ hợp lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở hình thức thi, các bài thi toán, ngoại ngữ, KHTN và KHXH đều thi theo hình thức trắc nghiệm; duy nhất chỉ có môn ngữ văn còn thi theo hình thức tự luận. Thí sinh (TS) phải thi bốn bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó phải thi ba bài bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và một bài tự chọn (KHTN hoặc KHXH). TS có thể dự thi cả năm bài thi, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chot phuong an thi THPT quoc gia 2017: Thay va tro bi dong ung pho
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi KHTN, KHXH có 40 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian thi 50 phút cho mỗi thành phần; đề thi của bài thi toán (90 phút) và bài thi ngoại ngữ (60 phút) đều có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi ngữ văn có phần đọc hiểu và phần làm văn trong 120 phút.

Những thay đổi này lập tức khiến người học chới với vì từ trước tới nay, giáo dục công dân chưa bao giờ là môn thi nằm trong các kỳ thi quan trọng, đùng một cái, lại xuất hiện trong tổ hợp thi, còn thi theo hình thức trắc nghiệm cùng các môn sử, địa. Nhiều HS ở TP.HCM rất bức xúc trước những “đổi mới” quan trọng mà Bộ chỉ vừa… mới đổi chưa đến mộ t năm.

Ngay sau khi biết phương án thi của Bộ, em Thanh Tâm, HS lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu nói: “Ngoại trừ môn văn, tất cả bài thi từ tổ hợp môn xã hội đến tự nhiên đều thi trắc nghiệm làm em rất lo lắng. Trước nay chúng em đã quen với cách học theo kiểu tự luận, thiên về phân tích và đánh giá vấn đề hơn là phản ánh vấn đề. Chưa có sự chuẩn bị thì ngay năm nay, chúng em phải thi trắc nghiệm, sẽ rất khó khăn, vì thi trắc nghiệm đòi hỏi yếu tố thời gian phải nhanh, phải phán đoán chuẩn xác để chọn đáp án. Môn tự nhiên còn có thể biến chuyển nhưng các môn xã hội như sử, địa, giáo dục công dân mà thi trắc nghiệm thì em chưa thể hình dung ra dạng câu hỏi, đáp án thế nào…”.

Nhiều HS của Trường THPT Lê Quý Đôn, Hùng Vương… cũng khẳng định, việc đổi mới đã làm tăng thêm áp lực. Hai năm rồi, TS chỉ cần thi bốn môn để xét tốt nghiệp THPT rất vừa sức. Đổi mới lại tăng thêm môn thi, ít nhất TS phải thi đến sáu môn mới xét tốt nghiệp.

Bài thi tổ hợp ba môn gồm 120 câu hỏi thời gian làm bài là 150 phút, lẽ ra phân bố thời gian làm bài thế nào là quyền của người thi thì Bộ lại quy định mỗi môn phải làm trong 50 phút, sau đó dù chưa xong cũng bị buộc phải chuyển sang môn khác là rất… vô lý.

“Định hướng của em sẽ lấy khối A để xét đại học nên trong ba môn lý, hóa, sinh chỉ học được lý hóa, khi thi môn sinh nếu không làm bài được, muốn dành thời gian làm những câu khó ở hai môn lý, hóa cũng không được. Sau khi nghe Bộ quyết phương án này, ba mẹ đã đăng ký thêm một cua luyện thi ở trung tâm”, Hữu Hòa, một HS Trường Lê Quý Đôn bức xúc.

Theo thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, HS ngoài xét tốt nghiệp còn định hướng vào đại học, so với các khối truyền thống A, A1, B, C, D thì cách thi theo tổ hợp mới làm tăng thêm gánh nặng cho HS.

Cụ thể, em nào chọn khối A phải gánh thêm môn sinh ngoài ý muốn; khối A1 thì gánh thêm hóa, sinh… Giáo viên các trường còn chỉ ra, kiểu thi tổ hợp này chỉ là cách gộp các môn thi lại một cách cơ học, hoàn toàn không phải xây dựng một đề thi tích hợp kiến thức những môn liên quan nên việc “bày” ra bài thi tổ hợp chỉ làm tăng thêm cái khó, cái rườm rà cho người học.

Bị động chờ phương án xét tuyển, để tham khảo

Ngay lúc này, các trường dù bất ngờ nhưng cũng nhanh chóng lên phương án ứng phó. Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt chia sẻ: "Chúng tôi là trường tư thục nên kết quả thi của HS cực kỳ quan trọng, thể hiện rõ nhất qua kết quả tốt nghiệp và vào đại học. HS đã được định hướng khối thế mạnh từ lớp 10-11 nên kế hoạch ôn tập lớp 12 đã có từ lâu, hiện giáo viên phải cấp tập thay đổi kế hoạ ch cho các em, luyện tập kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Cái khó nhất lúc này là HS phải dàn trải cho nhiều môn hơn, ít nhất phải là sáu môn. Thêm nữa, hình thức trắc nghiệm toán, sử, địa, giáo dục công dân là những thứ hoàn toàn mới với cả thầy lẫn trò. Thật tình chúng tôi cũng chưa có dữ liệu, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho các môn này để cho HS làm quen. Dù đã trấn an nhưng HS lớp 12 vẫn rất hoang mang".

Đại diện nhiều trường phổ thông cho rằng, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn hy vọng đây là thay đổi quá lớn, Bộ sẽ chưa áp ngay năm nay. Có nhiều sự lạ lẫm mà chính các thầy cô còn chưa chuẩn bị kịp, làm sao HS có thể thích ứng ngay được. Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định khẳng định: “Bộ đã quyết nên không bàn đến chuyện được hay không nữa, quan trọng là phải trấn an tinh thần của giáo viên, phụ huynh và HS, tìm cách để giảm sự căng thẳng cho người học và thầy cô xuống mức thấp nhất”.

Hiện giáo viên các trường hy vọng Bộ GD-ĐT sớm công bố bộ đề tham khảo thật sát sườn để có định hướng ôn tập cho HS. Đích mà HS nhắm tới không chỉ là tốt nghiệp THPT mà là vào đại học, vì vậy, đại diện nhiều trường cũng mong các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh, dựa vào khối thi truyền thống hay tổ hợp mới, để hướng dẫn HS lựa chọn cách ôn tập phù hợp.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI